| Hotline: 0983.970.780

JICA hỗ trợ 150 triệu đồng/HTX nâng cao chuỗi giá trị cây trồng an toàn

Thứ Năm 16/03/2023 , 17:51 (GMT+7)

JICA sẽ hỗ trợ 100% chi phí hoạt động dự án là 150 triệu cho mỗi hợp tác xã (HTX) nhằm thực hiện thử nghiệm khuyến nông.

Ngày 16/3, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Kỳ họp Ban điều phối chung lần thứ nhất Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam”.

Năm 2022, Bộ NN-PTNT và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký kết thoả thuận thực hiện dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn cho các tỉnh phía Bắc Việt Nam” (gọi tắt là Dự án). Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là đơn vị chủ trì triển khai thực hiện.

Kỳ họp Ban điều phối chung lần thứ nhất dự án 'tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía bắc Việt Nam' ngày 16-3. Ảnh: Linh Linh.

Kỳ họp Ban điều phối chung lần thứ nhất dự án “tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía bắc Việt Nam” ngày 16-3. Ảnh: Linh Linh.

Ông Tô Việt Châu, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, dự án này đã tiếp nối kết quả của các dự án trước, đặc biệt là pha 2 "Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc”.

Dự án triển khai có nhiều đổi mới về mặt thiết kế, đó là cách tiếp cận xây dựng chuỗi giá trị trong đó có tác nhân tham gia trong chuỗi là hợp tác xã, hệ thống khuyến nông. Bên cạnh việc nâng cao năng lực cho HTX, dự án còn nâng cao năng lực cho các cán bộ khuyến nông và các bên tham gia trong chuỗi giá trị cây trồng an toàn. Đây là cách tiếp cận mang tính bền vững nhằm đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức chuyên môn và các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu tăng cường năng lực thực thi nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ông Kubo Yoshitomo, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết, cuộc họp Ban Điều phối chung lần thứ nhất này, chúng ta sẽ cùng nhìn lại các hoạt động đã triển khai, các kết quả đã đạt được trong một năm qua, thảo luận kế hoạch hoạt động trong thời gian tới, cũng như đưa ra các khuyến nghị để dự án được triển khai thuận lợi, hiệu quả.

Về tổng quan, đại diện Ban Quản lý Dự án Trung ương cho biết dự án Pha 3 được triển khai sau khi nhận thức người nông dân có nhận thức về rau an toàn, sơ bộ thị trường có chuỗi cung ứng rau ăn toàn, có HTX nhận thức vấn đề kỹ thuật. Dự án tập trung tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn trong 4 năm (2022-2026), với bên hưởng lợi trực tiếp là các cán bộ nông nghiệp, khuyến nông và các HTX mục tiêu của 7 vùng dự án (Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương, Sơn La).

Chia sẻ về ngân sách dự án, đại diện nhóm Chuyên gia ngắn hạn của JICA cho biết, cơ quan này sẽ hỗ trợ 100% chi phí hoạt động dự án là 150 triệu cho mỗi tỉnh nhằm thực hiện thử nghiệm khuyến nông. Năm 2024, JICA sẽ hỗ trợ 50% chi phí để các HTX phát triển mô hình và ở giai đoạn cuối nhân rộng mô hình, việc thực hiện sẽ dùng kinh phí khuyến nông thường xuyên của mỗi tỉnh.

Ông Kubo Yoshitomo, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam (ngoài cùng bên phải) cùng các chuyên gia quản lý dự án của JICA. Ảnh: Linh Linh. 

Ông Kubo Yoshitomo, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam (ngoài cùng bên phải) cùng các chuyên gia quản lý dự án của JICA. Ảnh: Linh Linh. 

Ông Yoshitomo cho biết, JICA hiểu rằng nền nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam và có đóng góp lớn cho tăng truỏng kinh tế và kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài. Chính vì vậy, JICA mong muốn khi triển khai dự án, HTX được tiếp nhận kiến thức, nâng cao nhận thức từ đó thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm của mình.

“Sau khi hoàn thành dự án, chúng tôi kỳ vọng các HTX mục tiêu hiểu được tầm quan trọng của các tiêu chí an toàn trong đó có tiêu chí về VietGAP, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và nắm bắt cơ hội để xuất khẩu sản phẩm của mình ra nước ngoài”, ông Yoshitomo kỳ vọng.

Trao đổi bên lề cuộc họp, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định sự hỗ trợ của JICA là một nguồn lực quý giá để dự án đi vào thực tiễn.

Ông Thanh cũng nhấn mạnh rằng việc lựa chọn các HTX mục tiêu để triển khai dự án mang tính chất quyết định vì hướng tiếp cận này dựa trên tính quy mô, liên kết sản xuất theo một tiêu chuẩn nhất định.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định việc hợp tác với Nhật Bản để triển khai dự án có ý nghĩa quan trọng khi lực lượng chuyên gia của Nhật thường xuyên làm việc trực tiếp cùng các chuyên gia khuyến nông quốc gia, Ban quản lý cấp tỉnh và lực lượng khuyến nông địa phương tại hiện trường, tạo cơ hội tương tác, trao đổi, học tập, tăng cường năng lực lẫn nhau nhằm hoàn thành mục tiêu dự án.

"Kỳ vọng của chúng tôi với dự án rất lớn, việc hình thành chuỗi sản xuất chỉ là bề nổi, chúng tôi thực sự mong muốn việc tăng cường năng lực của HTX đi vào bản chất. Những HTX đã thực hiện dự án sẽ là nguồn động lực, khởi nghiệp thành công, được chuyên nghiệp hóa, có khả năng đáp ứng mọi biến động và yêu cầu của thị trường”, ông Thanh kỳ vọng.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.