Sáng 22/8, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp công tác về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2023.
Hơn 20.000 học sinh, giáo viên tiếp cận chương trình
Sau 5 năm thực hiện, chương trình đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo, kế hoạch chuẩn bị, phòng ngừa thiên tai; thực hiện một số hoạt động nâng cao sự hiểu biết về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bao gồm các cuộc thi, khóa tập huấn, hoạt động ngoại khóa, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng, tinh thần trách nhiệm của nhà trường, các bậc phụ huynh và học sinh.
Các chương trình, sự kiện nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai đã thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo và hào hứng của học sinh, giáo viên, phụ huynh. Điều này thể hiện các hoạt động đã và đang triển khai là phù hợp, thể hiện nhu phải tiếp tục tạo dựng “hành lang”, “sân chơi” tìm hiểu về thiên nhiên, kiến thức phòng, chống thiên tai trong nhà trường. Những kiến thức, kỹ năng hữu ích này sẽ hỗ trợ các em trong suốt hành trình cuộc sống.
Chương trình đã thực hiện một số hoạt động nâng cao sự hiểu biết về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bao gồm các cuộc thi, khóa tập huấn, hoạt động ngoại khóa góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng, tinh thần trách nhiệm của nhà trường, các bậc phụ huynh và các em học sinh.
Cụ thể: Cuộc thi “Giải cứu trái đất - Trẻ em sáng tác nhân vật siêu anh hùng đẩy lùi thiên tai và biến đổi khí hậu” (năm 2019) có gần 18.500 tác phẩm của trẻ em, học sinh thuộc 40 tỉnh, thành phố trên cả nước; Cuộc thi Đại sứ học đường trong phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu (năm 2019); Cuộc thi sáng “Sáng tác lời mới cho làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền về phòng chống thiên tai” (năm 2021) với 73 tác phẩm tham gia, trong đó có 10 tác phẩm dự thi của thầy cô giáo và các em học sinh; Cuộc thi vẽ tranh ngoài trời với chủ đề “Cùng em phòng, chống thiên tai - Kiến tạo tương lai bền vững” 770 tác phẩm đến từ các em học sinh khối tiểu học; Cuộc thi "Rung chuông vàng" tại thành phố Đà Nẵng (năm 2022) với hơn 1.000 em học sinh tham gia.
Ngoài ra, chương trình còn tổ chức một số sự kiện, chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai như: Phát động Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai lần đầu tiên tại thành phố Hải Phòng (năm 2019) với hơn 1.000 đại biểu trung ương, địa phương và các em học sinh trên địa bàn tham dự;
Cuộc thi vẽ tranh ngoài trời và Cuộc thi Rung chuông vàng với chủ đề “Cùng em phòng, chống thiên tai - Kiến tạo tương lai bền vững” với hơn 1.000 em học sinh tham gia. Diễn tập ứng phó động đất với sự tham gia của hơn 300 cán bộ, thầy cô và các em học sinh trường tiểu học Măng Đen tại huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum (năm 2022).
Đặc biệt, năm 2023, chương trình phối hợp với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về Phòng, chống thiên tai năm 2023 với chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm” tại thành phố Hội An (Quảng Nam) cùng sự tham gia của 800 đại biểu trung ương, địa phương, thầy cô giáo và các em học sinh.
Bước đệm để triển khai những năm tiếp theo
Theo báo cáo, năm 2023 là năm cuối thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ, hội nghị là cơ hội để đánh giá lại những ưu điểm, tồn tại, bài học kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp cụ thể để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai trong ngành giáo dục đào tạo ở các cấp trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục thực hiện lồng ghép một số nội dung phòng, chống thiên tai vào một số môn học theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án 553.
Các địa phương cũng cần đẩy mạnh, nhân rộng mô hình hoạt động phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai trong nhà trường. Đặc biệt là triển khai đưa vào hoạt động ngoại khóa, hoạt động hè với nội dung hướng dẫn kỹ năng phòng, chống thiên tai bằng nhiều hình thức để lan tỏa tinh thần chủ động phòng, chống thiên tai tới bố mẹ, gia đình và xã hội.
Theo ông Tiến, thiên tai gây thiệt hại khủng khiếp. Trong đó, trẻ em, học sinh chiếm 28% dân số Việt Nam và là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi thiên tai xảy ra.
“Qua khảo sát thì thiên tai ảnh hưởng đến tất cả lĩnh vực trong xã hội, đời sống cơ sở vật chất, kinh tế, đặc biệt đối với ngành giáo dục. Khi thiên tai xảy ra thì hoạt động giáo dục trước hết phải an toàn cho các cháu.
Cơ sở vật chất nhà trường thời gian qua được đầu tư nhưng một số nơi cơ sở vật chất còn khó khăn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Nếu xảy ra thiên tai thì nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc học hành của các cháu, kỹ năng ứng phó chưa có”, ông Tiến nói thêm.
Cũng theo ông Tiến, các địa phương đã có những tích hợp phương pháp phòng chống thiên tai trong các môn học rất hiệu quả. Do đó trong thời gian tới 2 Bộ sẽ trang bị cho các học sinh có kỹ năng ứng phó với thiên tai.
“Chương trình hướng đến xây dựng một xã hội bình an trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai. Chương trình sẽ tiếp tục triển khai trong nhiều năm tới vì công tác phòng chống thiên tai trong trường học là liên tục và mãi mãi như dòng chảy vì hết thế hệ này đến thế hệ khác chứ không thể dừng lại”, ông Tiến nhấn mạnh.
Trước đó, chiều 21/8, đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cùng lãnh đạo một số đơn vị và đại diện Công ty Acecook Việt Nam đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà 2 gia đình giáo viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tinh Đắk Lắk.