| Hotline: 0983.970.780

Trồng dâu tằm lấy quả, thu nhập hàng chục triệu mỗi sào

Thứ Năm 11/04/2024 , 09:00 (GMT+7)

Cây dâu tằm đã trở thành cây trồng được người dân phường Tràng An (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) quan tâm chăm sóc, mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng.

Trước đây, người dân phường Tràng An chủ yếu trồng ngô, sắn, cây lấy gỗ và gieo cấy lúa kém hiệu quả. Những năm gần đây, nhận thấy cây dâu tằm có nhiều ưu điểm như không mất nhiều công chăm sóc, quả dâu chín có vị ngọt, dịu mát, mang lại lợi ích cho sức khỏe nên người dân phường Tràng An đã chuyển đổi sang trồng cây dâu tằm lấy quả theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế. Hiện nay, phường Tràng An được xem là "thủ phủ" cây dâu tằm của thị xã Đông Triều với diện tích gần 20ha.

Người dân phường Tràng An (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) thu hoạch dâu tằm. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân phường Tràng An (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) thu hoạch dâu tằm. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bà Nguyễn Thị Loan (phường Tràng An) chia sẻ: “Gia đình tôi hiện có 2 sào (sào 360m2) trồng cây dâu tằm với tổng số khoảng 50 gốc. Trồng dâu tằm vốn bỏ ra ít, thời gian thu hoạch ngắn mà đem lại thu nhập tốt. Mỗi năm, 2 sào dâu có thể thu hái được gần 3 tấn quả, giá bán dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, tổng lợi nhuận khoảng 20 đến 25 triệu đồng, vừa nhàn, mà thu nhập lại cao hơn nhiều so với cấy lúa trước đây”.

Với giá bán ổn định, năng suất, chất lượng quả dâu cao, mô hình trồng dâu tằm lấy quả của người dân phường Tràng An năm nay hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác trước đây trên cùng một đơn vị diện tích.

Thoăn thoắt hái những quả dâu tằm chín mọng, bà Nguyễn Thị Thiềm (phường Tràng An) phấn khởi nói: “Cây dâu tằm rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở phường Tràng An. Đây là cây dễ trồng, sinh trưởng nhanh, nhanh cho thu hoạch, ít sâu bệnh và không đòi hỏi nhiều công sức chăm bón. Thời điểm chính vụ thu hái quả dâu cũng diễn ra khi nhà nông nhàn rỗi, việc thu hái quả không quá vất vả. Thời điểm quả chín nhiều, gia đình tôi đều thu hoạch được từ 30 - 40kg quả dâu/ngày”.

Hiện nay, quả dâu tằm được trồng ở phường Tràng An đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Việc tiêu thụ quả dâu chín cũng tương đối thuận lợi. Vào mùa dâu chín, người dân tất bật với công việc thu hái, phân loại để bán buôn, bán lẻ cho tiểu thương, người tiêu dùng.

Cây dâu tằm mở ra hướng đi mới trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế địa phương, vừa thu hút khách tham quan, trải nghiệm, tạo môi trường, cảnh quan đẹp hơn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cây dâu tằm mở ra hướng đi mới trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế địa phương, vừa thu hút khách tham quan, trải nghiệm, tạo môi trường, cảnh quan đẹp hơn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo một hộ dân trồng dâu kết hợp kinh doanh, chế biến siro dâu phường Tràng An, thay vì bán dâu tươi chín, gia đình đã ép quả thành siro. Quả dâu chín không chỉ có tác dụng thanh nhiệt, mát gan mà còn giúp tăng sắc đen cho mái tóc và chữa bệnh khó ngủ. Mỗi ngày, hộ dân này đều chế biến và bán ra thị trường hàng chục lít siro dâu, qua đó tăng thêm thu nhập.

Ông Lê Quốc Ruyến, Trưởng phòng Kinh Tế thị xã Đông Triều cho biết: Những năm qua, phường Tràng An đã tập trung vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi vườn tạp, diện tích gieo cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây dâu tằm lấy quả nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Việc trồng cây dâu tằm lấy quả có nhiều ưu điểm vượt trội vì dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Khi thu hoạch quả vào thời điểm bà con nông dân nhàn rỗi, phù hợp với sức khỏe những người trung tuổi, quả dâu chín dễ tiêu thụ.

Một số hộ gia đình trồng dâu tằm lấy quả trên địa bàn phường Tràng An hiện đang là địa điểm hấp dẫn thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Do vậy, hiệu quả thu được từ mô hình trồng dâu tằm lấy quả đã giúp người dân nâng cao đời sống, tạo ra nguồn lực kinh tế, góp sức thay đổi diện mạo, xây dựng đô thị văn minh trên địa bàn.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.