| Hotline: 0983.970.780

Xã miền núi khó khăn tiến lên nông thôn mới

Thứ Ba 07/07/2020 , 06:07 (GMT+7)

Từ vùng đất khó khăn, xã Sông Phan đã “vươn mình” trở thành xã nông thôn mới (NTM) và đang phấn đấu để trở thành xã NTM kiểu mẫu vào năm 2030.

Bắt đất khô cằn “đẻ” ra tiền

Xã Sông Phan được thành lập từ tháng 1/2004 và được biết đến là xã miền núi đặc biệt khó khăn nằm ở phía đông bắc huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Tổng diện tích tự nhiên khoảng 6.284 ha với khoảng 1.729 hộ với 7.670 nhân khẩu, trong đó có 246 hộ (967 nhân khẩu) là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Răclay.

Ông Nguyễn Đức Toàn, cán bộ xã Sông Phan thổ lộ, địa hình của xã chủ yếu là đồi núi dốc, thường xảy ra khô hạn nên cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng được xây dựng đầy đủ, hệ thống điện và nước tưới đảm bảo nên người dân có điều kiện đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế.

Nhờ phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao nên cuộc sống người dân ngày càng đảm bảo. Ảnh: MH.

Nhờ phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao nên cuộc sống người dân ngày càng đảm bảo. Ảnh: MH.

Vừa vuốt tai cho trái thanh long, ông Lê Xuân Thức (ngụ xã Sông Phan) vừa thổ lộ, ngày trước vùng này khô hạn kéo dài nên người dân chỉ trồng được tràm hoặc bỏ hoang. Nhiều gia đình cố gắng chăn nuôi bò thịt nhưng sau đó cũng bỏ nghề vì nguồn thức ăn mùa khô hạn rất khan hiếm.

“Những năm gần đây, hệ thống điện, nước được đảm bảo nên chúng tôi có thể cải tạo lại đất để trồng thanh long”, ông Thức cho biết thêm, khu vườn 0,5ha mà ông trồng thanh long từng trồng tràm. Khi khô hạn kéo dài, tràm chết khô thì ông đành bỏ hoang. Chỉ đến khi chủ động nước tưới, khu vườn mới thực sự cho thu nhập ổn định.

Chỉ tay về khoảng đồi bát ngát thanh long, bà Nguyễn Thị Thuận, người dân địa phương chia sẻ, chương trình xây dựng NTM được đầu tư bài bản nên người dân hưởng lợi. Nhiều gia đình đã mở rộng diện tích sản xuất thanh long, có nguồn thu tốt. Nhiều hộ trồng thanh long quy mô lớn đã trở nên giàu có.

Thống kê của UBND xã Sông Phan, hiện nay 100% tỷ lệ đường trục xã, liên xã được nhựa hóa theo chuẩn kỹ thuật của Bộ GT-VT. 100% đường trục thôn cũng cứng hóa đạt chuẩn. Đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt 28,986/36,236km. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động trên 80%.

Hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu

Theo cán bộ xã Sông Phan, hiện sản xuất nông nghiệp ở địa phương đang phát triển ổn định với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Chính quyền thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân sản xuất lúa, thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã thanh long VietGAP.

Công tác khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động được thực hiện kỹ và lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển sản xuất để hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Sản xuất nông nghiệp, dịch vụ... đẩy mạnh nên đời sống người dân đảm bảo. Theo UBND xã Sông Phan, năm 2012 thu nhập bình quân đầu người của xã là 14,3 triệu đồng/năm thì đến năm 2019, tăng lên 38,18 triệu. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 là 16% nay giảm xuống còn 3,21%.

Nhiều nơi ở xã Sông Phan từng là nơi khô cằn đang dần trở thành cánh đồng trồng thanh long. Ảnh: MH.

Nhiều nơi ở xã Sông Phan từng là nơi khô cằn đang dần trở thành cánh đồng trồng thanh long. Ảnh: MH.

Từ những kết quả đạt được, vào tháng 1/2020, xã Sông Phan được công nhận đạt chuẩn NTM. Để tiếp tục chặng đường phát triển, xã đang tập trung xây dựng tiến tới đạt chuẩn NTM nâng cao theo quy định của UBND tỉnh Bình Thuận vào năm 2025.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã đang phấn đấu để đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,5 lần trở xuống so với mức quy định vùng. Xã cũng phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên 95% và người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90%.

Cũng theo ông Minh, xã tiếp tục xây dựng NTM, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ. Địa phương cũng thực hiện các biện pháp phát triển nông thôn gắn với đô thị để đến năm 2030 được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Sông Phan cho biết, trong quá trình xây dựng NTM, công tác tuyên truyền được thực hiện sâu rộng. Do vậy, người dân hiểu rõ và hưởng ứng nhiệt tình. Đại bộ phận nhân dân đồng lòng góp sức người, sức của kiên cố hóa, làm mới các tuyến đường.

Cũng từ đó xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu, nhiều mô hình hay mang lại hiệu quả thiết thực, chung tay cùng chính quyền trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.