| Hotline: 0983.970.780

Huyện miền núi Đức Linh phấn đấu về đích

Thứ Tư 19/08/2020 , 14:08 (GMT+7)

Huyện miền núi Đức Linh, tỉnh Bình Thuận đang phấn đấu về đích huyện nông thôn mới vào cuối năm nay.

Hình thành vùng liên kết sản xuất 

Ông Trương Quang Đến, Trưởng phòng NN - PTNT huyện Đức Linh cho biết, trong những năm qua việc xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được địa phương hết sức quan tâm. Với quan điểm của địa phương, sản xuất là khâu đột phá trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Do vậy, huyện đã đẩy mạnh các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nhằm giúp bà con nâng cao thu nhập.

Theo ông Đến, đối với cây lúa trên địa bàn đã thực hiện liên kết khoảng 13.470 tấn, chiếm 10,23% sản lượng lúa năm 2019 của huyện. Trong đó: Hợp tác xã nông nghiệp Công Thành Đức Linh đại diện cho nông dân ký kết hợp đồng liên kết với công ty TNHH MTV Út Hạnh Công Thành Long An là 8.700 tấn/năm, giá trị tiêu thụ ổn định từ 5.100 đồng/kg - 5.500 đồng/kg.

Huyện miền núi Đức Linh hiện đã hình thành nhiều mô hình liên kết. Ảnh: QĐ.

Huyện miền núi Đức Linh hiện đã hình thành nhiều mô hình liên kết. Ảnh: QĐ.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Nhật Phát thôn 6 - Mê Pu liên kết với HTX Nông nghiệp Mê Pu ký kết hợp đồng liên kết 4.770 tấn/năm. Ngoài ra, huyện còn tổ chức cho nông dân các xã Sùng Nhơn, Đa Kai liên kết sản xuất tiêu thu cây bắp với 1.555 tấn/năm.

Bên cạnh đó, một số cây trồng lâu năm chủ lực như điều, cao su, cây ăn quả cũng thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, cơ sở sản xuất hạt điều Hoàng Gia Tiến – thôn 1 xã Đức Hạnh ký liên kết với nông dân các xã Đức Tín, Tân Hà, Đức Hạnh 714ha/720 tấn điều/năm. Hay Doanh nghiệp tư nhân Đức Nghĩa đã thực hiện liên kết với nông dân các xã Trà Tân, Tân Hà hợp tác liên kết sản xuất và thu mua mủ cao su quy khô 912 tấn/năm, thời gian thực hiện từ năm 2019 – 2022. Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Hưng Phát TP.HCM đã liên kết với nông dân xã Đông Hà ký hợp đồng hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh, quy mô 500 tấn/năm...

Vùng cây ăn quả ở huyện Đức Linh. Ảnh: QĐ.

Vùng cây ăn quả ở huyện Đức Linh. Ảnh: QĐ.

Ghi nhận PV tại xã Nam Chính hiện nhiều nông dân trên địa bàn đã quen với việc sản xuất lúa nếp theo mô hình chuỗi liên kết với HTX Công Thành Đức Linh. Hiện HTX này không chỉ bao tiêu toàn bộ sản phẩm mà còn hỗ trợ bà con cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu, giống cho đầu tư sản xuất.

Anh Võ Văn Đăng, một nông dân ở xã Nam Chính bộc bạch: “Trước khi làm lúa nếp, gia đình sản xuất lúa kiểu truyền thông nên thu nhập bấp bệnh. Nhưng khi gia đình tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa nếp với HTX Công Thành Đức Linh đã mang lại thu nhập khá. Bình quân 1 ha lúa nếp, sau khi trừ chi phí gia đình tôi có lãi từ 12 – 15 triệu đồng, nhờ vậy cuộc sống gia đình ổn định hơn trước rất nhiều”.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đức Linh, đến nay mô hình liên kết sản xuât lúa nếp giữa Hợp tác xã Công Thành Đức Linh với nông dân xã Đức Chính, Nam Chính, thị trấn Đức Tài với diện tích liên kết 2.430 ha.

Chờ ngày về đích

Ông Nguyễn Văn Húy Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Linh cho biết, một trong những kết quả nổi bật sau 10 năm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn là lấy phát triển sản xuất làm thức đo và tạo sự đột phá trong thực hiện chương trình.

Đến nay, huyện đã đạt được một số kết quả bước đầu hình thành vùng liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên một yếu tố quan trọng để thực hiện tốt việc sản xuất thì yếu tố hạ tầng, giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí huyện phải thực hiện đầu tiên.

Cánh đồng lúa tốt bời bời ở huyện Đức Linh. Ảnh: QĐ.

Cánh đồng lúa tốt bời bời ở huyện Đức Linh. Ảnh: QĐ.

Theo đó, qua 10 năm huyện đã đầu tư làm mới và nâng cấp được 356 tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 381 km đường giao thông nông thôn, kinh phí hơn 322 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận về làm đường giao thông nông thôn theo phương thức “Nhân dân đầu tư, Nhà nước hỗ trợ” huyện Đức Linh đã thực hiện đầu tư nâng cấp bê tông xi măng được 236 tuyến đường trên toàn địa bàn các xã với 79,885 km, tổng kinh phí đầu tư 99,684 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 64,328 tỷ đồng và nhân dân đóng góp 35,356 tỷ đồng.

Cũng theo ông Húy, để trở thành huyện NTM, Đức Linh phải đạt được 9 tiêu chí: quy hoạch; giao thông; thủy lợi; điện; y tế - văn hóa - giáo dục; sản xuất; môi trường; an ninh, trật tự xã hội và tiêu chí chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Tính đến tháng 7/2020, huyện đã đạt 8/9 tiêu chí, còn lại tiêu chí môi trường đang chờ cơ quan chức năng thẩm định.

“Hiện địa bàn huyện Đức Linh được quy hoạch một bãi rác tập trung với diện tích 13ha. Đến nay đã đầu tư giai đoạn 1 với diện tích 6,5ha và giao cho Ban quản lý công trình công cộng quản lý, sử dụng. Tuy nhiên thời gian qua huyện xử lý rác theo phương pháp truyền thống là san lấp hợp vệ sinh. Trong khi để đạt tiêu chí này thì phải đầu tư trang thiết bị xử lý môi trường rất tốn kém. Do đó, để gỡ khó khăn, huyện đã kêu gọi nhà đầu tư hệ thống xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải rắn tại khu quy hoạch bãi rác tập trung huyện.

Hiện nay, Công ty TNHH Thương mại xây dựng xử lý môi trường Đồng Thuận Phát đã được UBND tỉnh chấp thuận cho đầu tư xây dựng khu liên hợp tái chế và xử lý rác sinh hoạt công nghiệp nguy hại ở xã Nam Chính”, ông Húy chia sẻ và cho biết thêm với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng góp sức của người dân, huyện Đức Linh sẽ sớm được công nhận huyện đạt chuẩn NTM cuối năm nay.

Theo UBND huyện Đức Linh, đến cuối năm 2019, huyện đã có 11/11 xã được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo từ 11,23% năm 2011 còn 1,95% năm 2019. Huyện đang triển khai xây dựng thí điểm 2 xã Vũ Hòa và Đồng Hà trở thành xã nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra 10 xã được chọn và triển khai thực hiện khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.