| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã hoa nhài thơm ngát Thủ đô

Thứ Năm 30/05/2024 , 09:38 (GMT+7)

HÀ NỘI Gần 20 năm qua, hoa nhài đã trở thành cây trồng chủ lực của xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Đến với xã Đông Xuân, hai bên đường là những cánh đồng hoa nhài đang bừng nở tỏa sắc hương. Sắc trắng của những búp nhài đang trổ cùng với hương thơm ngào ngạt khiến khách xa tới ngất ngây.

Nghề trồng hoa nhài ở xã Đông Xuân đã có khoảng 20 năm. Trồng hoa nhài đã góp phần tạo sinh kế và cải thiện đời sống của người dân nơi đây. 

Những cánh đồng hoa nhài bạt ngàn ở xã Đông Xuân. Ảnh: Đức Bách.

Những cánh đồng hoa nhài bạt ngàn ở xã Đông Xuân. Ảnh: Đức Bách.

Nhiều năm trước, người dân ở xã Đông Xuân chủ yếu trồng lúa nhưng kém hiệu quả. Sau nhiều lần chuyển đổi cây trồng nhưng không mang lại giá trị cao, nhiều hộ dân quyết định tiếp tục gắn bó với hoa nhài. Hoa nhài là cây dễ trồng, ưa nóng. Cây nhài mang lại thu nhập cao so với một số cây trồng khác tại địa phương, song phải vô cùng khéo léo và cẩn thận trong việc chăm sóc. 

Thời gian thu hoạch hoa nhài sẽ bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, trong đó giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 là thời điểm thu hoạch tốt nhất. Đông Xuân hiện có khoảng 40ha trồng hoa nhài ở tất cả các cánh đồng mỗi thôn. Mỗi sào (360m2) trồng hoa nhài một năm cho sản lượng trung bình trên 8 tạ hoa. Để hoa đạt được chất lượng tốt nhất, người dân phải hái từ buổi chiều, song cũng có lúc người nông dân phải ra đồng thu hoạch hoa từ giữa trưa nắng để tránh thời tiết xấu ảnh hưởng tới chất lượng hoa.

Hiện tại, 1kg hoa nhài ở Đông Xuân có giá 54.000 đồng. Có những thời điểm bà con thu hoạch được nhiều hoa, bán được giá, nhưng cũng có lúc hoa bị mất mùa, không đạt yêu cầu nên giá thấp.

Cảnh đồng hoa nhài thơm lừng ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Đức Bách.

Cảnh đồng hoa nhài thơm lừng ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Đức Bách.

Sau mỗi vụ thu hoạch, nông dân tiến hành tỉa cành để cây ra thêm nhiều nhánh mới. Nhài là cây dễ chăm sóc, chỉ cần bón phân và tưới nước. Khi đến vụ thu hoạch cần nhiều nhân công thì những cụ già, hay kể cả các em nhỏ đều có thể hái được. Đây cũng là điều thuận lợi đưa hoa nhài trở thành cây trồng chủ lực của xã Đông Xuân.

Khó khăn lớn nhất đối với người dân trồng hoa nhài là sâu bệnh phá hoại. Nhài thường bị bệnh sâu đục thân, sâu ăn lá và hoa, do đó người dân trồng nhài ở Đông Xuân phải tiến hành phun thuốc định kỳ mỗi tháng để phòng trừ. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy nếu sử dụng thuốc kích thích mầm, mầm mới sẽ không trổ bông được. Vì vậy, người dân ở đây chỉ bón phân và sử dụng thuốc sinh học để chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại.

Ông Đặng Văn Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Xuân cho biết, huyện Sóc Sơn đã thành lập riêng một hiệp hội về hoa nhài. Hiệp hội đứng ra thu mua hoa nhài cho bà con và chế biến thành các sản phẩm như tinh dầu hoa nhài, ướp trà. Ngoài bao tiêu hoa nhài cho bà con, hiệp hội cũng hỗ trợ người dân trồng hoa nhài từ giống, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh...

Hình ảnh những bông nhài trắng muốt, thơm ngát đã trở thành 'thương hiệu' ở xã Đông Xuân (Sóc Sơn). Ảnh: Đức Bách. 

Hình ảnh những bông nhài trắng muốt, thơm ngát đã trở thành “thương hiệu” ở xã Đông Xuân (Sóc Sơn). Ảnh: Đức Bách. 

Những năm qua, hoa nhài ở xã Đông Xuân đã được biết đến rộng rãi, trở thành mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Chung - Chủ tịch UBND xã Đông Xuân cho biết, ngoài bán hoa nhài cho các đại lý, nhà máy chế biến (như Nhà máy chè Kim Anh để ướp chè), Hợp tác xã hoa nhài Đông Xuân cũng đã ký được hợp đồng độc quyền cung cấp hoa nhài cho một đơn vị để sản xuất nước hoa, mỹ phẩm, dược liệu...

Năm 2019, hoa nhài của xã Đông Xuân đã được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Trong tương lai, UBND xã Đông Xuân sẽ tiếp tục có những chủ trương, hoạt động khuyến khích người dân đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, đồng thời duy trì kết nối với các doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra cho hoa nhài của bà con.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.