| Hotline: 0983.970.780

Huyện miền núi phấn đấu cán đích NTM

Thứ Ba 15/02/2022 , 12:27 (GMT+7)

Chương trình xây dựng NTM tại huyện miền núi Ba Chẽ (Quảng Ninh) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ba Chẽ đang nỗ lực phấn đấu đạt huyện NTM trong năm 2022.

Huyện miền núi Ba Chẽ có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, dân số khu vực nông thôn chiếm 79%. Vì vậy, khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM, Ba Chẽ gặp nhiều khó khăn so với các địa phương khác trong tỉnh.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai chương trình, huyện đã đạt được nhiều kết quả khích lệ. Theo đó, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện hơn trước. Tính đến nay, Ba Chẽ đã có 5/7 xã gồm: Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Lâm và Nam Sơn hoàn thành chương trình xây dựng NTM. 

Ngay sau khi hoàn thành chương trình 135, xã Đồn Đạc đã bắt tay thực hiện các giải pháp với quyết tâm hoàn thành chương trình xây dựng NTM trong năm 2021. Xã đã xác định xây dựng NTM phải lấy người dân làm chủ thể, vì vậy trong quá trình triển khai, xã kiên trì tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân để hiểu đúng, hiểu rõ và tự giác, tham gia. Đồng thời, huy động sự chung tay của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng với nguồn lực hỗ trợ của nhà nước để đầu tư xây dựng NTM.

Huyện Ba Chẽ đã hỗ trợ xã Đồn Đạc hơn 5,5 tỷ đồng đầu tư xây phát triển sản xuất và hạ tầng NTM. Ảnh: Nguyễn Thành

Huyện Ba Chẽ đã hỗ trợ xã Đồn Đạc hơn 5,5 tỷ đồng đầu tư xây phát triển sản xuất và hạ tầng NTM. Ảnh: Nguyễn Thành

Là địa bàn có số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, xã luôn đặc biệt quan tâm đến việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân. Cụ thể, đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2021, xã Đồn Đạc được hỗ trợ hơn 980 triệu đồng từ nguồn vốn NTM do huyện Ba Chẽ phân bổ, cho 10 hộ dân tham gia 3 dự án gồm: Trồng cây ba kích (4,1ha), trồng cây trà hoa vàng (5,18ha) và trồng cây cát sâm (4ha). Sắp tới, các dự án hạ tầng và hỗ trợ sản xuất hứa hẹn sẽ tạo ra bộ mặt nông thôn khởi sắc cho địa phương. Đây đều là cây trồng bản địa, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, phát triển tốt nên hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Ông Lưu Minh Thắng, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc cho biết, đến hết năm 2021, xã đã đạt 20/20 tiêu chí, 53/53 chỉ tiêu, hoàn thành chương trình xây dựng NTM theo đúng lộ trình đặt ra. Đặc biệt, trong năm qua, huyện đã hỗ trợ xã hơn 5,5 tỷ đồng đầu tư xây phát triển sản xuất và hạ tầng NTM. Trong đó, hơn 4,6 tỷ đồng đầu tư cho 9 công trình giao thông, thủy lợi. Điển hình như hệ thống đập, đường ống nước tưới Tài Lò thôn Nà Làng; đập mương Nà Phốc thôn Tân Tiến; mương tưới Khe Oặc thôn Làng Mô; đập mương Khe Mười; đường ống nước tưới thôn Nam Kim; các tuyết đường ngõ xóm… Đến nay, đã có 6/9 công trình được hoàn thành.

Đối với xã Thanh Sơn, chương trình xây dựng NTM tại địa phương cũng đang được đẩy nhanh tiến độ phấn đấu hoàn thành những tiêu chí cuối cùng về đích theo đúng lộ trình. Qua rà soát các tiêu chí, xã đạt 17/20 tiêu chí NTM. 3 tiêu chí chưa đạt gồm thu nhập, môi trường, an toàn thực phẩm và khu dân cư (thôn) NTM kiểu mẫu.

Theo đó, xã đang tập trung tuyên truyền vận động người dân trong độ tuổi lao động đi làm ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài huyện để nâng cao tiêu chí thu nhập. Đồng thời, tích cực tham gia vào các dự án phát triển sản xuất (ba kích, trà hoa vàng, cát sâm), khai thác keo, chăn nuôi gia súc, gia cầm. 

Xác định giao thông là động lực quan trọng trong xây dựng NTM, thời gian qua, huyện Ba Chẽ đã huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông kết nối đảm bảo đồng bộ như đường 330, 342, 330B, 329 và tuyến đường từ thị trấn lên xã Minh Cầm song song với tỉnh lộ 330, đường tránh lũ tỉnh lộ 329... Huyện cũng đưa vào sử dụng tuyến đường Nà Làng (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) - Khe Phương (xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long), dài gần 4km, trong cuối năm 2021.

Tuyến đường không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Ba Chẽ và TP Hạ Long, mà còn mở những hướng phát triển kinh tế du lịch cho người dân 2 địa phương. Hiện, hai xã cuối cùng của huyện là Đồn Đạc, Thanh Sơn đã hoàn thành hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM.

Trà hoa vàng là sản phẩm OCOP nổi tiếng, góp phần tăng thu nhập cho người dân Ba Chẽ. Ảnh: Nguyễn Thành 

Trà hoa vàng là sản phẩm OCOP nổi tiếng, góp phần tăng thu nhập cho người dân Ba Chẽ. Ảnh: Nguyễn Thành 

Với quyết tâm đạt huyện NTM trong năm 2022, Ba Chẽ sẽ tập trung nâng cao chất lượng 5 tiêu chí với 18 chỉ tiêu đã đạt được; phấn đấu hoàn thành đạt 4 tiêu chí: Quy hoạch, giao thông, môi trường, chất lượng môi trường sống. Trên cơ sở đó, tiếp tục rà soát, bổ sung các quy hoạch chi tiết đồng bộ với hệ thống quy hoạch chung, tổng thể vùng, phân vùng của tỉnh.

Huyện cũng đầu tư bổ sung hệ thống chiếu sáng tại trung tâm; nâng cấp vỉa hè, rãnh thoát nước, cây xanh trung tâm các thôn. Đồng thời, triển khai hiệu quả các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn xây dựng NTM, phát triển sản phẩm OCOP; phát triển du lịch huyện Ba Chẽ; phát triển rừng gỗ lớn huyện Ba Chẽ, giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030. Đồng thời, tập trung nguồn lực phát triển sản xuất, thúc đẩy kinh tế, phấn đấu thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%, tỷ lệ hộ cận nghèo dưới 9%.

Ông Vũ Thành Long, Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ cho biết, để về đích huyện NTM trong năm 2022, giải pháp Ba Chẽ đặt lên hàng đầu là công tác tuyên truyền. Trong đó, huyện tích cực đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức; triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Quảng Ninh chung sức xây dựng NTM”, mô hình “Dân vận khéo”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Thắp sáng đường quê”, “Tuổi cao gương sáng” gắn với xây dựng NTM…

Đồng thời, vận động nhân dân chung sức xây dựng công trình hạ tầng, phát triển kinh tế, giữ gìn vệ sinh; xây dựng thôn, vườn, hộ NTM gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống; phát huy tinh thần trách nhiệm người đứng đầu...

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.