| Hotline: 0983.970.780

'Hồi sinh' giống lúa nếp bản địa thơm ngon của Nghệ An

Thứ Sáu 23/12/2022 , 15:25 (GMT+7)

NGHỆ AN Giống lúa nếp bản địa ở huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An) từ thời xa xưa để lại, ăn vừa thơm, vừa ngon, được đồng bào dân tộc Thái gọi là Khau cày nọi.

Người dân ở vùng núi cao các xã Châu Kim, Tri Lễ của huyện Quế Phong cho biết, giống lúa nếp này gắn liền với đời sống của dân bản ở đây từ lâu, nhưng năng suất chỉ đạt bình quân từ 50 – 55 tạ/ha. Để đảm bảo nhu cầu lương thực tại chỗ cho bà con, trong một thời gian dài, UBND huyện Quế Phong đã chỉ đạo các xã tập trung gieo cấy các giống lúa mới có năng suất cao, chủ yếu là lúa lai. Từ đó, các giống lúa bản địa nói chung, giống lúa nếp Khau cày nọi nói riêng bị lãng quên, dẫn đến gần như mất giống.

Bà con dân tộc Thái xã Châu Kim thu hoạch giống lúa nếp Khau cày nọi vụ mùa 2022 - Copy

Bà con dân tộc Thái xã Châu Kim thu hoạch giống lúa nếp Khau cày nọi vụ mùa 2022. Ảnh: Doãn Trí Tuệ.

Bây giờ nhu cầu về lương thực không còn là vấn đề đáng lo nữa do ngày càng có nhiều giống lúa mới có năng suất cao được đưa vào sản xuất, cùng với việc trình độ thâm canh cây lúa của bà con nông dân được nâng cao. Vì vậy, bà con dân bản lại nhớ về giống lúa nếp bản địa, đặc sản của địa phương cần phải được khôi phục lại để có gạo nếp ngon, thơm sử dụng vào các ngày lễ, Tết, ma chay, cưới hỏi... và đem bán ở chợ phục vụ nhu cầu thị trường với giá cao hơn hẳn các giống gạo hiện nay.

Xuất phát từ nhu cầu của người dân và đánh giá đúng giá trị kinh tế, giá sử dụng và tiềm năng của giống lúa nếp Khau cày nọi, vụ mùa 2022, UBND huyện Quế Phong đã có chủ trương tiến hành triển khai mô hình bảo tồn giống lúa nếp bản địa Khau cày nọi tại các xã Châu Kim và Tri Lễ nhằm bảo tồn nguồn gen đặc sản quý hiếm này.

Vụ mùa 2022 vừa rồi, gia đình ông Lô Văn Tuấn ở bản Liên Phương, xã Châu Kim gieo cấy 0,5ha giống lúa nếp Khau cày nọi. Ông Tuấn cho biết, tận dụng nhiều diện tích đất ruộng của một số hộ dân trong bản không làm hết diện tích do có con đi làm ăn xa, ông gom lại gieo cấy hết. Do được đầu tư chăm sóc tốt, nên kết quả vụ lúa nếp này cho thu hoạch năng suất đạt được bình quân 55 tạ/ha.

1639533038anh-1-mua-vang-tren-canh-dong-truoc-ban

Bà con vùng cao huyện Quế Phong ngày càng có xu hướng quay trở lại sản xuất giống lúa nếp bản địa Khau cày nọi.

Thu hoạch xong, ngoài số lúa để lại cho gia đình, số còn lại ông bán dần với giá 15.000 đồng/kg, trong khi giá lúa lai chỉ có 6.000 đồng/kg, các giống lúa thuần khác 7.000 đồng/kg. Như vậy, giá trị kinh tế thu về trên 1ha giống lúa nếp Khau cày nọi cao hơn gấp 2 lần so với gieo cấy các giống lúa khác, không phải bằng năng suất mà là giá trị sử dụng được thị trường chấp nhận.

Ông Lô Văn Tuấn cho biết thêm: “Giống lúa nếp Khau cày nọi rất ít sâu bệnh, không phải đầu tư nhiều phân bón so với giống khác. Nhược điểm là cây hơi cao, nhưng lại cứng cày, không đổ, dễ thu hoạch và được bán với giá cao do cơm ăn ngon, thơm, dẻo”.

Ông Hà Minh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Châu Kim cho biết: Vụ mùa 2022, ngoài mô hình 1,5ha do UBND huyện Quế Phong chỉ đạo thực hiện, tại địa phương còn có hàng chục hộ dân trong xã chủ động gieo cấy giống lúa nếp Khau cày nọi với diện tích lên đến 10ha, năng suất thu hoạch đạt bình quân từ 53 – 55 tạ/ha, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các giống lúa khác.

image-20221104100057-2

Huyện Quế Phong mong muốn được hỗ trợ để phục tráng lại giống lúa nếp Khau cày nọi.

“Xã Châu Kim có diện tích gieo cấy lúa nước lên đến 210ha, nhiều nhất huyện Quế Phong. Trước đây, xã ưu tiên tập trung gieo cấy các giống lúa lai để đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng nay nhu cầu về an ninh lương thực đã đảm bảo, bà con dân bản quan tâm nhiều về hiệu quả kinh tế trong cơ chế thị trường hiện nay, nên địa phương sẽ tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy giống lúa nếp Khau cày nọi nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích” ông Hà Minh Tuấn cho hay.

Ngoài xã Châu Kim, tại xã Tri Lễ cũng có 10 hộ dân gieo cấy giống lúa nếp Khau cày nọi theo mô hình chỉ đạo của UBND huyện Quế Phong. Kết quả cho thu hoạch đạt năng suất từ 54 – 55 tạ/ha. Theo bà con dân bản ở đây cho biết, giống lúa nếp này có đặc điểm đẻ nhiều, hạt bầu tròn, mẩy, khi lúa chín có màu vàng sáng, từ khi hạt lúa ngậm sữa đi trên bờ đã thấy có mùi thơm; khi nấu hoặc hông xôi có mùi thơm đặc biệt, ăn ngon, thơm, dẻo, không ngán.

hinh-anh-lua

Lúa nếp Khau cày nọi được bà con người Thái rất quý. 

Từ những thực tế và kết quả trên, UBND huyện Quế Phong cho rằng, việc chọn lọc, phục tráng, bảo tồn nguồn gen giống lúa nếp Khau cày nọi của địa phương là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu sản xuất, không những cho bà con nông dân ở Quế Phong mà còn cho các địa phương khác có nhu cầu.

Để làm được việc đó, UBND huyện Quế Phong đã đề nghị Sở NN-PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An giúp đỡ huyện đầu tư nghiên cứu, xây dựng quy trình chọn lọc, phục tráng giống, nhân giống phục vụ sản xuất, có quy trình thâm canh hợp lý và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu gạo nếp Khau cày nọi là đặc sản của huyện Quế Phong được quảng bá, giới thiệu trong các hội nghị, hội thảo, hội chợ xúc tiến thương mại...

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.