| Hotline: 0983.970.780

Hồng Phong tăng tốc về đích

Thứ Ba 25/10/2022 , 04:14 (GMT+7)

Xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đang triển khai đồng bộ các giải pháp với quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm nay.

Dân phấn khởi vì đường sắp bê tông hóa

Những ngày giữa tháng 10 này, chúng tôi đến thôn Thanh Thịnh, xã Hồng Phong, khi chính quyền và con nơi đây đã làm xong mặt bằng tuyến đường dài gần 1km, rộng 4,5m. Chỉ cần vài ngày tới khi thời tiết nắng ráo, chính quyền cho thực hiện đổ bê tông, bà con nơi đây sẽ không còn đi trên con đường “nắng bụi, mưa lầy” nữa.

Empty

Ông Nguyễn Văn Dũng, một người dân ở thôn Thanh Thịnh cho biết, bà con vui mừng hớn hở khi đường sắp đổ bê tông. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Văn Dũng, một người dân ở thôn Thanh Thịnh, năm nay 70 tuổi đã cảm nhận cuộc sống của người dân trong làng ngày càng nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng “thay da đổi thịt”, có trường, có trạm sá, có điện chiếu sáng an ninh. Con cháu được đi học tới trường và mọi người đều đi làm việc trong các công ty, xí nghiệp hoặc sản xuất chăn nuôi để trang trải cuộc sống. Nếu con đường này đổ bê tông xong, chắc chắn bà con sẽ vui mừng hớn hở vì xã xây dựng nông thôn mới là phải như thế giúp dân ổn định cuộc sống và hạnh phúc hơn. “Chúng tôi mong mỏi còn đường này đổ bê tông từng ngày. Khi hoàn thành không chỉ giúp dân đi lại thuận tiện mà còn tạo điều kiện thu hoạch vận chuyển nông sản từ các nương rẫy”, ông Dũng vui mừng nói.

Anh Nguyễn Hồng Thắng, người cùng thôn Thanh Thịnh cũng nhìn nhận bộ mặt nông thôn trong xã đã thay đổi rất nhiều, nhất là từ 2017 khi địa phương đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

Theo anh Thắng, trước năm 2015, bà con trong xã rất vất vả, kinh tế chủ yếu dựa làm nương rẫy trồng cây ngắn ngày. Khi thời tiết có mưa xuống mới sản xuất kiếm được cái ăn, nhưng khi nắng nóng, khô hạn thì đành bỏ đất trống. Những năm gần đây, nhờ có doanh nghiệp trong và ngoài xã về đầu tư nên giải quyết nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương. Cùng với chính quyền quan tâm hỗ trợ tập huấn sản xuất trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho bà con nên đời sống kinh tế bà con ngày càng cải thiện, ai cũng đi lên.

Empty

Mô hình chăn nuôi gà nòi của gia đình anh Hà Văn Thanh, thôn Hồng Trung, xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình (Bình Thuận). Ảnh: KS.

Như gia đình Hà Văn Thanh, ở thôn Hồng Trung là một điển hình trong phát triển sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế. Gặp chúng tôi, anh Thanh cho biết, từ năm 2018, khi chính quyền xã giao Hội Phụ nữ phối hợp Hội Nông dân tập huấn chăn nuôi gà lai nòi cho bà con, trong đó có gia đình anh.

Ngoài tập huấn, chính quyền còn hỗ trợ một ít kinh phí đầu tư mua con giống thả nuôi. Nhận thấy việc chăn nuôi gà nòi diễn ra thuận lợi, gia đình anh đã mở rộng quy mô sản xuất từ năm 2019 vừa nuôi thịt vừa bán con giống. Với đàn gà bố mẹ luôn duy trì 500 con, mỗi năm anh xuất bán 1.000 con gà thịt và 7.000-8.000 con gà giống, sau khi trừ chi phí lãi trên dưới 200 triệu đồng.

Chưa dừng lại hiện gia đình anh còn mở rộng sản xuất khi trồng 1,3 ha cây lâu năm như mít, dừa, táo. Để lấy ngắn nuôi dài gia đình anh trồng xen cây ngắn ngày như dưa, đậu đen…ở vị trí đất trống, đồng thời tận dụng phân gà để chăm bón cây giúp tiết kiệm chi phí đầu tư đáng kể.

Quyết tâm về đích 

Hồng Phong là xã trung du, nằm ven biển, cách trung tâm huyện 47 km và cách TP Phan Thiết 37 km, với tổng diện tích tự nhiên hơn 8.816 ha, trong đó diện tích gieo trồng cây hàng năm và lâu năm 664 ha. Toàn xã chỉ có 2 thôn Thanh Thịnh và Hồng Trung, với 410 hộ khoảng 1.612 người.

Empty

Xã Hồng Phong ngày càng thay đổi bộ mặt nông thôn. Ảnh: KS.

Do địa hình phức tạp vùng đồi cao bao quanh 4 phía, thấp dần phía trung tâm xã, tạo ra địa hình dạng lòng chảo nên gây khó khăn cho xã nhiều mặt như mặt bằng bố trí sản xuất, mở đường giao thông, thủy lợi; cũng như dễ gây hiện tượng rửa trôi, xói mòn, ngập úng vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô làm ảnh hưởng đến sản xuất và năng suất cây trồng.

Tuy nhiên với sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương trong việc “chung sức chung lòng” xây dựng nông thôn mới nên mọi khó khăn đều vượt qua. Bộ mặt địa phương ngày càng khởi khắc, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, an ninh trật tự ngày càng giữ vững, thu nhập người dân ngày càng đi lên…

Ông Trương Tấn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Phong, cho biết, hiện thu nhập bình quân đầu người trong xã 44 triệu đồng/năm, tăng gấp đôi so với năm 2011 khi chưa xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm mạnh, hiện chỉ còn 17 hộ nghèo, 58 hộ cận nghèo. Địa phương không còn nhà tạm, nhà đột nát, trừ một vài trường hợp do đất nằm trong quy hoạch hoặc tranh chấp nên chưa hỗ trợ. Đặc biệt trước đây địa phương hay xảy ra trộm gà, bắt chó nhưng khi thực hiện mô hình ánh sáng an ninh, camera an ninh gắn 60 đèn năng lượng và lắp 18 camera dọc các tuyến đường, điểm nhạy cảm, ngã 3, 4 nên đã hạn chế rất nhiều.

Theo ông Trung, đến nay địa phương đã đạt 15 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Hiện chỉ còn 4 tiêu chí như trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, cơ sở văn hóa, địa phương đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để phấn đấu hoàn thành về đích nông thôn mới vào cuối năm nay.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.