Nông sản Việt đạt chất lượng quốc tế
Chia sẻ tại “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ Rau vụ đông các tỉnh Đồng bằng sông Hồng” do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức ngày 20/11, ông Trần Phương Minh, Giám đốc bộ phận Xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Thagri cho rằng, hiện nay, tiềm năng của thị trường của Việt Nam còn rất lớn. Mặc dù trong 2 năm gần đây vấn đề logistics gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng mức tăng trưởng hơn 15% vẫn là con số rất khả quan và hứa hẹn còn nhiều cơ hội cho xuất khẩu trong thời gian tới.
Cũng theo ông Minh, các sản phẩm nông sản của Việt Nam đã đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm… của các nước nhập khẩu, thậm chí là các thị trường khó tính như EU…
Còn theo bà Nguyễn Thị Lê Na, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp sinh thái Ecovi, xu hướng và nhu cầu của thị trường về nông sản sinh thái đang tăng cao, không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Theo đó, đại diện Công ty Ecovi cho biết đơn vị sẵn sàng hỗ trợ nông dân và kết hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã làm nông nghiệp sinh thái.
“Hiện nay, một số hộ nông dân trên Hòa Bình đang cùng Ecovi chuyển đổi 200 ha cam sinh thái từ mô hình VietGAP và GlobalGAP. Tuy nhiên, việc chuyển đổi là không hề dễ và phải làm từng bước một”, bà Nguyễn Thị Lê Na chia sẻ.
Đồng tình với những ý kiến tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Nutrimart nhận định, nông sản của bà con nông dân hiện nay đã cải thiện được chất lượng.
“Tuy nhiên các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta vẫn còn yếu về khâu sơ chế, đóng gói do số lượng các cơ sở này rất ít. Từ kinh nghiệm xuất khẩu và bán lẻ nhiều năm qua, tôi cho rằng các địa phương cần đầu tư hơn và sơ chế, đóng gói hoặc tốt hơn là chế biến sâu để đáp ứng được tiêu chuẩn cho các nhà mua”, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng phân tích.
Theo lãnh đạo Nutrimart, các địa phương có thể nghiên cứu, xem xét để đưa các hệ thống sơ chế, đóng gói về cấp HTX, từ đó hỗ trợ nông dân trong khâu này. Khi hệ thống sơ chế, đóng gói được đầu tư, bà Hằng cam kết Nutrimart sẽ ưu tiên cho hàng hóa của các hệ thống sản xuất vừa và nhỏ cũng như các HTX, các hộ nông dân trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh thị trường nội địa
Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc Khu vực miền Bắc của Saigon Co.op chia sẻ, 5 giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa. Đó là: Thông tin và tuyên truyền vận động; kết nối doanh nghiệp với thị trường tiêu thụ; nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; triển khai các chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam và tham gia bình ổn thị trường.
Theo ông Liêm, tại gần 1.000 điểm bán trong hệ thống của Saigon Co.op, với mặt hàng rau củ quả, hàng Việt Nam chiếm toàn bộ 100%. Mỗi ngày hệ thống tiêu thụ gần 500 tấn hàng nông sản. Với xu hướng người tiêu dùng chuyển dịch từ chợ truyền thống sang siêu thị ngày càng lớn, đây là cơ hội để hàng nông sản Việt tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng trong nước.
Tại các tỉnh phía Bắc, nhất là các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, những năm gần đây, Saigon Co.op tập trung công tác thu mua nông sản vụ đông tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng bằng hình thức khai thác trực tiếp từ vùng trồng hoặc thông qua các HTX lớn trong khu vực để cung ứng cho thị trường 3 miền.
Đứng ở vai trò của nhà phân phối, ông Lê Văn Liêm đưa ra 4 yêu cầu đối với các sản phẩm nông sản. Thứ nhất, sản phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và an toàn thực phẩm, về mẫu mã, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn.
Thứ hai, sản phẩm phải được kiểm soát tiêu chuẩn từ vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ. Thứ ba là áp dụng quy trình kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, bảo quản sau thu hoạch, sơ chế và bao gói, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc tiện lợi. Thứ tư là có sự liên kết các vùng trồng để xác định khả năng cung ứng, thị trường tiêu thụ, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp.
Saigon Co.op có một tổng kho phân phối tại Bắc Ninh nhằm đối lưu hàng hoá giữ các vùng miền. Mỗi năm, hệ thống siêu thị cũng liên kết để tiêu thụ gần 1.000 tấn rau, củ quả như cà rốt, khoai tây, su hào, bắp cải, rau ăn lá của các tỉnh trong vụ đông.