Huyện Kamba thuộc khu tự trị Tây Tạng, phía Tây Nam Trung Quốc, nằm ở độ cao hơn 4.300m, với nhiệt độ trung bình hàng năm chỉ 1,5 độ C. Với vị trí địa lý và khí hậu đặc biệt, huyện nổi tiếng với giống cừu Kamba và dân làng ở đây chủ yếu dựa vào chăn nuôi gia súc để kiếm sống.
Trong nỗ lực xây dựng mô hình chăn gia súc đạt tiêu chuẩn, nhiều đoàn chuyên gia đã được cử đến huyện này để hỗ trợ. Hiện nay, tất cả cừu ở Kamba đều được đánh dấu bằng thẻ tai cho phép người chăn nuôi theo dõi quá trình phát triển của chúng, góp phần giúp số lượng cừu liên tục tăng.
Ông Lhapa Tsering, một thành viên của hợp tác xã chăn nuôi cừu, từng là một người chăn gia súc thành công nhưng hiện đang quản lý một nhà hàng ở đây.
"Tôi từng gặp khó khăn trong việc cân bằng cuộc sống gia đình và chăn nuôi gia súc trước khi hợp tác xã được thành lập vào tháng 3/2019", ông nói. Số lượng cừu ngày càng tăng khiến ông phải bỏ nhiều thời gian hơn, trong khi cha mẹ già của ông đã già yếu và cần được chăm sóc.
Trước đây, khi phải đối mặt với tình thế "tiến thoái lưỡng nan" như vậy, những người dân làng như Lhapa Tsering không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bán bớt cừu hoặc yêu cầu con cái bỏ học để ở nhà chăn cừu.
Tuy nhiên, nhờ có hợp tác xã chăn nuôi cừu, dân làng hiện nay đã có thêm một lựa chọn mới. Lhapa Tsering là một trong những người đầu tiên tham gia hợp tác xã, mặc dù nhiều dân làng ban đầu còn hoài nghi về tính khả thi.
Họ lo ngại về việc giao phó những con cừu của gia đình cho những người khác trong hợp tác xã liệu có hiệu quả hay không, Phurbu Tsering, người đứng đầu hợp tác xã nhớ lại. "Sau hơn 30 cuộc họp, cuối cùng chúng tôi đã thuyết phục được gần như toàn bộ dân làng tham gia hợp tác xã, ông nói.
Hợp tác xã chỉ cần hơn 20 người chăn cừu để chăm sóc toàn bộ đàn cừu, với số lượng lên tới hàng nghìn con.
"Tôi đã phải đi chăn cừu cho gia đình và không có cơ hội được đi học khi còn nhỏ", Phurbu Tsering nói. Trẻ em trong huyện giờ đây có thể hoàn toàn tập trung vào việc học, và dân làng đã bắt đầu khám phá các cơ hội kiếm thêm thu nhập khi có thời gian rảnh rỗi.
Trước năm 2019, chỉ có 3 người trong làng có bằng lái xe, trong khi ngày nay hầu hết mọi hộ gia đình đều có ít nhất một người có thể lái xe. Hơn 70 dân làng hiện đang làm việc ở nơi khác, giúp tăng thu nhập bình quân đầu người gần 20.000 NDT (khoảng 69 triệu đồng).
Việc sản xuất và quản lý hiện đại của hợp tác xã cũng góp phần mở rộng các kênh bán hàng. Thông qua các kênh trực tuyến và hợp đồng đặt hàng số lượng lớn, hợp tác xã đã bán được hơn 10.000 con cừu Kamba trong năm 2023, thu về hơn 5 triệu NDT (17,3 tỷ đồng). Hơn 2 triệu NDT (6,9 tỷ đồng) và 1.000 con cừu đã được chia cho các thành viên hợp tác xã dưới dạng cổ tức năm 2023.
Đến cuối năm 2023, huyện Kamba đã thành lập 27 hợp tác xã chăn nuôi cừu. Thu nhập bình quân đầu người của cư dân nông thôn trong huyện dự kiến sẽ đạt trên 19.000 NDT/năm (65,8 triệu đồng/năm), với mức tăng hàng năm là 10%.
Toàn bộ 146 hộ dân trong làng của ông Lhapa Tsering đã tham gia hợp tác xã. Ông quản lý một nhà hàng ở gần nhà và tiếp tục hưởng cổ tức từ hợp tác xã. Hiện nay, thu nhập hàng năm của gia đình ông là khoảng 200.000 NDT (693 triệu đồng).