| Hotline: 0983.970.780

Kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư nuôi biển

Thứ Năm 09/12/2021 , 09:54 (GMT+7)

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng các doanh nghiệp sẽ góp phần xây dựng hệ sinh thái nuôi biển đảm bảo bền vững tại vùng khơi, vùng động và vùng bờ.

Ngành nuôi biển của Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng còn nhiều hạn chế. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngành nuôi biển của Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng còn nhiều hạn chế. Ảnh: Tùng Đinh.

Đầy tiềm năng nhưng còn nhiều hạn chế

Với chiều dài bờ biển 3.260 km và trên 1 triệu km2 mặt nước biển, Việt Nam là một đất nước có tiềm năng, lợi thế lớn về nuôi thủy sản biển. Tuy nhiên hiện nay, lĩnh vực nuôi biển của Việt Nam còn phát triển một cách khiêm tốn.

Tính đến năm 2020, Việt Nam chỉ có 65.000 ha và 7,5 triệu m3 lồng nuôi thủy sản trên biển, sản lượng đạt 600.000 tấn. Đến năm 2021, Việt Nam có 70.000 ha và 7,8 triệu m3 lồng, sản lượng đạt 650.000 tấn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Việt Nam có tiềm năng, lợi thế về nuôi biển rất lớn nhưng việc triển khai còn nhiều hạn chế. “Một trong những nhiệm vụ mà Bộ NN-PTNT, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ cùng các bộ ngành, các địa phương, phát huy lợi thế về nuôi biển trong thời gian tới. Mục đích chính là tăng sản lượng nuôi trồng lên 7 triệu tấn từ nay đến năm 2030”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Để phát huy lợi thế kinh tế biển nói chung, Trung ương đã có Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đối với lĩnh vực nuôi biển, Nghị quyết nêu rõ phải tiến hành nuôi biển và khai thác theo hướng công nghiệp hóa với công nghệ cao.

Để thể chế hóa Nghị quyết số 36, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Phạm Hiếu.

Quyết định đưa ra mục tiêu từ nay đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850.000 tấn, xuất khẩu đạt từ 0,8 - 1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 1,8 - 2 tỷ USD.

Với Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 về quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, cho đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ NN-PTNT và các địa phương triển khai việc giao mặt nước biển một cách thuận lợi hơn. Các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã khẳng định mặt nước biển được giao có giá trị như sổ đỏ trên đất liền. Đây là môi trường thuận lợi để ngành thủy sản khai thác trên 1 triệu km2 mặt nước biển”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Thu hút những cánh chim đầu đàn

Trong thời gian vừa qua, ngành nuôi biển của Việt Nam được phát triển theo hướng tự phát với mật độ nuôi dày; không có sự kiểm soát giống, môi trường, dịch bệnh; thức ăn chăn nuôi cũng chưa thực sự phù hợp với từng loài, từng giai đoạn để đảm bảo sinh trưởng, sinh sản. Qua đó dẫn đến việc hiệu quả nuôi biển của Việt Nam còn thấp, chưa xứng tầm với những tiềm năng, lợi thế vốn có.

Theo đó, để có thể phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đồng bộ những cơ chế, chính sách về tín dụng, bảo hiểm, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, sơ chế-  chế biến.

“Chúng ta cũng cần kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nuôi biển. Họ sẽ là những cánh chim đầu đàn để doanh nghiệp khác cũng như các địa phương bay theo. Từ đó, chúng ta sẽ có một hệ sinh thái nuôi biển cả vùng khơi, vùng lộng và vùng bờ đảm bảo bền vững; đồng thời khơi thông được nguồn lực trong giai đoạn tới để ngành thủy sản Việt Nam có vị thế lớn trên khu vực và quốc tế”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định.

Bên cạnh đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc, triển khai mã số vùng nuôi để phục vụ cho xuất khẩu thủy sản cũng là vấn đề quan trọng. Hiện nay, Việt Nam đã thực hiện 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới để tham gia vào chuỗi phân phối của thế giới.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nuôi biển. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nuôi biển. Ảnh: Tùng Đinh.

Đến thời điểm hiện tại, xuất khẩu nông sản đã đạt 43,5 tỷ USD. Nếu tháng 12, giá trị xuất khẩu đạt hơn 4,1 tỷ USD như tháng 11 thì năm 2021, Việt Nam sẽ có giá trị xuất khẩu nông sản khoảng 47 tỷ USD.

Trong lĩnh vực thủy sản, Việt Nam đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Châu Âu, Hoa Kỳ… Một yêu cầu bắt buộc của thị trường, nếu ngành thủy sản muốn vươn ra thế giới, muốn xuất khẩu sản phẩm nuôi biển thì phải có mã số vùng nuôi.

“Trong thời gian qua, chúng ta đã có nhiều mô hình có mã số vùng nuôi như vùng nuôi ngao tại Nam Định với công nghệ gần như hiện đại nhất thế giới, xuất đi rất nhiều thị trường; hay như các doanh nghiệp nuôi biển tại Khánh Hòa xuất đi Hoa Kỳ. Sắp tới Bộ NN-PTNT rất mong muốn các cơ quan truyền thông cùng phối hợp để lan tỏa những mô hình này để chúng ta có những truy xuất mang tính đồng bộ và quy mô lớn hơn, để sản lượng xuất khẩu thủy sản tăng cao hơn”, Thứ trưởng Tiến chia sẻ.

Đã đến lúc từ bỏ nguồn thức ăn từ cá tạp

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, mỗi năm Việt Nam bỏ ra trên dưới 6 tỷ USD để nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Tại các nước phát triển mạnh về thức ăn chăn nuôi, những nguyên liệu như ngô, đỗ tương… được trồng, canh tác với quy mô lớn, ứng dụng giống biến đổi gen đã mang lại năng suất cao.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cần phải thấy rằng, thứ nhất cần có những giải pháp trong các đề án của cả chăn nuôi và thủy sản để giảm áp lực về chi phí thức ăn chăn nuôi cũng như chi phí logisics.

Thứ hai, một khi đã vào sân chơi chung của thế giới, Việt Nam cần phải chấp nhận giá thức ăn, nguyên liệu thức ăn, chi phí vận tải, logistics tăng cao theo xu thế toàn cầu.

“Vấn đề đặt ra là cần làm sao để nâng cao năng suất nuôi biển và đi theo một hệ thống tuần hoàn khép kín để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Không lý do gì để chúng ta đã ra biển mà lại không bơi được. Đã ra biển là phải biết bơi, thậm chí phải biết bơi trước đã”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Cần nâng cao năng suất nuôi biển và đi theo một hệ thống tuần hoàn khép kín. Ảnh: Tùng Đinh.

Cần nâng cao năng suất nuôi biển và đi theo một hệ thống tuần hoàn khép kín. Ảnh: Tùng Đinh.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, một trong 3 yếu tố để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nuôi biển là thức ăn dinh dưỡng. Tuy Việt Nam đã có một số công thức cho thức ăn nuôi biển nhưng để giải quyết nhu cầu thức ăn theo hướng nuôi công nghiệp, ngành thủy sản không được tiếp tục sử dụng cá tạp, gây ô nhiễm môi trường.

“Với giống tốt, thức ăn đảm bảo thì thủy sản nuôi biển sẽ sinh trưởng với tốc độ nhanh, tiêu tốn ít thức ăn, đồng thời sơ chế - chế biến với công nghệ cao. Đó chính là nâng cao sức cạnh tranh của ngành nuôi biển nói riêng và thủy sản nói chung khi tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm của thế giới”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Với phong trào tự phát, từ trước đến nay, việc sử dụng công cụ lồng bè cũng như vật liệu nuôi biển của người dân còn mang tính tận dụng, vật liệu xốp còn được sử dụng nhiều.

Trên cơ sở kế thừa của các nước khác, hiện nay Việt Nam đã có những hệ thống, thiết bị, lồng nuôi biển bằng chất liệu HDPE tương đối tốt như nhiều mô hình ở Khánh Hòa, Kiên Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất