| Hotline: 0983.970.780

Kết luận vụ chính quyền xã “ăn” cây giống, phân bón

Thứ Tư 17/09/2014 , 08:13 (GMT+7)

Theo kết luận, UBND xã Việt Tiến thực hiện sai kế hoạch, tự ý mở rộng quy mô trồng ớt sang hai thôn 9, 10, quyết toán vượt 14.245 m2 so với diện tích thực trồng. / Chính quyền xã “ăn” phân bón, cây giống?!

Báo NNVN số ra ngày 7-8/2014 đăng hai bài “Chính quyền xã “ăn” cây giống, phân bón…”, phản ánh nhiều việc làm sai trái ở xã Việt Tiến (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng). Mới đây, UBND huyện Vĩnh Bảo đã có kết luận thanh tra số 793 về vụ việc này.

Theo kết luận, UBND xã Việt Tiến thực hiện sai kế hoạch, tự ý mở rộng quy mô trồng ớt sang hai thôn 9, 10, quyết toán vượt 14.245 m2 so với diện tích thực trồng. Các hộ có diện tích trong vùng quy hoạch nhưng không trồng tại thôn 5 là 1.838 m2, thôn 7 là 20.489 m2, UBND xã Việt Tiến vẫn đưa vào danh sách quyết toán hỗ trợ kinh phí.

Còn tại thôn 9 và thôn 10, hơn 20.000 m2 không nằm trong vùng quy hoạch nhưng lãnh đạo xã vẫn thực hiện việc hỗ trợ vật tư, phân bón và kinh phí giống ớt. Nghiêm trọng hơn, chính quyền xã Việt Tiến không hề tổ chức triển khai nghiệm thu diện tích trồng ớt thực tế.

Như vậy, việc người dân tố cáo UBND xã Việt Tiến khai khống diện tích trồng ớt để “ăn” tiền hỗ trợ của Nhà nước là hoàn toàn đúng.

Ngày 30/8/2013, UBND xã Việt Tiến tiến hành ký hợp đồng gieo ươm, cung cấp giống ớt VL-829F1 với Cty CP Nông nghiệp Sơn Tùng (Cty Sơn Tùng – Hải Phòng). Ngày 6/10/2014, xã tiếp tục ký hợp đồng mua phân bón của Cty CP Vật tư và xây dựng Hải Phòng. Đến ngày 31/12/2013 thì xã này chi trả 100% tiền mua phân bón và cây giống ớt cho 2 Cty trên.

Sau khi người dân tố cáo lên UBND huyện Vĩnh Bảo (ngày 7/2014), đại diện Cty Sơn Tùng và UBND xã Việt Tiến mới tổ chức gặp mặt và chi trả cho các hộ dân 42 triệu đồng. UBND huyện Vĩnh Bảo kết luận, việc chi trả tiền giống của UBND xã Việt Tiến trên diện tích bị khai khống, diện tích người dân không nhận giống là sai quy định.

 Số tiền UBND xã còn thiếu của người dân là 45.526.500 đồng. UBND huyện Vĩnh Bảo kết luận, việc người dân phản ánh chưa nhận đủ số tiền hỗ trợ là đúng.

Kết luận chung, UBND huyện Vĩnh Bảo cho rằng, UBND xã đã cơ bản thực hiện công khai cơ chế hỗ trợ cho nông dân, song tự ý mở rộng diện tích trồng ớt sang hai thôn 9, 10. Tuy nhiên, nếu như công khai thì tại sao sau gần 1 năm người dân mới biết mình được hỗ trợ?

Tiếp theo, UBND xã Việt Tiến đã không tổ chức đầy đủ cho các hộ dân trực tiếp ký nhận danh sách đăng ký trồng ớt và danh sách cấp cây giống, mà do người lập danh sách tự ý ký tên thay các hộ dân. Có nghĩa, chính quyền xã Việt Tiến đã “mạo” chữ ký của người dân để khai khống diện tích, “ăn” tiền hỗ trợ.

Để xảy ra hàng loạt sai phạm kể trên, trách nhiệm thuộc về UBND xã Việt Tiến, Ban chỉ đạo mô hình, HTXNN Việt Tiến. Chịu trách nhiệm chính là Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND, Chủ nhiệm HTXNN Việt Tiến, kế toán xã, thành viên ban chỉ đạo và các cán bộ liên quan…

UBND huyện Vĩnh Bảo đề nghị BCH Đảng ủy xã Việt Tiến, kiểm điểm nghiêm túc việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mô hình, đồng thời kiểm điểm, xử lý với những đảng viên vi phạm. Yêu cầu UBND xã Việt Tiến làm rõ trách nhiệm, xuất toán kinh phí hỗ trợ mô hình số tiền là 79.855.800 đồng, nộp về ngân sách Nhà nước.

Với các Phòng NN-PTNT, Tài chính kế hoạch, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Vĩnh Bảo, yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát mô hình tại xã Việt Tiến.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.