| Hotline: 0983.970.780

Hoa nở trên đất cằn

Thứ Hai 24/01/2022 , 13:14 (GMT+7)

Dịch dã càn quét kinh hoàng buộc nhiều phận người nơi miền đất hứa phải quay gót, lê bước về cố hương, hành trang mang theo nặng trĩu âu lo và chất chứa muộn phiền.

Tạo công ăn việc làm cho người lao động sau khi về quê 'chạy dịch' là bài toán không dễ có lời giải. Ảnh: Việt Khánh.

Tạo công ăn việc làm cho người lao động sau khi về quê "chạy dịch" là bài toán không dễ có lời giải. Ảnh: Việt Khánh.

Dân lao động chiếm số đông, điểm chung là nghề ngỗng không ổn định và nặng tính thời vụ. Quay về là một bước lùi, song với niềm hy vọng đã le lói nơi cuối đường hầm.

Quẳng gánh lo đi

Với trên 3,4 triệu người, dân số Nghệ An đứng thứ 4 cả nước. Đất rộng người đông nhưng quy mô phát triển chưa tương xứng, gánh nặng cơm áo gạo tiền buộc hàng trăm ngàn người con đất Nghệ phải tính đường thoát ly nhằm sớm thoát ra khỏi nghịch cảnh khốn khó. Một bộ phận đi theo con đường xuất khẩu đến với những chân trời mới, trong khi số đông vẫy vùng khắp ngoài Bắc trong Nam.

Xa rời quê cha đất tổ là điều không ai muốn, nhưng điều kiện không cho phép họ có sự chọn lựa. Xuất phát từ thực tế đó, nhiều người xác định sẽ an cư lập nghiệp nơi phương xa. Có điều cuộc sống không ai nói trước được chữ ngờ, đại dịch Covid-19 xảy đến và “càn quét” kinh hoàng đã thay đổi hoàn toàn con tính. Khi niềm tin đã rớt xuống tận đáy, 2 chữ “quê hương” đã thôi thúc họ quay về.

Phần đa lao động Nghệ An xuất thân từ vùng cao, thuộc các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp... nơi vốn dĩ chỉ biết bám víu vào nông nghiệp, do đó áp lực càng nặng nề. Ảnh: Việt Khánh.

Phần đa lao động Nghệ An xuất thân từ vùng cao, thuộc các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp... nơi vốn dĩ chỉ biết bám víu vào nông nghiệp, do đó áp lực càng nặng nề. Ảnh: Việt Khánh.

Ở bình diện trong nước, lao động phổ thông chiếm phần đa, điểm chung ở họ là nghề ngỗng thiếu ổn định, thu nhập không quá cao, đồng lương còm cõi cơ bản chỉ đủ lo toan cho cuộc sống thường nhật, bởi thế khi biến cố ập đến rất khó xoay xở. Bằng chứng là sau hàng tháng trời gắng gượng trong vô vọng, trên dưới 100.000 lao động người Nghệ An sinh sống khắp đất Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… phải tính đường lui. Tận mắt chứng kiến biển người rồng rắn nối đuôi nhau trên cùng đường dài thăm thẳm, lầm lũi đánh vật suốt ngày đêm, băng qua nắng cháy mưa giông mới thấy hành trình trở về cơ cực biết nhường nào.

Gian nan mới chỉ khởi đầu, khuất lấp phía sau là cả núi áp lực đang chực chờ. Về là một nhẽ, làm sao để ổn định cuộc sống, chỉ ít phải qua giai đoạn đại dịch là một câu hỏi lớn không dễ có lời giải đáp. Ra đi với 2 bàn tay trắng, trở về cùng 4 bàn tay không, bấy nhiêu thôi cũng thấy những tháng ngày phía trước đầy rẫy chông gai.

Dù vậy với sự đồng hành của cả cộng đồng, trên hết là sự nỗ lực và niềm tin chưa bao giờ cạn vơi nơi người lao động, tia sáng cuối đường hầm đã le lói xuất hiện. Mỗi địa phương đều mang những nét đặc thù khác nhau, điều đáng mừng là “trong cái khó ló cái khôn” khi biết cách vận dụng linh hoạt để từng bước xua tan mây mù. Lấy thủ phủ khoáng sản Quỳ Hợp làm điểm, chính lúc cấp bách nhất ngành nghề khai thác, chế biến và kinh doanh mặt hàng này đã góp phần giảm tải áp lực cho số đông.

Dẫu khó khăn nhưng biết cách vận dụng linh hoạt, hàng trăm lao động ở Quỳ Hợp đã tìm được việc làm ở các Nhà máy, xưởng chế biến kinh doanh, sản xuất khoáng sản. Ảnh: Việt Khánh.

Dẫu khó khăn nhưng biết cách vận dụng linh hoạt, hàng trăm lao động ở Quỳ Hợp đã tìm được việc làm ở các Nhà máy, xưởng chế biến kinh doanh, sản xuất khoáng sản. Ảnh: Việt Khánh.

Chẳng dấu diếm, Chủ tịch UBND xã Đồng Hợp, ông Vũ Ngọc Lâm khẳng định: “Lũy kế từ đầu năm đến nay trên dưới 3.000 người về quê, số lao động về hẳn khoảng 600 người, phần nhiều đã được bố trí vào làm cho các doanh nghiệp, xưởng khai thác, chế biến khoáng sản. Nghề làm đá dẫu nặng nhọc, vất vả nhưng thu nhập tương xứng. Ngày làm bình quân 8 tiếng, một công nhân lành nghề có thể kiếm được 300.000 đồng, có những gia đình cả vợ chồng, con cái cùng làm nghề này, tính ra chi tiêu rồi cũng tích cóp được 20 triệu đồng/ tháng.

Không dừng lại ở đó, với tinh thần tương thân tương ái “một miếng khi đói bằng một gói khi no” thời gian qua các ban ngành đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn đã kịp thời góp sức chung tay, huy động kinh phí xây dựng điểm cách ly và mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch. Tại Đồng Hợp không có cảnh màn trời chiếu đất, đời sống của người dân hậu đại dịch Covid-19 cơ bản được chăm lo”.

Lấy niềm tin, khát vọng làm điểm tựa

Cùng là xã 135 nhưng mặt bằng chung của Văn Lợi có phần nhỉnh hơn, ở đây đồng bào Thổ chiếm trên 52%, có một số ít người Thái, phần còn lại là người Kinh. Bản chất của người Thổ vốn siêng năng cần cù, chịu thương chịu khó, các hủ tục lạc hậu dần bị xóa bỏ, văn hóa có nhiều nét tương đồng với người Kinh. Trong bối cảnh bị tác động nặng nề bởi đại dịch, những ưu điểm trên càng được chứng minh rõ nét.

Là xã thuần nông, đến nay toàn xã Văn Lợi đã hình thành nhiều mô hình trồng cây ăn quả có giá trị, dù vậy xét tổng quan mía vẫn là cây trồng chủ lực. Theo dõi xuyên suốt mới biết, cây mía ở đây đã trải qua nhiều thăng trầm, có lúc hàng loạt diện tích bị chặt bỏ để nhường chỗ cho cây cam. Chạy theo xu thế, nhân rộng ồ ạt thái quá tức thì để lại hậu quả nhãn tiền, nhận thấy không thể đốt cháy giai đoạn người dân bản địa đã từng bước phục hồi vốn quý, đến nay ổn định diện tích trồng mía khoảng 850 ha (160 ha trồng lại – PV), diễn biến lúc này tương đối khả quan.

Nghề trồng mía tạo thu nhập ổn định cho đồng bào miền núi Văn Lợi, đồng thời góp phần giảm tải nhu cầu việc làm cho không ít lao động trở về từ miền Nam. Ảnh: Việt Khánh.

Nghề trồng mía tạo thu nhập ổn định cho đồng bào miền núi Văn Lợi, đồng thời góp phần giảm tải nhu cầu việc làm cho không ít lao động trở về từ miền Nam. Ảnh: Việt Khánh.

Bí thư Đảng ủy Cao Trung Hoàng hồ hởi chia sẻ: “Hiện tại 100% hợp đồng cung cấp nguyên liệu được ký kết với Công ty mía đường Nghệ An – NASU, bắt buộc người trồng phải tuân thủ chặt chẽ quy trình, đồng thời phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Yếu tố đó kết hợp với lợi thế về thổ nhưỡng, thị trường đã tạo nên khác biệt rõ rệt trên chính bờ thửa của nhà nông, trừ chi phí phát sinh 1ha mía bà con lãi ròng 40 triệu đồng, có những hộ sở hữu 5 – 6 ha, nguồn thu rất đáng kể”.

Nghề trồng mía khá nhàn nhã nhưng hiệu quả kinh tế ổn, quan trọng hơn là giải quyết một phần nhu cầu việc làm trước mắt cho lao động trở về từ miền Nam. Riêng tại Văn Lợi ghi nhận hơn 300 người hồi hương, trong đó 1/3 tính phương án bám trụ lâu dài. Hay ở chỗ các gia đình nơi đây ít nhiều đều có quỹ đất trồng mía, do đó cánh lao động nông nhàn “hậu Covid” có thể tranh thủ thời gian để phụ giúp gia đình, thậm chí là trực tiếp nhận công cán để tạo nguồn thu. Nhanh chân nhanh tay, đều đặn có thể đút túi 400.000 đồng/ ngày, mức rất khá so với mặt bằng chung.

Ngoài nghề này, lao động tại xã Văn Lợi còn thể hiện sự nhanh nhạy trong quá trình hòa nhập sau chuỗi ngày dài xa xứ, họ chủ động “kiếm cơm” thông nhiều hình thức khác, riêng cánh đàn ông sức dài vai rộng vẫn ưu tiên nghề làm đá, xây dựng, bốc, chặt keo… nhìn chung tính thụ động chưa lúc nào hiện hữu nơi xã 135.

“Một doanh nghiệp ở huyện Tân Kỳ vừa thông báo chủ trương xây dựng nhà máy may quy mô 6.500 công nhân, vị trí nằm không xa địa giới hành chính của xã Văn Sơn. Đơn vị này đã đặt vấn đề xoay quanh công tác tuyển dụng lao động, dự kiến nhiều con em Văn Lợi sẽ được tạo điều kiện vào làm việc”, Bí thư Cao Trung Hoàng hồ hởi kể.

Khoác trên mình bộ đồng phục lao động còn in đẫm mồ hồi, anh Võ Quang Trung (SN 1988) không ngần ngại kể về quãng thời gian khốn khó. Bản thân anh xa nhà từ năm 2007, đến năm 2013, dù mới ở độ mười chín đôi mươi đã mạnh dạn vào Sài Gòn lập nghiệp. Nhanh nhạy, tháo vát lại vững tay nghề chẳng mấy chốc đã được một công ty sản xuất máy gửi gắm niềm tin ở phân mảng điện tự động hóa, một thời gian sau vợ anh cũng được nhận vào làm cùng. Với tổng thu nhập khoảng 25 triệu đồng, tình hình nhìn chung tạm ổn nơi chốn thị thành hoa lệ.

Với những người tư duy nhanh nhạy, căng tràn niềm tin như anh Võ Quang Trung việc hòa nhập với nhịp sống mới không là vấn đề. Ảnh: Việt Khánh.

Với những người tư duy nhanh nhạy, căng tràn niềm tin như anh Võ Quang Trung việc hòa nhập với nhịp sống mới không là vấn đề. Ảnh: Việt Khánh.

“Kể từ khi đặt chân lên đất Sài Gòn, vừa rồi là thời điểm khốn khó nhất. Dịch dã bủa vây, kéo dài triền miên khiến mọi thứ rơi vào tình trạng đình trệ, suốt 5 tháng liền vợ chồng tôi ngồi không một chỗ chẳng làm được gì. Thời gian đầu công ty còn hỗ trợ một phần, về sau không thể duy trì. Tháng 10/2021, ngay khi hết đợt giãn cách vợ chồng, con cái kéo nhau về quê, chi phí di chuyển hết tận 8 triệu đồng, dù tốn kém nhưng chẳng còn cách nào khác”.

Khi đề cập đến tương lai? Anh Trung nói thẳng quan điểm: Đành rằng dịch bệnh đang có chiều hướng ổn định hơn nhưng với tình hình này chẳng ai nói trước được. Suy nghĩ thông suốt tôi tự nhủ, người ta có thể làm giàu ở quê hương sao mình không thể chuyên tâm gắn bó, lần này vợ chồng tôi xác định sẽ ở lại dài lâu. Bước đầu là tìm kiếm việc làm để chủ động cuộc sống, sau đó là tìm hiểu guồng quay chung, khi thuận lợi có thể mở hướng kinh doanh.

Với bản tính nhanh nhạy, kết hợp thêm một phần may mắn, vợ chồng anh Trung nhanh chóng thoát khỏi cảnh “ăn không ngồi rồi”. Hiện anh Trung đang là nhân viên kỹ thuật cho Công ty CP Khoáng sản và thương mại T.H, vợ làm ở Công ty TNHH KS L.A, đều 2 thương hiệu lớn tại đất Quỳ Hợp.

Đưa ra một lát cắt để thấy, chỉ cần có niềm tin và khát vọng ắt hẳn trên đất cằn cũng có thể nở hoa.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.