| Hotline: 0983.970.780

Lao động tha phương về quê ăn một cái tết buồn

Thứ Tư 19/01/2022 , 08:12 (GMT+7)

Đa phần lao động chính của xã Quảng Thái đều làm ăn xa. Khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng nghìn lao động trở về quê nhưng trước mắt họ là cái tết buồn…

Về làm giỗ chồng, gặp đại dịch covid-19, mẹ con bà Số 'trắng tay'. Ảnh: VD.

Về làm giỗ chồng, gặp đại dịch covid-19, mẹ con bà Số "trắng tay". Ảnh: VD.

Ráo mồ hôi là... hết tiền

Một ngày cuối đông, chúng tôi đến thăm bà Đới Thị Số, thôn 4, xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Căn nhà nhỏ nơi 5 mẹ con bà đang trú ngụ rộng chừng 30 m2, phía bên trái là nơi thờ người chồng quá cố, hai cái giường đặt hai bên đã choán gần hết lối đi. Khoảng sân nhỏ phía trước ẩm thấp, rêu mốc bám đầy; cảnh buồn tựa hồ như chính tâm trạng của chủ nhân trong ngôi nhà này. Bữa trưa của mẹ con bà Số, ngoài cơm trắng chỉ có thêm một đĩa rau luộc chấm nước mắm. Hai đứa con bà vẫn ăn ngon lành.

Chúng đói! Bà Số mới vay được tiền người bà con, đong 10 cân gạo về cho chúng ăn qua ngày.

Từ khoảng 10 năm nay, chồng nghiện rượu, 5 mẹ con bà phải dắt díu nhau ra Hà Nội, đứa làm công nhân, đứa đi bán hàng dạo cùng mẹ. Chỉ lúc tết nhất, thi thoảng 5 mẹ con mới cùng nhau trở về nhà. Bốn đứa con của bà, đứa thất học, đứa học hết lớp 7 thì nghỉ, tháng ngày theo mẹ đi kiếm ăn. Với chúng, khi cái ăn chưa đủ no thì việc học cũng chỉ là điều xa xỉ.

Năm trước, chồng bà Số qua đời. Sau khi lo tang cho chồng xong, năm mẹ con bà lại dắt díu nhau ra Hà Nội đi bán hàng dạo. Cuối năm nay, đến ngày giỗ đầu chồng, bà lại cùng các con trở về quê. Nhưng năm nay, bà và các con về giỗ chồng trong hoàn cảnh hoàn toàn khác xa những năm trước. Cận tết Nhâm Dần rồi nhưng bì gạo hết nhẵn, trong tay mẹ con bà không có nổi mấy cắc bạc lẻ.

Người dân vùng bãi ngang Quảng Thái đang chắt chiu từng đồng để lo cho cái tết. Ảnh: VD.

Người dân vùng bãi ngang Quảng Thái đang chắt chiu từng đồng để lo cho cái tết. Ảnh: VD.

“Ở Hà Nội, 4-5 tháng liền, do dịch dã làm không đủ ăn nên phải lấy tiền tích cóp ra ăn dần. Lần này, chuẩn bị được 1 ít tiền về làm giỗ, tính ra năm đi làm bù lại nhưng về đến quê cả mấy mẹ con phải cách ly mất 14 ngày; làm giỗ xong thì tôi bị nhiễm Covid-19, mất gần nửa tháng điều trị. Các con tôi, thành ra là F1 nên cũng thuộc diện cách ly thêm 14 ngày. Đến lúc này thì nhà không còn đồng bạc lẻ nào. Hôm trước phải nhờ người anh em mua giúp 10 kg gạo để ăn cái đã chứ chưa nghĩ gì đến chuyện tết nhất”, bà Số não nề.

Những ngày theo mẹ kiếm ăn ở Hà Nội, hai đứa con út của bà Số, đứa 17, đứa 14 tuổi được nhận vào học chữ ở một lớp tình thương. Nhưng nay về quê, dịch dã chưa biết bao giờ ra lại Hà Nội, chúng không chỉ thiếu ăn mà cái chữ rồi cũng gián đoạn. Nghĩ đến đó bà Số lại ngân ngấn dòng lệ.

“Tôi đã không biết chữ rồi. Đứa con gái đầu học hết lớp 7 cũng nghỉ giữa chừng. Giờ còn 4 đứa con trong nhà nhưng chẳng đứa nào được học đến đầu đến đũa, nghĩ chừng nào thương con chừng đó” – bà Số thở dài.

Năm nay, đón tết Nhâm Dần, trong căn nhà hiu quạnh này chỉ có 3 mẹ con bà. Hai đứa lớn, vì nhà hết tiền, sau khi hết cách ly, cuối năm rồi chúng vẫn chạy vào Bình Dương đi làm thợ Sơn để kiếm tiền gửi về cho mẹ và các em ăn tết. Nhưng ít ngày trước, chúng gọi điện về, dịch, ít việc nên cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Tết này hai đứa con trai của bà sẽ phải ăn cái tết thiếu thốn ở Bình Dương mà không có tiền gửi về; ở nhà bà và các em chúng cũng chẳng khá hơn chút nào.

Mẹ con bà Số phải chạy ăn từng bữa. Ảnh: VD.

Mẹ con bà Số phải chạy ăn từng bữa. Ảnh: VD.

Vay tiền ngân hàng để… ăn tết

Rời nhà bà Số chúng tôi tìm đến nhà ông Tô Văn Đề cách đó vài ngõ. Vì hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng ông Đề phải gửi các con lại cho ông bà nội chăm sóc để ra Bắc, vào Nam kiếm sống. Giữa năm 2021, vợ chồng ông tháo chạy về quê do ở các địa phương dịch diễn biến phức tạp.

Rồi cũng do lo ngại dịch nên ông bà không dám đi làm ăn xa nữa. Nhưng ở vùng bãi ngang này, đa phần các hộ dân không có ruộng vườn, những người có nghề đánh bắt cũng chỉ làm nghề trong lộng, thu nhập không đáng là bao. Một phần nhỏ lao động tham gia các ngành nghề dịch vụ còn lại chủ yếu đi làm công nhân, đi bán hàng rong khắp mọi miền đất nước.

Nhiều gia đình ở Quảng Thái gửi con cái cho ông bà, người thân, đi làm ăn quanh năm, chỉ về quê ít ngày vào dịp tết rồi lại rời quê.

Đa số lao động ở Quảng Thái phải tha phương cầu thực. Một số ít ở nhà nhưng nguồn thu nhập từ nghề biển, ngành nghề phụ không đáng là bao. Ảnh: VD.

Đa số lao động ở Quảng Thái phải tha phương cầu thực. Một số ít ở nhà nhưng nguồn thu nhập từ nghề biển, ngành nghề phụ không đáng là bao. Ảnh: VD.

Bà Tô Thị Hà, cán bộ chính sách xã Quảng Thái đi cùng chúng tôi cũng tỏ ra rất ái ngại cho hoàn cảnh gia đình bà Số. Bà Hà ngỏ ý muốn giúp đỡ gia đình bà Số bằng cách làm thủ tục để bà được vay tiền Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng bà Số gạt đi: “Tôi vừa vay được 7 triệu trả các chi phí cách ly, điều trị covid-19 rồi. Nay nếu có chính sách cho vay làm lại ngôi nhà thì tôi vay chứ cái ăn thì qua cái tết này mẹ con lại ra Hà Nội đi bán hàng rong kiếm sống chứ không dám vay đâu”.

Vợ chồng ông Đề khi về đến quê thì cũng không phải là ngoại lệ. Ruộng không có, ngành nghề phụ không có, không biết nghề biển, gần 1 năm nay, gia đình ông phải đi vay tiền ăn, tiền học cho các con. Cùng quẫn, gia đình ông lại tính đến việc vay ngân hàng để chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày rồi đến đâu tính đến đó.

Nhưng khổ nỗi, số tiền vay ngân hàng chính sách xã hội cách đây hơn 1 năm đến nay vẫn chưa có trả nên nguyện vọng của vợ chồng ông không được đáp ứng.

“Tôi muốn vay ngân hàng chính sách xã hội thêm 30 triệu nữa để lo cho con cái ăn uống, tiền học, sắm sanh cho cái tết rồi ra năm đi làm trả nợ. Nhưng tôi nghe cán bộ xã nói những ai đang còn nợ và không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thì sẽ không được vay tiếp. Đến giờ trong tay chẳng có gì thì cũng không nghĩ gì đến tết nhất”, ông Đề than thở.

Trong những ngôi nhà khang trang như thế này, nhiều con người vẫn đang phải đón chờ một cái tết buồn do thất thu từ nguồn tiền do lao động đi làm ăn xa gửi về. Ảnh: VD.

Trong những ngôi nhà khang trang như thế này, nhiều con người vẫn đang phải đón chờ một cái tết buồn do thất thu từ nguồn tiền do lao động đi làm ăn xa gửi về. Ảnh: VD.

Bà Tô Thị Hà, cán bộ chính sách xã Quảng Thái cho hay, đây là địa phương có số lao động đi ra các tỉnh làm ăn rất lớn. Có những thời điểm, trong xã chỉ còn lại người già và trẻ em. Trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi, hàng nghìn lao động địa phương đã trở về quê nhưng đa phần không có việc làm và đang đứng trước hoàn cảnh rất bế tắc. Dù đã sát tết nhưng một số lao động cũng phải tiếp tục bỏ quê đi làm ăn ở các tỉnh và trong tỉnh. Tuy nhiên, số lao động tìm được việc làm là không nhiều.

Theo thống kê của bà Hà, trước tháng 4/2021, toàn xã có 3.560 lao động làm ăn xa quê nhưng sau đó đã có 3.176 người trở về, hiện nay mới có khoảng 450 lao động tìm được việc làm. Số còn lại vẫn đang trông chờ các nguồn vốn vay để xoay xở làm ăn. Nếu chỉ tính riêng vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp, so với cùng kỳ năm 2021 thì đến nay dư nợ tăng thêm 2 tỷ đồng. Điều đáng nói, đa phần vốn vay này được sử dụng vào mục đích tiêu dùng.

Vợ chồng ông Đề mong muốn vay tiền ngân hàng để lo cho cái ăn, con cái học hành và mua sắm tết nhưng không nằm trong diện được vay. Ảnh: VD.

Vợ chồng ông Đề mong muốn vay tiền ngân hàng để lo cho cái ăn, con cái học hành và mua sắm tết nhưng không nằm trong diện được vay. Ảnh: VD.

“Tính từ đầu năm đến nay, nhu cầu vay ngân hàng của người dân rất lớn, chỉ riêng ngân hàng Nông nghiệp đã giải ngân 7 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 2 tỷ đồng. Chỉ số rất ít trong đó là vay để sản xuất kinh doanh còn đa phần là vay trả nợ, vay tiêu dùng. Nhìn chung lao động xa quê sau khi trở về địa phương, việc làm và thu nhập không ổn định nên đang rất khó khăn”, bà Hà chia sẻ.

Bà Hà cho biết thêm, hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội đã nắm danh sách các đối tượng F1 trong xã, nhất là các lao động trở về từ vùng dịch để có kế hoạch cho vay vốn giải quyết việc làm. Tuy nhiên, cái khó khăn trước mắt ở vùng quê này vẫn là chi tiêu mấy ngày tết vì thực tế đa số lao động ở đây đi làm ăn xa, trở về không có ruộng vườn, không có thu nhập nên cuộc sống rất khó khăn.

Theo số liệu thống kê từ Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có khoảng 320 nghìn người đi làm ăn tại các tỉnh thành trong cả nước. Sau đợt dịch cuối tháng 4/2021 đến nay đã có khoảng 206 nghìn người (trong đó có 170 nghìn lao động) đã trở về quê. Nhiều lao động trong số đó hiện chưa có việc làm nhưng vào dịp cuối năm nên vẫn chưa lên kế hoạch đi làm ăn xa. Trước tình hình trên, tỉnh Thanh Hóa đã có đề án 198 về bố trí việc làm, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề. Nhiều địa phương đã và đang kết nối người lao động vào các khu, cụm công nghiệp và giải quyết việc làm tại chỗ để giảm bớt khó khăn cho người lao động trở về quê.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.