| Hotline: 0983.970.780

Huyền thoại già làng Tơ Tơ

Thứ Sáu 28/12/2012 , 13:46 (GMT+7)

Già làng Tơ Tơ là “báu vật sống” của người dân tộc Châu Ro, người từng một thời khiến quân thù bao phen điên đầu.

Dù ở đâu, đồng bằng hay rừng núi thì họ vẫn là những nông dân miệt vườn thứ thiệt. Nhưng, khi sơn hà nguy biến, họ trở thành người hùng xông pha trong lửa đạn, thản nhiên đối mặt với quân thù. Khi đất nước hòa bình, họ lại trở về với mảnh ruộng, vườn rau, với cánh rừng. Lại là những nông dân hiền lành, chất phác như bao đời nay.

HUYỀN THOẠI GIÀ LÀNG TƠ TƠ

Bên dòng suối Samach (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), có một nhà sàn nho nhỏ nép mình dưới những tán cây đại thụ. Đó là ngôi nhà của già làng Tơ Tơ, “báu vật sống” của người dân tộc Châu Ro, người từng một thời khiến quân thù bao phen điên đầu.

NGƯỜI HÙNG NĂM XƯA

Tỉnh lộ 761 như một dải lụa mềm uốn lượn giữa đại ngàn, có lúc nằm chênh vênh giữa lưng trời, lẫn trong mây, lúc lại hối hả đổ xuống con suối đang reo ồn ào. Rừng núi Mã Đà, nơi có chiến khu Đ một thời oanh liệt, đẹp như một bức tranh. Sau nửa ngày vượt gần 200 cây số, cuối cùng, chúng tôi cũng đã đến xã Phú Lý trong bộ dạng toàn thân lấm lem bụi đường. Già làng Tơ Tơ đã quá nổi tiếng ở vùng này, nên tìm đến nhà ông chẳng khó khăn gì. Lúc tôi đến, già làng đang ngồi dưới bậc cầu thang được ghép bằng cây rừng lên nhà sàn, đôi mắt nhắm nghiền. Quanh chân nhà sàn, mấy chú heo đang đủng đỉnh kiếm ăn, bầy gà xúm xít tìm mồi, trên cây, tiếng chim ríu rít. Khung cảnh thật yên bình. Cố gắng bước nhẹ nhưng chưa lại gần tôi đã giật mình khi nghe già làng cất tiếng: “Con từ xa đến?”. Tôi gật đầu chào và giới thiệu vắn tắt.

Già làng Tơ Tơ (tiếng Châu Ro) còn có tên là Nguyễn Văn Nổi, bởi cha ông người Kinh ở Ninh Bình, chỉ có mẹ người Châu Ro. Là con thứ 5 trong gia đình nên mọi người thường gọi ông là Năm Nổi. Năm nay đã bước sang tuổi 84, khuôn mặt quắc thước, nước da săn chắc, đôi mắt sáng tinh anh, chòm râu dài, trắng như cước… xem ra, già làng còn đủ sức leo vài quả đồi.


Già làng đang hồi tưởng lại ký ức hào hùng năm xưa

Dẫn tôi lên nhà sàn, già làng bảo: “Tau được Chính phủ xây nhà cho rồi, nhưng tau thích ở nhà này hơn”. Vừa bước lên sàn, đập vào mắt tôi là hàng chục tấm huân chương, huy chương, những tấm hình lồng trong khung kính treo san sát trên vách. Trong số đó, có hình già làng chụp chung với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Đại tướng Mai Chí Thọ… và nhiều cán bộ cao cấp khác mà ông từng tiếp tế trên đồi Củ Chụp năm xưa. “Đó là những tài sản quí của tau, của bà con”. Ngưng một lát như để ký ức ùa về, già làng nói tiếp: "Năm 1946, nhờ có bộ đội đến rừng Mã Đà lập căn cứ mà người Châu Ro biết đọc, biết viết, biết ăn sạch, uống sạch và biết đoàn kết nữa. Hồi đó, hết Pháp đến Mỹ, tụi nó biết rừng núi Mã Đà che chở, dân làng nuôi giấu bộ đội nên chúng nó làm dữ lắm. Trên trời thì máy bay ném bom, dưới đất bộ binh, biệt kích bố ráp truy bắt bộ đội. Rừng núi này hứng biết bao nhiêu bom đạn tụi nó rồi. Thương rừng, thương cây lắm”.

Năm 1946, khi chiến khu Đ thành lập, Năm Nổi mới chỉ là chàng thanh niên 17 tuổi, nhưng nhờ người cha giác ngộ từ nhỏ nên chàng thanh niên này đã sớm tìm được con đường đi đúng cho mình. Cậu không ngừng băng rừng, lội suối để tiếp tế, làm giao liên cho bộ đội.

Năm 1959, chiến khu Đ bị 20.000 quân địch bao vây dài ngày, mọi ngả đường vào chiến khu đều bị chặn khiến bộ đội có nguy cơ đói vì hết lương thực. Lúc này, sau khi vắt óc suy nghĩ, chàng trai Năm Nổi mới sực nhớ trong chiến khu có một quả đồi rất nhiều củ chụp, một loại củ có thể thay thế cơm. Vui mừng, Năm Nổi vùng dậy, thông báo cho bà con đi đào củ này cho bộ đội. Nhờ củ chụp của Năm Nổi và bà con mà bộ đội ta đã giải quyết được vấn đề lương thực, đánh bại trận trận càn của địch. Cũng từ đó, quả đồi này được đặt tên là đồi Củ Chụp.

BÁU VẬT SỐNG CỦA NGƯỜI CHƠ RO

Có thể nói, ngôi nhà sàn của già làng Tơ Tơ là một bảo tàng văn hóa - lịch sử của người Châu Ro với hơn 200 hiện vật. Từ những công cụ truyền thống của đồng bào như gùi đi nương, xà gạc, roi mây đuổi hổ, cung tên… đến những kỷ vật chiến đấu như cuộn dây mìn, ống đá lửa (gồm hai cục đá và bùi nhùi) để nhóm lửa nấu cơm tiếp tế cho bộ đội.



Già làng Tơ Tơ với cây xà gạc nổi tiếng

Thấy tôi chăm chú nhìn chiếc xà gạc treo trên vách, già làng lấy xuống giới thiệu: “Cây xà gạc này cùng với cây roi mây kia là 2 thứ bảo bối của tau. Nó đã nhiều lần giúp tau thoát khỏi vuốt cọp rồi. Riêng cây xà vừa là vũ khí đánh hổ vừa dùng để giấu tài liệu”. Cây xà gạc có phần lưỡi hơi cong, phần cán được làm bằng ống tre già, dài chừng 1 m, ruột rỗng nhỏ đút vừa ngón tay cái. “Tài liệu mang cho bộ đội cuộn lại nhét vào đó. Nhiều lần tụi nó gặp tau, khám người không phát hiện được gì. Nó không thể biết được đâu”, già làng Năm Nổi cười nói.

"Lúc trẻ, già làng Tơ Tơ là một “mãnh thú” của rừng, gan dạ, không sợ cọp, cũng không sợ quân giặc, là một anh hùng của bà con. Chính nhờ có già mà tất cả bà con trong làng đều một lòng đi theo cách mạng. Bây giờ, già làng lại ra sức bảo tồn các giá trị văn hóa của làng, sát cánh cùng chính quyền tổ chức tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước cho bà con… Nếu mỗi làng dân tộc mà có một già làng như Năm Nổi thì tốt biết mấy”, bà Phan Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lý.

Nghe danh đã lâu nên tôi ngỏ ý muốn được xem ông biểu diễn bài quyền đả hổ. Già làng không nói gì, cầm cây xà gạc bước xuống sân. Và, chỉ vài giây sau, trước mặt tôi không còn ông già 84 tuổi nữa mà là một người đàn ông tráng kiện. Ông biểu diễn bài quyền bằng những động tác uyển chuyển, mềm mại như múa, biến hóa vi diệu. Vài phút sau, ông ngừng tay. Tôi thấy sắc mặt ông không thay đổi, chỉ có vầng trán lấm tấm mồ hôi và hơi thở mạnh hơn. Điều đó chứng tỏ, sức khỏe của ông còn khá tốt. “Bây giờ thú rừng ít lắm, có cũng không được săn bắn đâu. Nhưng cái này đã gắn bó với người Châu Ro từ bao đời nay. Cho nên, mình phải giữ để cho con cháu biết tổ tiên mình thôi”, già làng nói.

Trong số những kỷ vật thời kháng chiến, có lẽ, ghi công nhiều nhất là những mũi tên tẩm độc. Già làng bảo, thời Pháp, súng của mình ít lắm. Cho nên, phải dùng loại vũ khí truyền thống này. Chỉ bó tên treo tòng ten trên vách, già làng bảo mũi tên đó ngày xưa đã giết hàng trăm tên giặc, chúng được tẩm một loại chất độc pha chế từ mấy loại lá rừng. Nhưng chỉ mình ông biết công thức pha chế và giải độc. Tôi hỏi: “Già có nhớ đã giết bao nhiêu tên không?”, già lắc đầu: “Nhiều lắm, không nhớ hết được”.

Hai vợ chồng già làng Năm Nổi là người biết nhiều truyện cổ tích, thần thoại của người Chơ Ro nhất hiện nay. Không chỉ thế, hai ông bà còn biết làm và chơi giỏi những nhạc cụ dân tộc như đàn môi, đàn lá, đàn Gonk’ka, hát những bài dân ca truyền thống dân tộc mình. “Đám trẻ bây giờ không còn thích mấy thứ này nữa. Tau buồn lắm. Phải cố mà giữ thôi”, già nói.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm