| Hotline: 0983.970.780

Homestay của chàng trai người Mông... mù chữ!

Chủ Nhật 06/05/2018 , 13:15 (GMT+7)

Ẩn hiện trong bảng lảng mây mù Y Tý, thấp thoáng một ngôi nhà sàn nhỏ, trên tường đầy những dòng chữ phun bằng sơn trắng nguệch ngoạc. Đó là nơi bắt đầu cho ý tưởng khởi nghiệp bằng dịch vụ homestay của chàng trai Mông có tên Sùng A Hờ. 

18-50-42_1
A Hờ - chàng trai người Mông vui tính, thân thiện

Cái lạ ở A Hờ là một chữ bẻ đôi không biết, nhưng từng hòn đá, khe suối, cái gì hắn cũng thuộc lòng.
 

Nửa chữ không biết

Xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai nhiều năm trở lại đây là điểm du lịch có sức hút đặc biệt đối với du khách vào bất cứ mùa nào trong năm. Mùa nước đổ, mùa lúa chín hay những khi mây giăng đầy, nơi đây đều mang vẻ đẹp đến kỳ lạ. Số ít người dân Y Tý đã biết khai thác những thế mạnh đó làm du lịch.

Sùng A Hờ, thôn Ngải Chồ, xã Y Tý là một người như thế. Bằng sự thông minh, nhanh nhạy của mình, A Hờ đã mạnh dạn đầu tư làm homestay, trở thành người Mông đầu tiên làm du lịch giữa đại ngàn Y Tý.

Trong ngôi nhà sàn nho nhỏ của hắn, lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười của du khách và lũ trẻ con. Dáng người, nét mặt cho tới cách trò chuyện toát lên ở A Hờ một sự gần gũi, thân thiện, chân chất, đôi lúc hồn nhiên đến kỳ lạ.

Hắn sinh năm 1985, trong một gia đình có 8 anh chị em. Nhà A Hờ thuộc diện nghèo kinh niên, học hành là một điều xa xỉ. Hơn 30 năm nhìn thấy ánh mặt trời, nhưng A Hờ chưa một ngày nhìn mà nhận mặt được con chữ. Các anh chị em trong nhà hắn cũng vậy.

“Nhà A Hờ nghèo khổ lắm, chỉ trông chờ từ ít lúa, ngô trên nương để trang trải cuộc sống. Có vụ mất mùa, cả nhà phải ăn sắn thay cơm. Anh em Hờ chả ai biết chữ cả vì cái ăn còn chả đủ lấy đâu ra điều kiện để cắp sách tới trường. Khi lập gia đình, Hờ còn phải đi vay mượn tiền bạn bè để cưới vợ, rồi khó khăn cứ chồng chất lên nhau”, A Hờ nhớ lại.

Khó khăn quá, thỉnh thoảng hắn lại đi làm thuê bên Trung Quốc kiếm tiền gửi về nhà mua gạo.

Với A Hờ, làm du lịch cũng là một cái duyên. Một lần, tình cờ A Hờ gặp một du khách tên Ngô Huy Hòa đến săn ảnh ở Y Tý, chính anh Hòa là người thổi ý tưởng làm du lịch cho mình. Anh Hòa giải thích cho A Hờ rằng, Y Tý có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch từ cảnh quan, phong tục tập quán, con người nhưng ở đây dịch vụ lưu trú chưa hề có. Nếu muốn thoát nghèo A Hờ phải tận dụng tiềm năng đó để thay đổi chính cuộc sống của mình và nhận thức của bà con dân bản nơi đây.
 

Homestay... khó hiểu quá!

Nhờ sự hướng dẫn của bạn bè và anh Hòa, A Hờ mạnh dạn về bàn với vợ sửa sang lại căn nhà, vay mượn tiền anh em để đầu tư làm homestay.

Từ 2 năm nay, mô hình lưu trú tại gia của A Hờ đã bắt đầu mang lại hiệu quả. Mặc dù thu nhập chưa nhiều nhưng cũng gấp nhiều lần so với việc đi nương, đi rẫy làm nghề trồng lúa như trước.

18-50-42_4
Căn nhà homestay của vợ chồng A Hờ

Số tiền hơn 200 triệu đồng thu nhập từ du lịch trong 2 năm nay, Sùng A Hờ tái đầu tư để sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng, mở rộng cơ sở lưu trú.

A Hờ bảo, tiếng Việt một chữ bẻ đôi không biết thì sao hiểu được homestay là gì? Khó hiểu quá. Nhưng với sự thân thiện, vui tính, ham học hỏi của mình, mỗi du khách đến đây A Hờ đều xin hướng dẫn, góp ý. Tuy không biết chữ nhưng hắn có một cái đầu với trí nhớ tuyệt vời.

Hiện nay, homestay của nhà A Hờ là một địa chỉ quen thuộc cho bất cứ ai đến với địa danh Y Tý. Ngoài mức giá bình dân 50.000 đồng/ngày, cộng với các dịch vụ thân thiện, du khách còn có cơ hội cùng ăn, cùng chơi, cùng ngủ với người dân địa phương. Đó là cách hay nhất để tìm hiểu được văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc Mông, Hà Nhì… nơi đây.

Với sức chứa tối đa 30 người/ngày, vào mùa cao điểm, khi dân du lịch đổ về săn mây, ngắm lúa chín… nhà A Hờ lúc nào cũng kín phòng. Hờ nhẩm tính, mỗi năm cũng đón khoảng 400 - 500 lượt khách, trong đó không ít “Tây balo”.
 

Chưa khi nào lo thất bại

Mới đây, hai vợ chồng A Hờ cũng tự tay thiết kế xây chòi nghỉ mát để phục vụ du khách. Hờ chưa bao giờ lo thất bại bởi hơn ai hết, hắn có một tình yêu đối với Y Tý và niềm tin mãnh liệt vào mảnh đất quê hương.

18-50-42_3
A Hờ chụp ảnh kỷ niệm với đoàn du khách trên đỉnh núi Nhìu Cồ San
A Hờ bảo, không thời đại công nghệ thông tin, không biết chữ cũng là một cái thiệt thòi. Thời gian tới, nhằm lúc rảnh rỗi, Hờ sẽ đi học cái chữ để biết đọc, biết viết. Dù có khó khăn, vất vả đến mấy cũng phải cố gắng vượt qua.

Cũng từ niềm tin ấy A Hờ đã vận động nhiều anh em, bạn bè làm du lịch, đóng góp cho sự phát triển của Y Tý. Hắn bảo, cũng vận động nhiều anh em, bạn bè để làm du lịch nhưng mọi người cứ kêu là không có tiền, xấu hổ không làm được, không biết nói tiếng Kinh, biết chữ. Phải giải thích cho mọi người rằng, Y Tý có rất nhiều cảnh đẹp đó là thuận lợi cho việc làm du lịch. Mình không biết thì có thể học hỏi và chỉ cần chịu khó thì việc làm du lịch cũng đơn giản hơn nhiều. Giờ đây, một số anh em, bạn bè cũng đã góp vốn cùng Hờ để phát triển rộng mô hình này.

Nhắc tới vùng cao Bát Xát, người ta sẽ nhớ ngay tới những ngọn núi hùng vĩ như Bạch Mộc Lương Tử (Ky Quan San), Nhìu Cồ San, Núi Muối. Và chừng hai năm trở lại đây, đỉnh Lảo Thẩn của xã Y Tý trở thành điểm du lịch leo núi hấp dẫn dành cho dân “phượt”. Đường lên Lảo Thẩn mới lạ, khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Đứng trên đỉnh Lảo Thẩn, phóng tầm mắt ra xa, cả một vùng núi non trùng điệp.

Với kinh nghiệm của một “thổ dân”, A Hờ lại trở thành hoa tiêu dẫn đường cho những đoàn khảo sát, những đoàn khách chinh phục đỉnh núi này. Không chỉ vậy, A Hờ còn sẵn lòng dẫn du khách chinh phục đỉnh núi khác như Nhìu Cồ San bố, mẹ ở xã Dền Sáng. Đôi chân của chàng thanh niên người Mông dường như không biết mệt mỏi, in hằn khắp núi rừng Y Tý.

Với A Hờ, du lịch không chỉ là cái nghề kiếm tiền mà hơn hết đó chính là tình yêu, niềm đam mê khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn của mảnh đất quê hương. Bên cạnh đó, nắm bắt được lợi thế, Sùng A Hờ cùng anh em trong gia đình mạnh dạn đầu tư lán nghỉ qua đêm trên đường chinh phục đỉnh Lảo Thẩn cho du khách. Mỗi du khách nghỉ đêm trên nán tầm 50.000 đồng/người. Ngoài ra còn có các dịch vụ cho thuê túi ngủ, lều… hay bán thực phẩm cho du khách khi ở điểm nghỉ. Cùng với đó, mỗi đoàn khách du lịch cần thuê porter (người khuân vác), A Hờ cũng tận tình tìm người địa phương, giúp người dân nơi đây có công việc và thu nhập hàng tháng.

Ông Hầu A Sinh, Chủ tịch UBND xã Y Tý cho biết, mặc dù người dân Y Tý đã biết cách đầu tư vào làm du lịch nhiều hơn nhưng vẫn chủ yếu mang tính thời vụ nên hiệu quả chưa được như mong đợi. Chính vì vậy, mô hình homestay như của Sùng A Hờ là cách làm chủ động, tiên phong để người dân nơi đây lấy đó là tấm gương học tập, mở ra hướng đi mới trong phát triển ngành du lịch của địa phương cũng như góp phần xóa đói, giảm nghèo.

A Hờ mong muốn người dân Y Tý sẽ nhiều người biết làm du lịch hơn để có nguồn thu nhập và vươn lên thoát nghèo. Hắn ấp ủ nhiều dự định, làm sao để Y Tý cũng sẽ là điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

 

(Kiến thức gia đình số 18)

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Nhiều vùng trũng thấp ở Nha Trang bị ngập

KHÁNH HÒA Do những ngày qua có mưa lớn kết hợp hồ chứa nước điều tiết nên nước sông Cái Nha Trang dâng cao, nhiều vùng trũng thấp tại TP Nha Trang bị ngập.