| Hotline: 0983.970.780

Hồng vuông trĩu quả ở vùng đất thiêng Đồng Lộc

Thứ Tư 04/10/2023 , 06:11 (GMT+7)

HÀ TĨNH Cây hồng vuông trồng ở thị trấn Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) cho quả sai trĩu trịt, mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Vùng kinh tế mới Khe Thờ ở thị trấn Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) là nơi có truyền thống trồng cam. Thế nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều hộ dân đã trồng thêm cây hồng vuông. Giống hồng được lấy từ những cây hồng vuông Đông Lộ đầu dòng tại xã Thạch Đài (huyện Thạch Hà). Là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và cho năng suất cao, chất lượng quả ngon, được được thị trường ưa chuộng, câu hồng vuông đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho các hộ dân nơi đây.

Cây hồng vuông mang lại thu nhập cao cho người dân ở khu phố Khe Thờ. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Cây hồng vuông mang lại thu nhập cao cho người dân ở khu phố Khe Thờ. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Gia đình anh Nguyễn Hùng Thái tại tổ dân phố Khe Thờ, thị trấn Đồng Lộc trồng hơn 100 gốc hồng vuông. Cây ít nhất cũng đã 2 năm tuổi, cây lâu nhất đã gần 20 năm. Anh Thái cho biết, sau khi lên vùng đất Khe Thờ làm trang trại, có người bạn giới thiệu về giống hồng vuông nên đã trồng thử. Một thời gian, thấy cây hồng phát triển tốt, cho sai quả, chất lượng giòn, ngọt và được nhiều thương lái hỏi mua nên anh đã mạnh dạn mở rộng diện tích.

Cây hồng sau 3 năm trồng là bắt đầu cho quả. Tuổi thọ của cây kéo dài tới hơn 10 năm, nghĩa là dài hơn so với nhiều loại cây ăn quả khác, đồng nghĩa thời gian khai thác kéo dài, giảm thiểu chi phí trồng mới. Mỗi cây hồng cho năng suất từ 1 - 4 tạ quả mỗi vụ. Hiện trang trại của gia đình anh Thái đã có hơn 60 gốc hồng vuông cho thu hoạch, mỗi năm đạt khoảng 20 tấn quả. Qủa hồng được thương lái vào tận vườn thu hoạch, thu mua dần với giá tại vườn hiện nay khoảng 10 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình anh Thái thu nhập gần 200 triệu đồng từ cây hồng vuông.

Vườn hồng được bà con chăm sóc cẩn thận, bón phân hữu cơ, bổ sung thêm đạm cá tự ủ và các loại dung dịch dinh dưỡng nên năng suất cao, mẫu mã quả đẹp, giòn, ngọt đậm, được thương lái rất ưa chuộng. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Vườn hồng được bà con chăm sóc cẩn thận, bón phân hữu cơ, bổ sung thêm đạm cá tự ủ và các loại dung dịch dinh dưỡng nên năng suất cao, mẫu mã quả đẹp, giòn, ngọt đậm, được thương lái rất ưa chuộng. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Dẫn chúng tôi đi giữa vườn hồng trĩu trịt quả, anh Nguyễn Hữu Thống, một hộ trồng hồng vuông khác ở khu Khe Thờ (thị trấn Đồng Lộc) phấn khởi chia sẻ: So với các cây ăn quả khác như cam, bưởi… thì cây hồng vuông rất dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Khe Thờ.

Sau thu hoạch, chỉ cần làm cỏ, xới đất quanh gốc và bón phân 1 đến 2 lần là cây lại phục hồi tốt. Đến mùa tiếp theo, năng suất hồng vẫn giữ nguyên. Hồng thường ra hoa vào tháng giêng và đến tháng tám (âm lịch) thì bắt đầu thu hoạch. Theo anh Thống, thời điểm phù hợp để thu hoạch là khi quả chuyển dần từ màu xanh sang vàng, đem về rửa bằng nước sạch rồi ngâm thì sẽ cho chất lượng tốt và ngon nhất.

Hồng thường ra hoa vào tháng giêng và đến tháng 8 âm lịch thì bắt đầu thu hoạch. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Hồng thường ra hoa vào tháng giêng và đến tháng 8 âm lịch thì bắt đầu thu hoạch. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Qủa hồng vuông nên được hái để ngâm vào buổi sáng hoặc buổi chiều mát mới giữ được hương vị đặc trưng. Quả hồng lúc thu hái phải tránh va chạm vật lý để tránh xây xước, giúp cho việc ngâm và bảo quản được lâu hơn. Hiện nay, vườn của anh Thống có hơn 50 gốc hồng vuông trĩu quả, trong đó 2/3 có tuổi đời khoảng 20 năm, còn lại trên dưới 10 năm. Ước tính mỗi cây cho khoảng 3 tạ quả. Mỗi vụ anh thu về 15 tấn hồng, thu nhập của gia đình từ cây hồng lên đến gần 150 triệu đồng.

Kiểm tra những quả hồng vừa được hái xuống, chị Thái Thị Vân (tổ dân phố Khe Thờ, thị trấn Đồng Lộc) cho biết: "Gia đình tôi vào vùng kinh tế mới Khe Thờ lập nghiệp từ năm 2019. Trang trại với 40 gốc hồng vuông trên 10 năm tuổi là nguồn thu nhập chính cho gia đình trong mấy năm qua.

Nhiều hộ dân ở khu phố Khe Thờ (thị trấn Đồng Lộc, Hà Tĩnh) có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây hồng vuông. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nhiều hộ dân ở khu phố Khe Thờ (thị trấn Đồng Lộc, Hà Tĩnh) có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây hồng vuông. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Chị Vân chia sẻ: Giống hồng vuông rất dễ chăm sóc, vỏ màu xanh hoặc vàng, khi chín ruột chuyển màu vàng, vừa ngọt, vừa giòn và không có hạt, được thị trường rất ưa chuộng. Mỗi năm gia đình chị thu hoạch khoảng 10 tấn hồng, thu về hơn 100 triệu đồng.

Ông Phan Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Lộc cho biết: Thị trấn Đồng Lộc có nhiều tiềm năng, lợi thế để trồng các loại cây ăn quả. Đến thời điểm hiện tại, đã có 40 hộ dân tại tổ dân phố Khe Thờ và vùng lân cận trồng cây hồng vuông với tổng diện tích hơn 8ha. Hộ trồng ít vài chục gốc, hộ trồng nhiều lên đến cả trăm gốc. Chính quyền địa phương khuyến khích các hộ dân tiếp tục mở rộng diện tích hồng vuông. Đồng thời có chính sách hỗ trợ và liên kết tiêu thụ nhằm xây dựng thương hiệu hồng vuông Khe Thờ.

Hồng vuông sau khi hái trên cây xuống cần để nguyên núm quả, sau đó ngâm nước sạch trong 3 - 4 ngày, mỗi ngày thay nước 1 lần. Khi ngâm hồng phải ngâm ở nơi thoáng mát, đảm bảo hồng giòn và ngọt. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Hồng vuông sau khi hái trên cây xuống cần để nguyên núm quả, sau đó ngâm nước sạch trong 3 - 4 ngày, mỗi ngày thay nước 1 lần. Khi ngâm hồng phải ngâm ở nơi thoáng mát, đảm bảo hồng giòn và ngọt. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Hồng vuông là cây ăn quả đặc trưng của một số vùng đất ở Hà Tĩnh như hồng Đông Lộ (xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà), hồng Yên Du (xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang)… Giờ đây, cây hồng vuông đã được mở rộng và trồng khá hiệu quả tại vùng đất Khe Thờ (thị trấn Đồng Lộc). Từ sự khẳng định về chất lượng quả cũng như khả năng thích ứng ở vùng đất mới Khe Thờ, cho thấy triển vọng lớn để mở rộng diện tích, phát triển loại cây ăn quả dễ tính nhưng cho chất lượng quả thơm ngon, giá trị kinh tế cao này.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.