Lực lượng chức năng kiểm tra rừng phòng hộ |
Theo dự án "Đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, giai đoạn 2013-2015" do UBND tỉnh BR-VT phê duyệt, đối tượng phạm vi đầu tư của dự án nằm trong lâm phận của BQL Rừng phòng hộ của tỉnh quản lý trên 10.000ha. Trong đó, rừng phòng hộ đầu nguồn trên 4.000ha; rừng phòng hộ chắn sóng biển trên 4.600ha và rừng phòng hộ chắn cát ven biển trên 1.000ha.
Ông Châu Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (BQL rừng phòng hộ tỉnh BR-VT) cho biết: Hầu hết diện tích rừng phòng hộ tập trung trên các địa bàn huyện Tân Thành, Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và TP Vũng Tàu. Dự án chú trọng tới việc bảo tồn và phát triển các loại thực vật rừng đặc hữu đang có nguy cơ tuyệt chủng như cây cẩm lai Bà Rịa, cây dẻ núi Dinh, cây cẩm liên núi Minh Đạm, cây dầu long Long Sơn, gõ đỏ, dáng hương, dầu cát, sến cát... Dự án cũng hướng đến việc bảo vệ nơi cư trú của các loài động vật rừng, thủy sản và sinh cảnh tự nhiên...
Theo BQL Rừng phòng hộ tỉnh BR-VT, ngoài hiệu quả về mặt môi trường, bảo tồn gen và đa dạng sinh học, dự án đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và các hộ làm nghề rừng mỗi năm. Đến nay, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao khoán cho các 1.213 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh với khoảng 8.710ha.
Diện tích rừng được giao khoán |
Tuy nhiên, việc giao khoán và bảo vệ rừng phòng hộ, đất lâm nghiệp chưa gắn với các chính sách cụ thể. Do vậy, đến nay không ít hộ nhận giao khoán đã không còn đủ điều kiện để tiếp tục đầu tư vào rừng phòng hộ sau khi rừng nhận khoán hết thời gian bảo vệ (5 năm). Đồng thời, đa số diện tích rừng phòng hộ nằm trên vùng đồi núi cao, việc khai thác sản phẩm cây phụ trợ chi phí cao so với giá thành, khiến người dân không có lời.
Hơn nữa, do địa bàn quản lý khá manh mún, trải dài, lực lượng bảo vệ của chủ rừng lại quá mỏng và hạn chế nên chưa tổ chức được lực lượng đủ mạnh để bảo vệ diện tích rừng được giao, dẫn tới nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Ông Dương Công Phi, một chủ hộ được giao khoán rừng phòng hộ ở phường Kim Dinh, thành phố BR - VT than vãn: “Sau khi nhận đất rừng giao khoán, gia đình tôi bắt tay vào trồng rừng và đã đầu tư cả chục tỉ đồng để làm du lịch sinh thái được tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, đến nay gia đình tôi cũng chưa thu được đồng vốn nào, thậm chí tiền trợ cấp trồng và chăm sóc rừng cũng bị cắt do cây rừng đã phát triển tốt”.
Gia đình ông Phi bắt đầu nhận giao khoán rừng phòng hộ từ những năm 1996 - 1997, với diện tích khoảng 200ha (bao gồm diện tích rừng của gia đình ông được giao khoán và tự mua bán sang nhượng lại của các hộ khác).
Phát triển du lịch bên tán rừng phòng hộ |
Theo nhiều hộ dân, trước khi họ nhận khoán, rừng còn nghèo kiệt và hay xảy ra cháy rừng, đến nay tình trạng này đã chấm dứt. Chất lượng rừng ngày càng được nâng lên từ đất trồng, đồi núi trọc, rừng thứ sinh nghèo kiệt dần được phủ xanh, khép tán phát huy tốt khả năng phòng hộ.
Nhưng do chính sách và hình thức hưởng lợi chưa thích đáng và không đáp ứng đủ vốn đầu tư của hộ nhận khoán bỏ ra dẫn đến trách nhiệm của họ với rừng dần bị buông lỏng. Không chỉ riêng gia đình ông Phi mà nhiều hộ khác đang có tư tưởng rất chán nản, không còn mặn mà bám rừng...
Theo dự án "Đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, giai đoạn 2013-2015", mỗi năm có khoảng 500ha rừng được đưa vào giao khoán bảo vệ. Tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng, từ ngân sách địa phương. |