| Hotline: 0983.970.780

Hơn 3.800ha rừng Cà Mau nguy cơ cháy cực kỳ nguy hiểm

Thứ Ba 19/03/2024 , 17:37 (GMT+7)

Cà Mau Cà Mau có hơn 3.800ha đang cảnh báo cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm, là cấp cuối cùng trong thang cảnh báo cháy rừng, có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào.

Tính đến ngày 18/3, tỉnh Cà Mau có khoảng 3.800ha cảnh báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm. Ảnh: Trọng Linh.

Tính đến ngày 18/3, tỉnh Cà Mau có khoảng 3.800ha cảnh báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm. Ảnh: Trọng Linh.

Do nắng nóng kéo dài từ đầu tháng 2 đến nay, đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra cháy tại lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh Cà Mau khi có đến hơn 3.800ha đang cảnh báo ở cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm, cũng là cấp cuối cùng trong thang cảnh báo cháy rừng, có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào.

Ngày 18/3, trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết: "Chúng tôi cập nhật diện tích khô hạn và có khả năng cháy rừng mùa khô 2023 - 2024 vào thứ sáu hàng tuần. Tính đến nay, lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh với gần 45.700ha đã có hơn 33.000ha bị khô hạn. Trong đó, cảnh báo cháy cấp 3 (cấp cao) là gần 15.600ha cảnh báo báo cháy cấp 4 (cấp nguy hiểm) là hơn 13.500ha; cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm) là hơn 3.800ha".

Diện tích rừng khô hạn tập trung chủ yếu trên lâm phần rừng tràm thuộc Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Hạt Kiểm lâm rừng cụm đảo Hòn Khoai và các xã có rừng trên địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Lực lượng tập huấn PCCCR. Ảnh: Trọng Linh.

Lực lượng tập huấn PCCCR. Ảnh: Trọng Linh.

So với tuần liền kề trước đó, diện tích rừng ngập ngọt Cà Mau bị khô hạn tăng hơn 4.000ha. Trong đó, cấp cảnh báo cháy rừng cấp 5 tăng từ hơn 1.400 lên hơn 3.800ha như hiện nay. Phần diện tích gia tăng này là từ cấp 4 chuyển sang, cho thấy mức độ khô hạn diễn biến vô cùng khốc liệt.

Theo ông Hải, nhằm chủ động phản ứng nhanh nhất với các tình huống cháy có thể xảy ra, mùa khô 2023-2024, các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng ngập ngọt tại Cà Mau bố trí 73 chòi quan sát lửa kiên cố và tạm thời, trang bị 115 máy bơm nước, trong đó có 66 máy công suất lớn và hơn 57.000m vòi chữa cháy cùng nhiều thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

"Thời gian qua, các đơn vị chức năng Cà Mau tăng cường công tác ứng trực, thực hiện đồng bộ mặt công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô theo phương châm “4 tại chỗ”, “5 sẵn sàng”. Nhờ vậy, trong tình huống khẩn cấp có cháy xảy ra, lực lượng phản ứng nhanh có thể huy động tức khắc từ 400-500 lực lượng tham gia dập lửa, quyết không để cháy lan, cháy lớn, ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, cái lo lớn nhất hiện nay đối với các cánh rừng ngập ngọt tại Cà Mau là nắng nóng đang khiến mực nước dưới kênh, rạch đang bốc hơi rất nhanh, nơi cao nhất hiện được ghi nhận từ 2,2 đến 2,4m, trong khi mực nước nơi thấp nhất chỉ khoảng 0,2m.

Nỗi lo lớn nhất hiện nay của lực lượng phòng chống cháy rừng là nắng nóng đang khiến mực nước dưới kênh, rạch giảm mạnh. Ảnh: Trọng Linh.

Nỗi lo lớn nhất hiện nay của lực lượng phòng chống cháy rừng là nắng nóng đang khiến mực nước dưới kênh, rạch giảm mạnh. Ảnh: Trọng Linh.

Với đà nêu trên thì khả năng trong thời gian tới, một vài nơi tại lâm phần rừng ngập ngọt Cà Mau sẽ gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng. Dẫu vậy, các chủ rừng tại Cà Mau cũng bày tỏ lạc quan bởi 2 mùa khô liền kề trước đó chưa để xảy ra vụ cháy nào.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng cháy chữa cháy rừng được đẩy mạnh thường xuyên, liên tục. Trong đó, các chủ rừng, chính quyền địa phương tổ chức họp dân tuyên truyền các quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Đến nay, có hơn 4.500 hộ dân ở U Minh Hạ thực hiện ký cam kết quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2023 - 2024.

Lực lượng kiểm lâm phối hợp với các chủ rừng bố trí các biển báo cấm người dân vào rừng, cấm lửa ở những nơi trọng điểm cháy và tuyên truyền bằng các tờ rơi, dùng loa phóng thanh lưu động hàng ngày trong lâm phần để nhắc nhở người dân quản lý tốt phần đất rừng của mình, cẩn thận khi sử dụng lửa trong quá trình sinh hoạt, không được tự ý đốt rơm, rạ trong khu vực sản xuất. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với chủ rừng thực hiện khảo sát, dự báo cấp cháy hàng tuần. Kịp thời khắc những khó khăn, phát sinh trong công tác phòng, chống cháy rừng mùa khô, không để xảy ra bị động.

Trải qua 3 mùa khô, trên địa bàn tỉnh Cà Mau không xảy ra cháy rừng. Có được thành quả này phải kể đến sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của những chủ rừng, chính quyền địa phương, người dân và những lực lượng tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.