| Hotline: 0983.970.780

Huyền thoại Ngũ Chỉ Sơn

Thứ Năm 13/02/2014 , 10:56 (GMT+7)

Chỉ những khi trời thật trong người ta mới nhìn thấy những đỉnh núi của dãy Ngũ Chỉ Sơn xanh biếc như năm ngón tay chỉ thẳng lên trời. Một dãy núi độc nhất vô nhị đối diện đỉnh Phan Si Păng quanh năm mây phủ. Giấu trong mình nó là những huyền thoại về sự khai sinh lập địa trên mảnh đất này...

Chỉ những khi trời thật trong người ta mới nhìn thấy những đỉnh núi của dãy Ngũ Chỉ Sơn xanh biếc như năm ngón tay chỉ thẳng lên trời. Một dãy núi độc nhất vô nhị đối diện đỉnh Phan Si Păng quanh năm mây phủ. Giấu trong mình nó là những huyền thoại về sự khai sinh lập địa trên mảnh đất này...

Bà Thào Thị Vĩ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tả Giàng Phình (Sa Pa, Lào Cai), dẫn chúng tôi tới thăm gia đình cụ Sùng Thị Khu. Cụ Khu là người già nhất xã Tả Giàng Phình năm nay bước vào tuổi 113, nhà cụ ở thôn Sín Chải, nằm ngay dưới chân dãy Ngũ Chỉ Sơn.


Núi Ngũ Chỉ Sơn ẩn khuất trong mây mù

Sa Pa vừa trải qua trận mưa tuyết khủng khiếp, cả cánh đồng Tả Giàng Phình trắng màu tuyết phủ, nhìn lên dãy núi Ngũ Chỉ Sơn tuyết trắng như dát bạc. Sống hơn trăm năm trên mảnh đất này cụ Khu hiếm thấy những trận mưa tuyết sớm và kéo dài như trận mưa tuyết vừa qua. Cụ lẩm nhẩm, lục tìm trong trí nhớ của mình: Trên các đỉnh núi Ngũ Chỉ Sơn năm nào cũng có băng tuyết, mưa tuyết trước Tết như năm nay thì không nhiều đâu, mẹ chỉ thấy hai ba lần thôi... Cụ Khu ngước đôi mắt mờ đục nhìn về phía núi Ngũ Chỉ Sơn, bà Thào Thị Vĩ bảo: Người Mông gọi là Cù Dịa Dia, nghĩa là những đỉnh núi dựng bằng đá...


Cụ Sùng Thị Khu và bà Thào Thị Vĩ kể huyền thoại núi Ngũ Chỉ Sơn

Truyền thuyết kể rằng: Từ thời khai sinh lập địa trên mảnh đất này bỗng dưng xuất hiện một vị thần khổng lồ từ đâu tới. Với thân hình vạm vỡ, ngực của vị thần nở như hai trái núi, bắp tay cuồn cuộn, chân bước tới đâu khiến mặt đất rung rinh lún cả chục mét. Vị thần ngày đêm san đất làm ruộng nương, đắp núi đào sông... dãy núi vị thần đắp ngày qua ngày vượt lên chín tầng mây sắp chạm tới mái nhà trời. Ngọc Hoàng thấy thế thì giận lắm, bèn sai thần sấm, thần sét xuống đánh phá dãy núi của vị thần kia.

Trời làm mưa như trút nước suốt bảy ngày bảy đêm, sấm sét vang trời, đất đá nổ ầm ầm, mặt đất rung chuyển như con lắc. Đến ngày thứ bảy thì thần sấm thần sét kiệt sức phải quay về chịu tội với Ngọc Hoàng vì không san bằng được dãy núi. Dãy núi bị đánh nham nhở nhưng không gục ngã, năm ngọn núi như năm ngón tay của vị thần chĩa thẳng lên trời như thách thức với trời xanh. Nuốt nỗi uất giận, năm nào Ngọc Hoàng cũng làm mưa làm gió, sai thần sấm thần sét đánh xuống dãy núi.

Cụ Khu lắc đầu: Tháng chín năm ngoái lũ quét ở thôn ở Can Hồ A, mẹ không đến được chỉ nghe con cháu nói lại thôi, sống hơn một trăm năm, đời mẹ chứng kiến ba trận lở núi, hai trận lở núi Ngũ Chỉ Sơn và một trận lở núi ở thôn Mống Súa làm nhiều người chết lắm...

Bà Thào Thị Vĩ nắm tay cụ Khu bảo: Con nghe các cụ kể lại: Vị thần ấy thấy đất ở đây không được bằng phẳng như đất dưới xuôi, thương người dân sống ở đất này nên mới mượn con trâu của nhà trời xuống bừa, san chỗ đất cao xuống nơi đất thấp. Đang san dở thì trời sáng phải mang trâu trả nhà trời. Năm ngọn núi nhô lên là chỗ đất của năm chiếc răng bừa còn lại. Có phải như thế không hả cụ? Cụ Khu không đáp chỉ chớp chớp đôi mắt mờ đục nhìn ra ngoài trời...

Thung lũng Tả Giàng Phình nằm dưới chân núi Ngũ Chỉ Sơn, tiếng Mông đọc đúng là Thải Giàng Phình, nơi đây quanh năm chìm ngập trong mây mù. Khi mặt trời chọc thủng lớp mây mù chiếu xuống thung lũng mờ sương, ánh sáng tạo thành hình nan quạt sáng lóng lánh, những tia sáng mặt trời như dệt bằng kim tuyến. Thải Giàng Phình có nghĩa thung lũng ánh sáng, cũng có nghĩa là thung lũng bằng phẳng. Nơi đây từng là sào huyệt của trùm phỉ Giàng A Di.

Tả Giàng Phình với địa hình núi non hiểm trở, phía Đông giáp Bát Xát, phía Tây giáp Lai Châu, từ đây xuống Sa Pa khoảng ba chục cây số, đám tàn phỉ do Giàng A Di cầm đầu đã chọn Tả Giàng Phình là sào huyệt cuối cùng của mình.

Bà Thào Thị Vĩ kể rằng: Bố tôi là Thào A Su, trước đây làm Phó Chủ tịch UBND lâm thời khu Sa Pả, gồm 4 xã: Tả Giàng Phình, Bản Khoang, Sa Pả và Tả Phìn. Giàng A Di dọa chém đầu tất cả những ai không theo chúng, đó là chính sách phỉ hoá toàn dân. Chúng mổ trâu uống máu ăn thề, 8 người dân ở đây không theo đã bị chúng giết. Bố tôi bị chúng lùng bắt, nhưng đã chạy thoát, ông dẫn bộ đội về đây tiêu diệt chúng, phải mấy năm trời mới bắt được Giàng A Di, nhiều người đã hy sinh vì bọn chúng. Năm ấy là năm 1958, khi đó tôi mới 6 tuổi theo anh trai về Sa Pa xem xử bắn tên Di...

Đỉnh cao nhất của dãy Ngũ Chỉ Sơn cao hơn 3.000 m, đứng thứ hai sau đỉnh Phan Si Păng. Rất ít người chinh phục cả 5 đỉnh núi, bởi các đỉnh núi dốc dựng đứng toàn đá, ngay người dân Tả Giàng Phình cũng không mấy ai leo lên các đỉnh núi đó, chỉ sểnh chân là mất mạng như chơi. Chủ tịch xã Thào A Lờ cũng chỉ vượt qua con đường vắt qua dãy núi sang Lai Châu có hai lần. Anh bảo: Đường lên núi Ngũ Chỉ Sơn dốc chạm cằm, càng lên cao đường càng dốc, chỉ những người dân trồng thảo quả mới đi qua con đường đó...

Theo Chủ tịch xã Thào A Lờ, Tả Giàng Phình hiện có 280 ha thảo quả, nhưng diện tích trồng trên núi Ngũ Chỉ Sơn khoảng 112 ha, chiếm 40% diện tích, phần lớn người dân trồng từ độ cao 2.000 m trở xuống, bởi trên cao đất dốc lại toàn đá cây rừng chủ yếu là cây bụi, không thể trồng được thảo quả. Vì thế Ngũ Chỉ Sơn càng trở nên huyền bí.

Bà Thào Thị Vĩ dẫn tôi lên thôn Suối Thầu 2 giáp chân Ngũ Chỉ Sơn, trời lạnh lắm, hơi lạnh như tuôn ra từ trong các hốc núi. Cánh đồng đã qua mùa gặt, rau khúc trắng như phủ tuyết lấm tấm hoa vàng.


Thôn Suối Thầu 2

Bà Vĩ cho hay: Cánh đồng Tả Giàng Phình chỉ cấy được một vụ, trước đây cấy giống lúa địa phương dài tới sáu tháng trời, những gia đình nào cấy sau tháng tư thì chẳng được thu hoạch. Tháng mười khi trời trở rét cây lúa cứ đứng chỏng trơ không chịu ra bông, bây giờ cấy các giống lúa mới ngắn ngày thì không còn lo “lúa đứng” nữa. Tuy nhiên, chẳng ai dám cấy sau tháng sáu, tất cả đều cấy vào tháng tư, tháng năm.

Nhìn cánh đồng toàn đá, đá được người dân nhặt xếp thành đống như những ngôi nhà bên bờ ruộng đủ thấy đá ở đây nhiều đến mức nào. Tuy vậy cánh đồng này từng chứng kiến máy bay của Pháp thả vũ khí, lương thực giúp đám tàn phỉ Giàng A Di khi chúng lấy núi Ngũ Chỉ Sơn làm nơi ẩn náu.


Người dân lấy củi trên núi Ngũ Chỉ Sơn để chống chọi với giá rét


Sưởi nắng

Năm 2010 một người dân ở thị trấn Sa Pa đã tận dụng nguồn nước lạnh chảy từ dãy Ngũ Chỉ Sơn xuống xây dựng trang trại nuôi cá hồi, cá tầm.


Trang trại cá hồi, cá tầm dưới chân núi Ngũ Chỉ Sơn

Xã phải họp nhiều lần với người dân họ mới chịu nghe, bởi người ta lo ngại trang trại cá sẽ chặn hết nguồn nước thì người dân không còn nước để cấy lúa và sinh hoạt. Bà Vĩ cười bảo: Bây giờ thì người dân đã hiểu ra rồi, đưa cái mới vào vùng đất này không dễ dàng đâu...

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm