| Hotline: 0983.970.780

Hồn Việt qua những thân tre

Thứ Hai 30/09/2013 , 09:46 (GMT+7)

Qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân Võ Thành Viễn (phường Bình Khánh, TP Long Xuyên, An Giang), cây tre được cả thế giới biết đến qua những tuyệt tác nghệ thuật.

Từ bao đời nay, cây tre gắn liền với truyền thống văn hóa Việt, với lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt. Ngày nay, qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân Võ Thành Viễn (phường Bình Khánh, TP Long Xuyên, An Giang), cây tre lại được cả thế giới biết đến qua những tuyệt tác nghệ thuật.

TỪ CÂY ROI TRE CỦA CHA

Năm nay đã 65 tuổi nhưng nghệ nhân Thành Viễn còn rất khỏe mạnh. Nhìn những sản phẩm cần sự tỉ mỉ, nhẫn nại như chiếc thuyền câu nhỏ xíu, những bộ tách trà, chùa Một Cột… khó tin là nó lại được làm từ đôi bàn tay thô ráp của ông.

Hỏi về cái duyên với cây tre, ông Viễn kể: “Hồi nhỏ, tôi là thằng bé quậy phá nhất xóm, thường xuyên bị cha đánh đòn. Ban đầu là những cành cây cha bẻ đại trong vườn, bên đường nhưng chỉ quất tui được một lần là cành tre gãy. Sau đó, cha “sắm” một cây roi bằng cây tre cỡ ngón cái. Mỗi lần tui mắc lỗi, cha lại dùng cây roi này quất sưng mông mà nó chẳng sao, trái lại càng ngày càng lên nước bóng loáng. Cây roi này “sống” đến khi tôi lớn, bớt quậy, cha mới bỏ chứ nó không bị gãy. Nhưng, cây roi chỉ “đánh thức” cái đam mê cây tre trong tui thôi, chứ thực ra, đây là năng khiếu. Ngay từ lúc còn theo đám bạn ra đồng chăn trâu, tồng ngồng tắm mưa, tôi đã có những sản phẩm làm từ cây tre, dù đơn giản, nhưng cũng rất lạ như đó, nò (một dụng cụ đánh bắt cá), giỏ. Hay con cò tết bằng tre…”.

Nói về cây tre bông, ông Viễn kể, một lần tình cờ đi sang vùng Chợ Mới, qua cầu thấy cây vịn cầu làm bằng tre rất lạ, không chỉ lên nước bóng loáng như cây roi của cha ngày xưa mà nó còn có những đường vân với nhiều hình thù rất lạ, đẹp mắt. Ông tìm hiểu mới biết, loại tre này có rất nhiều ở vùng Tri Tôn, Chợ Mới (An Giang), Tân Châu, Lấp Vò (Đồng Tháp). Và, nghệ nhân Võ Thành Viễn cũng chính là người “khai sinh” giống tre lạ này với cái tên: tre bông.


Những tác phẩm để đời của nghệ nhân Võ Thành Viễn (Trong ảnh: tác phẩm chùa Một Cột)

“Có rất nhiều món đồ, vật dụng trang trí người ta ghép bằng lá thốt nốt, mây, tràm, ván… cây tre này có vân rất đẹp, tại sao mình không thử ghép?”. Ông nghĩ vậy là ông bắt đầu mày mò làm thử. Sản phẩm đầu tiên ông làm là ghép chùa Một Cột bằng tăm tre. Khó khăn nhất khi đó là ông chỉ nhìn thấy chùa Một Cột qua tấm hình chứ chưa từng một lần được ra Hà Nội thăm. Chính vì thế, công trình này đã ngốn của ông rất nhiều thời gian. Năm đầu, ghép xong, nhưng chưa hài lòng, ông lại kiếm hình ở một góc độ khác, làm lại. Cứ thế, hằng ngày, hằng tuần và quanh năm ông bám bên cái mô hình chùa Một Cột chưa vừa ý. Nhưng rồi, công sức của ông cũng được đền đáp xứng đáng. Tác phẩm đầu tay chùa Một Cột ghép từ hàng ngàn cây tăm tre của ông đã được trao giả nhất với số tiền thưởng 12 ngàn đồng. “Tôi còn nhớ rõ là ngày 9/11/1971. Đó là số tiền rất lớn thời đó”, ông Viễn nhớ lại.

Cũng trong thời gian làm chùa Một Cột bằng tre, ông đã nghiên cứu để dùng hóa chất biến cây tre từ 2 màu nguyên thủy thành 12 màu khác nhau, khiến các sả phẩm của ông càng đẹp và bền hơn.


Còn đây là Tháp Rùa (Hồ Gươm)

NHỮNG TÁC PHẨM ĐỂ ĐỜI

Năm 1980, trong khi mọi người lo kiếm cơm từng bữa thì ông lại đi tìm mua tre bông. Vừa cưa đục quăng bỏ bụi này xong lại thấy ông vác về bụi tre khác. Căn nhà trong hẻm có khi đèn dầu sáng suốt đêm với tiếng cưa xèn xẹt, tiếng tre khua lốc cốc xen lẫn tiếng thở dài.

Bà Nguyễn Thị Đầy, vợ nghệ nhân Thành Viễn, kể: “Ổng mê tre đến mức nhiều đêm đang ngủ ổng bật dậy, cưa, chặt, đục, đẽo ầm ĩ. Không chỉ vợ con mà hàng xóm cũng không ngủ được, không ít người bảo ổng tâm thần”. Còn ông Viễn bảo: “Nếu bả không ủng hộ, chắc tui không giữ nổi cái đam mê của mình đến giờ”. Ông cho biết, cả gia đình chỉ trông vào số tiên ít ỏi từ quầy bán lẻ của bà Đầy ngoài chợ Bình Khánh.


Những tác phẩm nghệ thuật khác

Nói về cây tre, ông bảo: “Cây tre nhìn đơn giản thế thôi, nhưng để hiểu được nó là một quá trình. Ví như cùng một cụm tre, cây mọc hướng tây cho bông ít nhưng thân rất dẻo dai bẻ cong không gãy. Tre mọc hướng đông có nhiều bông đen nhưng thân rất giòn. Còn mọc hướng bắc và nam thì thân cứng và cho nhiều bông… Muốn sản phẩm tre không bị mối mọt tấn công thì đốn tre vào buổi chiều cho tre nhả hết “độc”, đến sáng hôm sau mới đem ra chẻ. Nhìn thân tre suôn đuột nhiều người tưởng cưa chẻ rất dễ nhưng tới khi bắt tay thì vã mồ hôi. Vậy nên rất nhiều học trò tìm đến rồi vội vã bỏ đi vì “cái nghề tre bông cực nhọc quá mà lĩnh hội tinh hoa cũng rất khó”.


Tác phẩm “Chiếc thuyền câu”

Tính đến nay, ông Viễn đã có hơn 40 năm gắn bó, thăng trầm với cây tre. Thành quả của ông là gần 200 sản phẩm ghép từ cây tre, gỗ. Từ những sản phẩm để đời như Văn Thánh miếu, chùa Một Cột, Ngọ Môn Huế, Khu lưu niệm Bác Tôn, chợ Cần Thơ… đến những sản phẩm vừa vừa như đồng hồ treo tường, bộ tách trà, đèn ngủ, nhà rông, con đò, xe bò, xe lôi  và nhỏ xíu như bình hoa, bình đựng viết...

Năm 1999, ông thành lập cơ sở sản xuất mỹ nghệ tre bông ghép gỗ Viễn Thành. Năm 2000, sản phẩm của ông bắt đầu đặt chân đến các hội chợ và để lại ấn tượng mạnh cho khách tham quan. Đến thời điểm này ông đã là “mối ruột” của các Cty du lịch và thậm chí chính quyền ở nhiều địa phương. Khi tổ chức sự kiện, lễ hội… người ta lại đặt hàng tre bông, đó có thể là mẫu móc khóa chợ Cần Thơ, Khu lưu niệm Bác Tôn, vùng Đồng Tháp Mười xưa… để tặng khách quý hay bán lưu niệm. Tháng 12/2008, ông được phong tặng là Nghệ nhân làng nghề Việt Nam, được trao bằng chứng nhận tre bông là sản phẩm tinh hoa làng nghề Việt Nam.


Nghệ nhân Võ Thành Viễn đang hì hụi cưa, đục đẽo trong căn nhà đồng thời là xưởng chế tác nghệ thuật của mình

Có lẽ trong cuộc đời sáng tạo của ông, hạnh phúc nhất là lần tham gia hội chợ triển lãm làng nghề truyền thống Việt Nam - Asean lần I - 2005. Và ngày 13/12/2005, ông được trao bằng công nhận sản phẩm ghép tre bông Viễn Thành là sản phẩm truyền thống. Cũng tại hội chợ này, 5 sản phẩm là bộ khay trà, mâm trà, kỷ trà, bộ đèn và lọ hoa Rồng Việt ông gửi đi triển lãm đều được vào vòng chung khảo, như là một liều thuốc kích thích con đường sáng tạo nghệ thuật của ông.

“Làm nghề này phải xác định là đặt nghệ thuật lên hàng đầu chứ không phải thu nhập. Các sản phẩm tre bông không chỉ đơn thuần mang tính nghệ thuật mà nó còn mang tính giáo dục, giúp con người hiểu biết thêm cội nguồn của dân tộc. Hồi trước cũng có mấy đứa nhỏ theo tui học từ nhỏ, sau đó nhiều đứa giỏi chẳng thua thầy. Nhưng giờ tụi nó bỏ hết vì thu nhập bấp bênh trong khi nghề này đòi hỏi người học phải có tính kiên nhẫn, đam mê. Chắc mai mốt chẳng còn ai làm nghề này”, ông Viễn trăn trở.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm