| Hotline: 0983.970.780

Khai thác cát tràn lan, thượng nguồn sông Sài Gòn tan nát

Thứ Tư 12/06/2019 , 08:55 (GMT+7)

Chưa có con số thống kê chính xác, nhưng chắc chắn đã có hàng trăm mét đất, hàng ngàn cây trồng trôi tuột xuống sông do tàu hút cát gần bờ, gây sạt lở.

Tình trạng này vẫn đang diễn ra hàng ngày tại khu vực đầu nguồn sông Sài Gòn, nơi giáp ranh giữa huyện Hớn Quản của tỉnh Bình Phước và huyện Tân Châu của tỉnh Tây Ninh.
 

2 bờ sông nát như tương

Có mặt ở khu vực bờ sông thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản vào lúc mực nước sông rút thấp, phía bờ đối diện là xã Tân Hòa của huyện Tân Châu, chúng tôi không khỏi tiếc nuối khi thấy 2 bên bờ sông sạt lở từng mảng lớn, loang lổ, nhiều đoạn sạt lở dài cả cây số.

Những chiếc ghe đang cắm vòi rồng xuống sông hút cát, có đoạn sông tập trung 4 chiếc ghe đậu song song.

Không biết đã có bao nhiêu diện tích vườn cây phía trên trôi xuống lòng sông, và hiện tại, còn bao nhiêu diện tích vườn khác sắp sửa nối gót trôi xuống sông?

“Mỗi khi mùa mưa đến, chúng tôi lại xót xa khi nhìn dòng sông cuồn cuộn chảy, đục ngầu vì đất 2 bên bờ lở từng mảng, hòa tan trong nước.

Sau khi mưa tạnh, lại thấy nhiều đoạn bờ sông bị khoét hàm ếch, có chỗ thẳng đứng. Nhiều người mất hàng trăm mét đất vườn rồi. Đáng nói là họ khai thác bất kể vị trí. Và không hề thả phao cảnh báo vị trí khai thác, nhằm nhập nhèm vị trí, ranh giới”, ông H., người dân xã Tân Hiệp nói với chúng tôi.

Dưới lòng sông, ghe hút cát đang hoạt động hết công xuất, những chiếc vòi rồng cắm xuống lòng sông, hút mạnh, rồi phun lên trên mặt nước 1 dòng nước đục ngầu.

Cách lòng sông không xa, ngay phía trên bờ, thuộc ấp Bàu Lung, xã Tân Hiệp, 2 bãi tập kết cát khổng lồ của Cty TNHH MTV SXTM P.T. (Cty P.T) cách nhau không xa, có tổng diện tích khoảng gần 2ha, đã được san ủi phẳng. Trên đó, những đụn cát trắng như quả đồi nhỏ nhấp nhô. Quan sát một hồi bãi tập kết cát, thấy khung cảnh khẩn trương, nhộn nhịp như một “đại công trường”.

Những chiếc xe tải cần mẫn bò vào bãi, rồi dừng lại, há miệng thùng chờ cần cẩu ngoạm từng gầu cát to thả lên. Khi “no bụng”, xe lại từ từ bò ra, nhường chỗ cho xe khác bò vào. Nhìn toàn cảnh khu vực này từ xa, thấy những bãi tập kết cát trắng ngà xen trong màu xanh cây cỏ khiến cả một vùng loang lổ trắng xanh.

Những đại công trường trên bờ sông.

Theo chiếc ghe di chuyển dọc bờ sông một đoạn, chúng tôi tiếp tục thấy một bãi tập kết cát khác nằm trên địa phận xã Tân Hòa, huyện Tân Châu.

Tại đây, khung cảnh cũng nhộn nhịp không kém các bãi trước. Anh B., người dân xã Tân Hiệp, sống tại khu vực đầu nguồn sông Sài Gòn từ 30 năm nay, và mưu sinh bằng nghề kéo vó, thả lưới trên sông, cho biết, mỗi khi ra sông kéo vó hay thả lưới là anh phải canh chừng anh suốt từ đầu đến khi thu lưới về chứ không dàm thả lưới để đó đi về như ở các vùng sông khác. Nếu không canh, chỉ cần chiếc tàu cát chạy qua, là mất trắng cả tay lưới, hư cả vó.

“Lúc chưa có vụ hút cát này, mấy chục hộ dân ở đây sống khỏe bằng nghề chài lưới, kéo vó trên sông, ngày cũng kiếm vài trăm ngàn. Ngày xưa ở sông Sài Gòn có rất nhiều cá đặc sản như lăng vàng, chạch lấu, cá trèn…chúng tôi bắt được cá lăng 5 - 7kg là chuyện thường. Từ khi tàu cát đến đây, bà con ngư dân thất thu nặng, nhiều người gác lưới, bỏ đi tìm việc khác làm.

Các anh thấy đấy, nước sông đục ngầu, lại dính cả dầu máy bơm, rồi cứ ì ầm suốt ngày như vậy, cá nào ở được? Ấy là chưa nói đến việc sạt lở, cả đất lẫn cây trồng cứ tuột dần xuống sông”, anh B. nói.
 

Nhập nhèm giấy phép

Theo tìm hiểu của phóng viên, cuối năm 2017, Cty P.T được UBND tỉnh Bình Phước cấp phép khai thác cát xây dựng khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn thuộc địa phận các xã Minh Đức, Đồng Nơ, Tân Hiệp của huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Trên địa phận tỉnh Tây Ninh, Cty P.T. cũng được Cty TNHH MTV Thủy lợi Dầu Tiếng chấp nhận cho sử dụng phần diện tích đất bán ngập trên địa bàn xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, để làm bãi tập kết, vận chuyển cát.

Sau khi được cấp phép, Cty P.T. không chỉ dốc toàn lực ra khai thác, mà còn thuê thêm những tàu khác bên ngoài đến hút phụ. Trên thực tế, chẳng ai biết, chẳng ai kiểm soát Công ty P.T. được cấp phép khai thác bao nhiêu khối 1 ngày, và giới hạn khu vực khai thác từ đâu đến đâu. Chỉ biết mỗi ngày, Cty P.T. huy động đội tàu thuyền lớn khoảng 10 chiếc đủ kích cỡ, hoạt động từ nửa đêm đến chiều tối.

Hai bờ đầu nguồn sông Sài Gòn sạt lở nghiêm trọng.

Anh Trần Q.T., sống ở ấp Bàu Lung, xã Tân Hiệp, cho biết, các ghe hút cát một thời gian thì nguồn cát giữa lòng sông cạn dần, các ghe hút bắt đầu dịch chuyển ra khu vực lân cận, và lấn vào 2 bờ sông, ngay sát vườn tược, gây sạt lở.

“Trong số các tàu hút cát thuê cho Cty P.T., có đội tàu 8 chiếc của ông T.L. làm mạnh nhất, họ cho ghe hút tiến sát vào bờ, sát vườn cao su, tràm nước của gia đình tôi để hút cát. Chưa được bao lâu thì khoảng 5 sào đất vườn nhà tôi đã bị trôi tuột xuống sông.

Chưa hết, thời điểm cuối năm 2018, đội tàu của ông T.L còn múc con kênh dài 30m cho sà lan vào suối để hút cát. Khi người dân bức xúc, phản ánh lên chính quyền, thì cơ quan chức năng cũng xuống kiểm tra và lập biên bản. Nhưng không hiểu sao họ vẫn cứ cho ghe hút cát như không có chuyện gì xảy ra”, anh T. bức xúc. Cũng theo anh T., không chỉ có ghe hút của Cty P.T., mà còn có cả những chiếc “ghe lạ”, trà trộn vào các ghe được cấp phép để tranh thủ hút cát.

“Giá cát xây dựng hiện nay khoảng 450 ngàn/m3, mỗi ngày ghe hút ra vào sông liên tục như con thoi, mỗi ghe có trọng tải cả trăm khối cát.

Như vậy có thể thấy, một ngày họ đút túi bao nhiêu tiền. Đây là nguồn tài sản vô giá, chẳng mất tiền mua mà, bảo sao họ không bất chấp tất cả”, anh T. nói tiếp.

Trước tình trạng khai thác cát gây hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, thiệt hại lớn về tài sản, khiến người dân vô cùng bức xúc. Mới đây, Sở TN-MT tỉnh Bình Phước có văn bản do Phó giám đốc Lê Đăng Nhật ký, trả lời phản ánh của người dân về tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng do Cty P.T. khai thác cát không đúng vị trí, khai thác tràn lan bất kể giờ giấc.

Theo đó, nội dung văn bản này chỉ yêu cầu Công ty P.T. không tiếp tục khai thác cát gần bờ, ảnh hưởng đến đất canh tác. Và cho rằng: “thời điểm đoàn liên ngành kiểm tra phần đất của các hộ dân đã bị ngập nước nên không xác định được hoạt động khai thác cát của Cty P.T. có làm sạt lở hay không”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.