| Hotline: 0983.970.780

Huyện có 115 mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng

Chủ Nhật 12/05/2024 , 17:47 (GMT+7)

HÀ TĨNH Từ 5 hộ sản xuất thử nghiệm với diện tích 2.000m2 năm 2018, hiện huyện Thạch Hà đã có 115 mô hình chuyên sản xuất dưa lưới trong nhà màng với tổng diện tích 73.000m2.

Đầu tư lớn nhưng hiệu quả cao

Chị Đặng Thị Hà Thống ở thôn Đồng Xuân là người tiên phong mạnh dạn đầu tư mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Thạch Xuân (Thạch Hà, Hà Tĩnh).

Chị Thống chia sẻ: Năm 2019, sau khi tìm hiểu các mô hình trồng dưa lưới hiệu quả tại các tỉnh miền Nam. Chị đã bỏ ra số vốn đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu đồng để làm nhà màng, hệ thống tưới, giá đỡ và các thiết bị sản xuất chuyên dụng đồng bộ. Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới của chị Thống có ưu điểm vượt trội, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập.

Từ 5 mô hình thử nghiệm năm 2018, đến nay Thạch Hà đã có 115 mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Từ 5 mô hình thử nghiệm năm 2018, đến nay Thạch Hà đã có 115 mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Trong quá trình sản xuất, chị Thống luôn thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.

Chị Thống cho biết: "Đối với tôi, trồng dưa lưới không khó, cái khó là nguồn vốn đầu tư lớn. Phải kiên trì, chịu khó thì mô hình trồng dưa lưới mới đem lại kết quả như mong muốn. Bên cạnh đó, tôi còn quan tâm đến khâu chọn giống và học hỏi thêm trên internet những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Việc sử dụng phương thức tưới nhỏ giọt giúp phân bón, nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không gây lãng phí nguồn nước tưới”.

Dưa lưới từ lúc trồng đến khi quả đạt trọng lượng từ 1,4 - 1,8kg là bắt đầu thu hoạch. Một vụ sản xuất dưa lưới kéo dài khoảng 60 - 70 ngày, mỗi năm có thể sản xuất từ 2 - 3 vụ. Mỗi năm, trang trại của chị Thống thu hoạch khoảng 5 - 6 tấn quả, với giá bán bình quân 20.000 - 30.000 đồng/kg, chị Thống có lãi khoảng 200 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả mô hình này, năm 2023 chị đầu tư mở rộng thêm 500m2 nhà màng, nâng tổng diện tích lên 1.000m2.

Trước đây, gia đình bà Dương Thị Khuê ở thôn Đồng Xuân (xã Thạch Xuân) trồng các loại dưa truyền thống của địa phương như dưa hấu, dưa lê nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy cây dưa lưới cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình bà Khuê đã quyết định chuyển đổi phần diện tích đất màu kém hiệu quả sang trồng dưa lưới trong nhà màng.

Trồng dưa lưới trong nhà màng đầu tư lớn nhưng hiệu quả cao, bền vững, cho chất lượng sản phẩm cao, chi phí thấp. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Trồng dưa lưới trong nhà màng đầu tư lớn nhưng hiệu quả cao, bền vững, cho chất lượng sản phẩm cao, chi phí thấp. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Bà Khuê cho biết, trồng dưa lưới trong nhà màng tuy kinh phí đầu tư ban đầu lớn nhưng lại tiết giảm được công lao động và chi phí chăm sóc bởi trồng trong nhà màng có thể hạn chế được sâu bệnh gây hại, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng, trừ. Bà Khuê rất phấn khởi vì ngay vụ đầu tiên đã sản xuất được những quả dưa to, đều, đẹp, sản lượng ước đạt hơn 2 tấn, gia đình bà thu về hơn 50 triệu đồng.

Tại xã Thạch Xuân, chị Trần Thị Hương là hộ có nhiều kinh nghiệm trồng dưa lưới. Trên diện tích hơn 2.000m2, chị trồng đồng thời 3 loại dưa là dưa hấu, dưa lê và dưa lưới. Trước đây, chị Hương đã thử nghiệm trồng dưa lưới ngoài trời nhưng không mang lại kết quả như mong muốn do dưa bị héo, quả không ngọt, lại bị sâu bệnh nhiều. Trong khi đó, phần diện tích trồng dưa lê và dưa hấu ngoài trời cũng cho năng suất và hiệu quả thấp.

Chính vì vậy, gia đình chị đã quyết định chuyển sang đầu tư nhà màng để trồng dưa lưới. Chị Hương cho biết: “Trồng dưa lưới trong nhà màng loại bỏ được tới 90% yếu tố bất lợi về mùa vụ, tạo điều kiện sản xuất trái vụ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, không phải phụ thuộc vào thời tiết do có hệ thống điều chỉnh khí hậu. Đồng thời, nhờ hệ thống tưới, chất dinh dưỡng được tự động điều chỉnh phù hợp theo tiến độ sinh trưởng của cây trồng nên kiểm soát được lượng phân bón, cây phát triển khỏe, cho năng suất, chất lượng cao”.

Hàng trăm mô hình ra đời

Ông Dương Xuân Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân cho biết: Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen, tập quán canh tác của người dân địa phương từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch gắn với nhu cầu của thị trường.

Chính quyền địa phương đang khuyến khích các hộ dân tiếp tục mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích nhà màng để trồng dưa lưới. "Về lâu dài, sẽ phải tập hợp các hộ sản xuất để thành lập tổ hợp tác nhằm xây dựng thương hiệu dưa lưới Thạch Xuân, đảm bảo liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ", ông Tùng nói.

Nhờ loại bỏ được các yếu tố bất lợi về thời tiết, sâu bệnh hại..., sản xuất dưa lưới trong nhà màng cho hiệu quả cao và được nông dân Thạch Hà liên tục đầu tư, mở rộng. Ánh Nguyệt.

Nhờ loại bỏ được các yếu tố bất lợi về thời tiết, sâu bệnh hại..., sản xuất dưa lưới trong nhà màng cho hiệu quả cao và được nông dân Thạch Hà liên tục đầu tư, mở rộng. Ánh Nguyệt.

Sản xuất dưa lưới trong nhà màng từ lâu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới ở huyện Thạch Hà. Năm 2018, toàn huyện mới có 5 hộ tham gia sản xuất thử nghiệm dưa lưới trong nhà màng với diện tích 2.000m2, đến nay đã có hơn 115 mô hình chuyên sản xuất dưa lưới trong nhà màng với tổng diện tích 73.000m2.

Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất khép kín trong nhà màng, sử dụng hệ thống phun tưới tự động đã giảm thiểu côn trùng, sâu bệnh gây hại, giúp cây dưa phát triển tốt và "nói không" với hoá chất độc hại, từ đó tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng.

Với quy trình sản xuất bài bản, khoa học, chất lượng sản phẩm được khẳng định, vì thế đầu ra sản phẩm dưa lưới của nông dân Thạch Hà luôn ổn định. Mỗi mô hình với diện tích 500m2 cho doanh thu từ 35 - 40 triệu đồng/vụ (mỗi năm sản xuất 2 vụ), đem lại nguồn thu khá cao cho nông dân Thạch Hà so với sản xuất lúa truyền thống.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đang được nông dân Thạch Hà đầu tư, mở rộng. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đang được nông dân Thạch Hà đầu tư, mở rộng. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Hiện nay, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đã được nhân rộng tại nhiều địa phương trong huyện như Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Sơn, Thạch Xuân, Nam Điền, Thạch Lạc, Thạch Ngọc, thị trấn Thạch Hà, Thạch Hội, Thạch Khê… Để có được những kết quả trên, nông dân Thạch Hà cũng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới tự động với chi phí khá lớn (100 triệu đồng/mô hình 500m2).

Theo Phòng NN-PTNT huyện Thạch Hà, nhằm đẩy mạnh phát triển mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng, huyện đã ban hành chính sách mỗi mô hình có diện tích từ 200m2 trở lên được hỗ trợ 100 ngàn đồng/m2 (nhưng không quá 50 triệu đồng/mô hình). Đến nay huyện đã phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ cho 115 mô hình với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Nhiều xã cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ để kích cầu, giúp các hộ sản xuất có thêm động lực để xây dựng và nhân rộng mô hình.

Xem thêm
Trở thành chủ trại gà sau một cú… chết hụt

HÀ NỘI Thoát chết sau một tai nạn, anh Cận thuyết phục vợ bỏ nghề thợ xây, về nhà chăn nuôi bởi làm nông tuy mạo hiểm về kinh tế nhưng ít mạo hiểm về tính mạng.

Kiểm soát dịch bệnh gặp khó do vắng thú y cơ sở

ĐBSCL Thiếu vắng hệ thống thú y cơ sở khiến công tác phòng chống dịch, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y gặp nhiều khó khăn.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Bình luận mới nhất