| Hotline: 0983.970.780

Bệnh thán thư hoành hành trên cây hồng không hạt

Thứ Hai 12/09/2022 , 08:35 (GMT+7)

BẮC KẠN Những năm trước, người dân trồng hồng không hạt ở huyện Ba Bể (Bắc Kạn) thu hàng trăm triệu đồng mỗi vụ, nhưng bệnh thán thư khiến nhiều vườn cây đã bị chặt bỏ.

Một nửa diện tích không ra quả

Huyện Ba Bể có 240ha cây hồng không hạt đã cho thu hoạch. Trước năm 2017, đây là cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chủ tịch UBND xã Đồng Phúc (huyện Ba Bể), ông Hoàng Văn Tuệ cho biết: Xã có 17ha hồng không hạt. Khi chưa bị bệnh thán thư gây hại, trung bình 1ha hồng không hạt có thể cho thu nhập đến 300 triệu đồng, mỗi vụ người dân trong xã thu về vài tỷ đồng.

Đây là nguồn thu nhập lớn đối với những xã miền núi như Đồng Phúc. Nhưng 4 năm gần đây, bệnh thán thư khiến năng suất giảm, chỉ bằng 20% so với trước kia, nhiều vườn cây không cho thu hoạch.

1 (2)

Bị bệnh thán thư và không cho quả nên nhiều vườn hồng không hạt tại xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể bị nông dân bỏ bê, không chăm sóc. Ảnh: Ngọc Tú.

Chúng tôi đến vườn hồng không hạt của anh Dương Văn Hiệp ở xã Thượng Giáo khi anh đang thu hoạch. Vườn cây của anh Hiệp thuộc diện được chăm sóc tốt, nhưng năm nay quả sai rất ít. Anh Hiệp buồn bã tâm sự: Gia đình có hơn 100 gốc hồng không hạt, cách đây vài năm lúc sai nhất thu được 5 tấn quả, với giá 25.000 đồng/kg, gia đình thu về hơn 100 triệu đồng. Nhưng vụ năm nay, theo nhẩm tính chỉ được 1 tấn, bán được 26 triệu đồng, trừ chi phí đi không còn được là bao.

Năm nay, huyện Ba Bể có 240ha cây hồng không hạt đã cho thu hoạch, nhưng có đến một nửa diện tích không có quả, còn lại cũng chỉ đạt năng suất khoảng 20 - 30% so với trước khi bị bệnh thán thư. Nhiều vụ liên tiếp không được thu hoạch, nhiều gia đình đã chặt bỏ để trồng cây khác, nhiều vườn gần như bỏ hoang, không chăm sóc.

Khó xử lý dứt điểm

Nhiều nhà vườn ở huyện Ba Bể cho biết, bệnh thán thư bùng phát ở hầu hết các xã từ năm 2017 trở lại đây. Cây hồng không hạt vẫn ra hoa, đậu quả, nhưng khi quả to bằng đầu ngón tay cái thì bắt đầu rụng hàng hoạt.

Anh Dương Văn Hiệp ở xã Thượng Giáo buồn bã vì vườn hồng cho năng suất ngày càng thấp

Anh Dương Văn Hiệp ở xã Thượng Giáo buồn bã vì vườn hồng cho năng suất ngày càng thấp. Ảnh: Ngọc Tú.

Nhìn vườn cây năng suất ngày càng giảm, nhiều cây không đậu quả, bà Hoàng Thị Cam ở xã Thượng Giáo (huyện Ba Bể) cho biết: Đặc điểm cây hồng không hạt rất cao, thân và cành nhỏ nên việc trèo lên tỉa cành, phun thuốc rất khó khăn. Gia đình cũng đã làm nhiều cách nhưng chưa có hiệu quả.

Ngay từ khi phát hiện dịch bệnh gây hại, phòng chuyên môn của huyện Ba Bể đã tập huấn cho người dân cách phòng trừ bệnh hại, cách tỉa cành và phun thuốc đặc trị.

Bà Ma Thị Cử, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: Huyện đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với Sở KH-CN hướng dẫn quy trình phòng trừ bệnh đến từng hộ trồng hồng không hạt nhưng chưa thể xử lý dứt điểm loại bệnh này. Là cây trồng chủ lực của huyện, nhưng mấy năm gần đây, do bệnh thán thư bùng phát, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng lớn, việc mở rộng diện tích rất khó khăn.

4

Người dân rất mong có giải pháp xử lý triệt để bệnh thán thư trên cây hồng không hạt. Ảnh: Ngọc Tú.

Trong khi đó, thông tin từ Sở KH-CN Bắc Kạn cho biết: Bệnh thán thư do nấm gây nên, hiện có thuốc đặc trị, có thể trị dứt điểm. Tuy nhiên, có 2 yếu tố ảnh hưởng là khu vực miền núi khi thời tiết âm u, ẩm ướt là môi trường thuận lợi cho bệnh thán thư phát triển. Thứ 2 là do hồng không hạt chủ yếu trồng trên đồi có dộ dốc cao, cây có thể cao hàng chục mét nên rất khó phun thuốc, nếu không xử lý đồng bộ sẽ dấn đến trị được chỗ này nhưng lại lây bệnh chỗ khác.

Bệnh thán thư bùng phát trên cây hồng không hạt tại huyện Ba Bể không chỉ ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của dân mà còn gây khó khăn cho chủ trương mở rộng diện tích của huyện. Do đó người dân rất mong muốn chính quyền và cơ quan chuyên môn sớm tìm ra giải pháp xử lý dứt điểm dịch bệnh này.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.