Ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dừa Đông Dương (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) cho biết, doanh nghiệp đang phối hợp với các chuyên gia của Trường Đại học Osaka Metropolitan (Nhật Bản) để đầu tư dự án nghiên cứu chế biến xăng, dầu diesel sinh học từ phụ phẩm của cơm dừa.
Năm 2021, Công ty Cổ phần Dừa Đông Dương đã hợp tác với một số chuyên gia của Trường Đại học Osaka Metropolitan nghiên cứu dự án sản xuất xăng sinh học dùng cho máy bay và dầu diesel từ dầu dừa được chiết xuất từ phụ phẩm của cơm dừa nạo sấy. Các nghiên cứu đã chỉ ra, trong dầu dừa có mạch carbon 8 -10 - 12, thành phần này sau khi chiết tách ra chịu được nhiệt độ tới 249 độ C và âm 45 độ C. Đây là thành phần quan trọng dùng để chế tạo xăng máy bay.
Hiện nay, tại các nước phát triển đang đòi hỏi rất khắt khe về nhiên liệu hóa học, quy định không được sử dụng 100% nhiên liệu hóa thạch, bắt buộc phải pha trộn nhiên liệu sinh học như xăng sinh học, dầu sinh học… “Kể cả tàu thủy muốn muốn cập cảng của họ thì nhiên liệu cũng phải có 30% thành phần dầu diesel sinh học, máy bay cũng vậy”, ông Nguyễn Văn Vũ cho biết.
Cũng theo ông Vũ, hiện nay, Công ty cũng ký kết độc quyền nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các chuyên gia của Nhật Bản để triển khai dự án. Theo đó, 2 chuyên gia của đối tác Nhật Bản vừa đến thăm Bến Tre và khảo sát vùng nguyên liệu dừa của Công ty Cổ phần Dừa Đông Dương.
Trước đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Trúc Sơn đã tiếp đoàn chuyên gia Trường Đại học Osaka Metropolitan do GS Tatsumisago Masahiro - Chủ tịch Trường Đại học Osaka Metropolitan làm trưởng đoàn đến chào xã giao lãnh đạo tỉnh nhân chuyến khảo sát nguồn nguyên liệu dừa phục vụ chế biến xăng sinh học.
Theo đó, GS Tatsumisago Masahiro đã thông tin với lãnh đạo tỉnh Bến Tre về tình hình hoạt động của Trường; đồng thời mong muốn thời gian tới sẽ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tại Bến Tre nói riêng, Việt Nam nói chung.
Thành viên đoàn cũng đã trao đổi ý tưởng về việc ứng dụng công nghệ tiên tiến biến các phụ phẩm từ dừa thành sản phẩm hữu ích và có giá trị gia tăng cao. Trong đó, có việc sử dụng nguồn nhiên liệu dầu dừa cho máy bay như một biện pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính.
Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất cả nước với trên 78.000ha, sản lượng khoảng 800 triệu trái/năm. Với nguồn nguyên liệu sẵn có, tỉnh đã sản xuất hàng trăm sản phẩm từ dừa và xuất khẩu đi hàng trăm quốc gia. Hiện nay, Bến Tre có 62 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 1,5 tỷ USD, trong đó có đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Qua trao đổi, lãnh đạo tỉnh Bến Tre rất ấn tượng với đề xuất nghiên cứu nhằm đa dạng hóa các sản phẩm từ dừa để gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm, trong đó có việc sử dụng nguồn nhiên liệu dầu dừa cho máy bay. Đây cũng là dự án rất ý nghĩa nhằm hướng tới thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống càng gần 0 càng sớm càng tốt).
Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre giao các doanh nghiệp của tỉnh tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để đoàn Trường Đại học Osaka đến thăm, khảo sát và nghiên cứu thực hiện dự án.
“Những nghiên cứu về dừa luôn được hoan nghênh và Bến Tre sẵn sàng hợp tác để gia tăng giá trị ngành dừa của tỉnh nhằm mang đến lợi ích cho người dân và doanh nghiệp”, ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre khẳng định.