Ngày 20/11, Bộ NN-PTNT và Sở NN-PTNT 10 tỉnh, thành Đồng bằng sông Hồng gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình đã đồng tổ chức “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ Rau vụ đông các tỉnh Đồng bằng sông Hồng”.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình, tổng diện tích gieo trồng vụ đông tại địa phương này là hơn 5.000ha, trong đó nhiều nhất là rau đậu các loại với hơn 3.000ha.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình cho biết, đầu vụ đông năm nay, giá cả thị trường nông sản tăng cao so với cùng kỳ năm trước do mưa lớn đầu vụ, cây trồng bị ngập úng, chết nhiều. Dự kiến thời gian tới, điều kiện thời tiết ít mưa lớn hơn, cây trồng vụ đông phát triển tốt, sản phẩm rau vụ đông sẽ có giá cả ổn định hơn.
Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nam cho biết, tại địa phương, vụ đông sẽ mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Chính vì thế, tỉnh đang phát triển mạnh vụ sản xuất Năm 2021, với điều kiện thời tiết khá thuận lợi, tổng diện tích cây vụ đông tại Hà Nam đạt gần 10.000ha, trong đó rau, củ, quả là trên 4.500ha, sản lượng dự kiến 100.000 tấn. Sản phẩm chính của tỉnh là dưa chuột bao tử, bí xanh, bí đỏ… Đây đều là những sản phẩm đã được tỉnh liên kết theo chuỗi với nhiều doanh nghiệp lớn.
Về cây ăn quả, tỉnh Hà Nam có khoảng 6.000ha. Dự kiến đến Tết nguyên đán sẽ đạt sản lượng khoảng 40.000 tấn, gồm các loại chuối, bưởi…
Theo đó, ông Ngô Mạnh Ngọc đề nghị các doanh nghiệp, siêu thị, nhà hàng, hệ thống cửa hàng nông sản an toàn tại Hà Nội và các tỉnh quan tâm, kết nối thu mua nông sản thực phẩm sản xuất từ Hà Nam.
Còn tại Nam Định, bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, cho biết ngành nông nghiệp của địa phương có sự phát triển đồng đều cả về trồng trọt, chăn nuôi lẫn thủy sản.
Về sản xuất rau vụ đông 2021, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng với diện tích từ 11.000 ha trở lên với các cây trồng chủ lực có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như khoai tây, ngô, bí xanh, cà chua, khoai lang… rất phù hợp cho việc chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm.
Đại diện tỉnh Nam Định cho biết năng suất của hầu hết các loại cây trồng đều cao hơn cùng kỳ năm 2020; giá bán của nhiều loại nông sản đều tương đương, cao hơn cùng kỳ năm trước. Giá trị tổng sản phẩm ước đạt 1.018,1 tỷ đồng, bình quân 86,4 triệu đồng/ha.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định cho hay, hiện nay sức tiêu thụ của tỉnh Nam Định là 70%, 30% số nông sản còn lại sẽ phục vụ cho các tỉnh khác. Thông qua Hội nghị, tỉnh Nam Định mong muốn kết nối để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam biểu dương Ban điều hành Kết nối nông sản 970 đã tổ chức thành công phiên kết nối thứ 12 với sự tham gia nhiệt tình của các địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã.
“Tôi rất mong các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục tham gia. Đây không chỉ là diễn đàn kết nối nông sản mà còn là nơi trao đổi thông tin. Vụ đông là vụ quan trọng nhất của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng với sản lượng xấp xỉ 2 triệu tấn, chủ yếu là cây ngắn ngày. Rau củ vụ này rất ngon do hợp thổ nhưỡng”, Thứ trưởng Nam cho biết.
Thứ trưởng đặt vấn đề về tiêu thụ, làm sao để người tiêu dùng được thụ hưởng những sản phẩm chất lượng, người sản xuất được hưởng thành quả xứng đáng. Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đềg nghị xây dựng chương trình kết nối nông sản an toàn vụ đông tới các trang trại, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho các khu công nghiệp một cách an toàn, bền vững.