| Hotline: 0983.970.780

Hoang tàn nhà máy giấy nghìn tỷ

Chủ Nhật 28/05/2023 , 14:21 (GMT+7)

KON TUM Nhà máy bột giấy xây dựng hàng chục năm chưa xong, gây lãng phí nguồn lực đất đai… Người dân ngao ngán, thất vọng với dự án, không muốn nhà máy tiếp tục thi công.

Cổng nhà máy giấy Tân Mai Kon Tum. Ảnh: Đăng Lâm.

Cổng nhà máy giấy Tân Mai Kon Tum. Ảnh: Đăng Lâm.

14 năm của “công trình lỗi hẹn”

Dự án Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai Kon Tum (đóng ở thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) do Công ty CP Tân Mai Tây Nguyên làm chủ đầu tư. Năm 2009, dự án được khởi công xây dựng trên diện tích khoảng 157ha, có công suất 130.000 tấn/năm. Dự án được chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương đặt nhiều kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Với kỳ vọng đó, dự án được tổ chức triển khai rầm rộ. Từng tốp máy móc được điều động để làm hàng rào, xây gạch, xây các tòa nhà. Hệ thống máy móc cũng được xe cơ giới lớn chở đến chất từng bãi…

Đang “xuôi chèo mát mát” thì dự án bỗng đột ngột dừng lại, liên tục chậm tiến độ. Sau nhiều lần dự án được điều chỉnh như vốn đầu tư xuống còn 1.300 tỷ đồng và diện tích đất là 57ha, công suất 70.000 tấn/năm... thì đến nay, đã 14 năm trôi qua kể từ ngày khởi công, dự án vẫn đang dang dở.

Có mặt tại “công trình lỗi hẹn” này, chúng tôi nhận thấy bao quanh dự án là hệ thống tường rào được xây dựng đã lâu, hiện mốc meo, xuống cấp. Bên trong, có 2 dãy nhà xây dựng phần thô dở dang, dấu hiệu ngừng thi công đã lâu. Dưới nền đất, cỏ mọc um tùm. Một góc khác, máy móc gỉ sét được tập kết sau hàng rào thép. Khung cảnh nhà máy giấy trông điêu tàn. Dự án chưa có dấu hiệu sẽ đưa vào thi công trở lại.

Một số hạng mục xây xong bỏ hoang. Ảnh: Đăng Lâm.

Một số hạng mục xây xong bỏ hoang. Ảnh: Đăng Lâm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi dự án đang đình trệ thì tháng 11/2022, Công ty CP Tân Mai Tây Nguyên có văn bản gửi Sở KH-ĐT, UBND tỉnh Kon Tum xin điều chỉnh giãn tiến độ đầu tư từ “hết tháng 8/2022” thành “hết tháng 8/2024”.

Lý do đơn vị này đưa ra để xin điều chỉnh tăng thêm 2 năm như trên là ngân hàng thẩm định tính hiệu quả dự án kéo dài; thời gian đấu thầu gói thầu dài; dịch bệnh…

Khi lấy ý kiến của chính quyền địa phương, UBND thị trấn Đắk Tô (địa bàn nơi xây dựng nhà máy) cương quyết không thống nhất việc xin điều chỉnh giãn tiến độ của dự án nói trên vì dự án này triển khai thực hiện quá lâu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Từ năm 2009 đến 11/2022, Công ty CP Tân Mai Tây Nguyên chưa thực hiện các hạng mục công trình đã nêu trong dự án, gây bức xúc trong nhân dân. Cử tri nhiều lần lên tiếng dự án gây lãng phí tài nguyên đất, đề nghị các cấp có thẩm quyền thu hồi dự án, đưa vào kế hoạch kêu gọi các nhà đầu tư khác có khả năng hơn…

Sự thất vọng của người dân

Ông Nguyễn Văn Thiện, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Đắk Tô cho biết: “Khi bắt đầu triển khai, dự án đã mang lại rất nhiều kỳ vọng như giải quyết công ăn việc làm, thu mua nguyên liệu gỗ đầu vào cho người dân. Tuy nhiên, dự án kéo dài nhiều năm, người dân không còn hy vọng, không còn quan tâm và họ đã có kế hoạch làm ăn khác. Những lao động được đào tạo làm công nhân thì giờ họ đi làm việc khác”.

Chúng tôi đến vùng dự án, nơi mà người dân nơi đây một thời từng được nhà máy hứa hẹn về việc tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định và lâu dài… Giờ, chỉ là sự thất vọng! Ông A Bái, Bí thư chi bộ thôn Đắk Rao Lớn (nơi triển khai dự án), cho biết, thời điểm triển khai, dự án thu hồi của người dân khoảng 150ha đất trồng mì, cà phê, lúa. Bà con từng kỳ vọng dự án sẽ tạo công ăn việc làm. Phía công ty cũng hứa hẹn nhận người dân vào làm công nhân nhà máy. Đã có 5 người trẻ trong làng được cử đi Đồng Nai học 2 năm về việc vận hành máy móc. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn dang dở, bà con không hưởng lợi gì. 5 người được cử đi học thì khi trở về địa phương, đã không được bố trí công việc. Họ thất vọng vì bỏ công bỏ sức đi học nhưng không được trưng dụng.

Máy móc của nhà máy 'đắp chiếu'. Ảnh: Đăng Lâm.

Máy móc của nhà máy "đắp chiếu". Ảnh: Đăng Lâm.

Trong 5 người ở thôn Đắk Lao Lớn được cử đi học, có chị Y Thị. Chị cho biết, thời điểm chị được nhà máy cử đi Đồng Nai học là lúc hơn 10 năm trước. Hồi đó, chị mới học xong cấp 3. Công ty hứa hẹn khi học xong, sẽ bố trí việc làm trong nhà máy. Thấy được cam kết, chị rời gia đình xuống Đồng Nai rồi vào công ty học công nghệ giấy. Học 2 năm, khi trở về, chị được phát bằng chứng nhận.

“Cầm bằng về, cứ nghĩ nhà máy sẽ đưa mình vào nhưng khi về thì thấy nhà máy vẫn dở dang. Tôi đến hỏi bảo vệ thì được thông báo nhà máy chưa xây xong, chưa có nhu cầu tuyển. Mình bỏ công sức đi học suốt 2 năm về nhưng không bố trí công việc, rất lãng phí. Hiện mình không chờ công ty sắp xếp công việc nữa mà đã chuyển qua làm rẫy, còn bằng chứng nhận thì cất giữ trong kho làm kỷ niệm”, chị Y Thị nói và cho biết, trong đợt được công ty đưa vào Đồng Nai đào tạo, ngoài chị còn có khoảng 40 người khác và hiện cùng chung tình cảnh không có việc sau khoá đào tạo 2 năm.

Tại dự án này, vào tháng 9/2022, Sở KH-ĐT Kon Tum đã tổ chức kiểm tra, khẳng định dự án chậm tiến độ dù đã được điều chỉnh nhiều lần. Dự án cũng được xác định có vi phạm trong việc chậm đưa đất vào khai thác sử dụng hơn 24 tháng kể từ ngày được giao đất ngoài thực địa theo quy định tại điểm I, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 và quy định tại điểm c, điểm d, khoản 12, Điều 2, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.