| Hotline: 0983.970.780

'Hồi xuân' cho na Đông Triều

Thứ Hai 26/08/2024 , 06:00 (GMT+7)

QUẢNG NINH Cải tạo, thay thế những cây na già cỗi và thực hiện phương pháp rải vụ đang là những giải pháp để bà con nông dân nâng cao năng suất, chất lượng na Đông Triều.

Na Đông Triều là sản phẩm chủ lực, đạt thương hiệu OCOP của địa phương. Ảnh: Nguyễn Thành.

Na Đông Triều là sản phẩm chủ lực, đạt thương hiệu OCOP của địa phương. Ảnh: Nguyễn Thành.

Về với xã Việt Dân (TX Đông Triều) vào những ngày bà con đã kết thúc vụ na chính và hoàn tất cho công đoạn cải tạo, rải vụ na mới, chúng tôi được bà Trần Thị Thêu (thôn Khê Thượng) chia sẻ: “Năm nay vụ na chính vụ kết thúc sớm nên việc rải vụ mới cũng đã cơ bản hoàn thành. Hiện tại, mỗi năm vườn nhà tôi cho ra quả vào 2 vụ, vụ chính vào khoảng tháng 7 và vụ muộn vào tháng 10 - 11. Nhờ nắm được kỹ thuật rải vụ, năng suất na tăng cao, từ đó có thêm nguồn thu nhập”.

 Bà Trần Thị Thêu (thôn Khê Thượng, xã Việt Dân) cắt tỉa cành để chuẩn bị rải vụ. Ảnh: Nguyễn Thành.

 Bà Trần Thị Thêu (thôn Khê Thượng, xã Việt Dân) cắt tỉa cành để chuẩn bị rải vụ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Kỹ thuật rải vụ na được nhiều gia đình áp dụng trong nhiều năm qua. Theo đó, sau khi thu hoạch vụ chính, bà con nông dân cần cắt tỉa cành để những chồi mới phát triển và ra hoa, tiếp đó thụ phấn để tạo quả.

Theo những hộ trồng na lâu năm, đối với vụ thứ 2, năng suất na chỉ bằng 50% so với vụ chính. Điều này sẽ giúp cây đảm bảo được nguồn dưỡng chất cho những vụ mùa tiếp theo, tránh tình trạng cây bị yếu, bệnh.

Bên cạnh phương pháp rải vụ, để nâng cao chất lượng cho cây na Đông Triều, từ nhiều năm qua, các chủ vườn đã tiến hành cải tạo, chặt bỏ những cây na già cỗi để trồng cây na mới.

Bắt đầu trồng na từ năm 1996, những gốc na của gia đình bà Trần Thị Thêu (thôn Khê Thượng, xã Việt Dân) đã ngót nghét gần 30 năm tuổi. Năm 2019, bà Thêu quyết định chặt bỏ một số cây già để trồng cây mới, đến nay cây con đã cho thu hoạch với chất lượng cao.

“Sang năm tới, gia đình tôi quyết định chặt hết diện tích na còn lại để trồng thêm cây mới với loại giống tốt hơn, đồng thời cải tạo lại đất để tăng độ phì nhiêu. Chấp nhận chăm sóc lại từ đầu để sau này na cho ra quả tốt, tròn đều và thơm ngon hơn”, bà Thêu bày tỏ.

Cây na tái canh được trồng để thay thế những cây già cỗi với năng suất kém. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cây na tái canh được trồng để thay thế những cây già cỗi với năng suất kém. Ảnh: Nguyễn Thành.

“Hiện nay, địa phương đang tập trung chỉ đạo để cải tạo vườn na già cỗi, đặc biệt là tìm lại cây na đầu dòng chống chịu sâu bệnh, chất lượng tốt để nhân rộng. Đối với từng hộ dân, chúng tôi tiếp tục vận động bà con cải tạo cuốn chiếu từng diện tích để vẫn đảm bảo được nguồn thu nhập. Cùng với cải tạo cây, cần cải tạo chất lượng đất, mang đến nguồn đất giàu dinh dưỡng”, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Dân thông tin.

Theo thống kê, toàn TX Đông Triều có hơn 900ha trồng na, trong đó có gần 400ha được chứng nhận VietGAP. Cây na Đông Triều được trồng tại 14/21 phường, xã và được chia làm 2 vùng trồng, trong đó vùng chủ lực tại các xã Bình Dương, Việt Dân, Tân Việt và An Sinh; vùng 2 gồm xã Tràng An, Bình Khê và Tràng Lương.

Nhiều năm qua, các địa phương trên địa bàn TX Đông Triều đã xây dựng các đề án để tiến tới cải tạo, thay thế những cây na già cỗi. Để làm được điều này sẽ cần sự chung tay, đồng hành của các cấp chính quyền, phòng, ban chuyên môn cùng các hộ nông dân để từng bước “trẻ hóa” vườn na, từ đó khai thác tối đa tiềm năng, giá trị kinh tế từ cây na.

Xem thêm
Người chăn nuôi trắng tay, cạn kiệt vốn liếng sau bão

HẢI PHÒNG Không chỉ thiệt hại nặng nề, sau bão, nhiều trang trại chăn nuôi đang cạn kiệt vốn liếng, đối mặt nguy cơ dịch bệnh, rất khó khăn trong khôi phục sản xuất.

Nỗi niềm cán bộ thú y: [Bài cuối] Nghề 'tâm sự, trò chuyện' cùng vật nuôi

Công việc nhiều, lòng nhiệt tình có thừa, nhưng thu nhập lại... khiêm tốn. Đó là câu chuyện của những nhân viên thú y ở huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Đê vỡ, đập tràn, vựa dâu tằm tan hoang

YÊN BÁI Trận đại hồng thủy hung tàn đã biến vựa dâu tằm ở xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) thành những cánh đồng chết, cây cối tan hoang, chưa biết khắc phục bắt đầu từ đâu.

20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất

ĐẮK LẮK Hiện WASI đã có 20 giống cà phê được giới thiệu và đưa vào sản xuất, bao gồm 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè.