| Hotline: 0983.970.780

Khai thác vàng trái phép ngay dưới chân thủy điện Nậm Na

Thứ Ba 05/04/2022 , 08:53 (GMT+7)

Trời tối đen như mực, không bóng người qua lại. Song dưới sông giống như một đại công trường, tiếng máy xúc ầm ĩ xé toạc không gian tĩnh mịch.

Khu khai thác vàng sa khoáng trái phép dưới chân thủy điện Nậm Na 1. Ảnh cắt clip

Khu khai thác vàng sa khoáng trái phép dưới chân thủy điện Nậm Na 1. Ảnh cắt clip

Khu khai thác vàng trái phép như đại công trường

Có những lời đồn về đoạn hạ lưu sông Nậm Na ngay sát thủy điện Nậm Na 1 có rất nhiều vàng. Có người từng đãi được vàng to như những hạt ngô... vì thế khúc sông này đang bị vàng tặc cày nát. Chúng tôi quyết định kiểm chứng thông tin này.

Khu vực vàng tặc lộng hành là đoạn sông giáp quốc lộ 12, đoạn qua thôn Nậm Cáy, xã Hoang Thèn (huyện Phong Thổ, Lai Châu), trên đường ra cửa khẩu Ma Lù Thàng. Có lẽ những vị khách vãng lai khó lòng nhận ra công trường khai thác vàng trái phép này. Bởi mỗi khi thủy điện Nậm Na 1 xả nước, mọi dấu vết của những gầu xúc khổng lồ dường như nằm im dưới lòng sông.

Cửa khẩu Ma Lù Thàng vắng lặng, đã nhiều tháng nay, không có lấy một xe hàng nào được kéo lên để xuất khẩu sang Trung Quốc do dịch bệnh Covid-19. Xe qua lại thưa thớt, chủ yếu là người dân địa phương.

Đêm xuống, cả con đường vắng tanh, không có lấy một ánh đèn leo lét. Chúng tôi dò dẫm từng bước chân đi bộ dọc quốc lộ để không bị phát hiện khi tiếp cận công trường khai thác vàng trái phép.

Từ bãi khai thác có thể nhìn thấy rõ mồn một thủy điện Nậm Na 1, không quá xa nơi khai thác. Máy xúc với gầu múc cỡ lớn bổ xuống lòng sông móc lấy đất đá rồi đổ chúng vào sàng xối nước cực mạnh để rửa trôi, phân tách lấy kim loại quý. Một xe khác chốc chốc đưa gầu múc gạt đất đá thải sang một bên. Hai xe phối hợp nhịp nhàng trong tiếng máy nổ ầm ĩ , tiếng vục gầu, tiếng lạo xạo của đất đá khi thợ lái nhấn ga cố múc được nhiều quặng hơn ở phía dưới làn nước sông.

Có lúc máy xúc di chuyển trên dải đá, có lúc nhảy bổ vào lòng sông, bánh xích của xe ngập trong nước. Công việc diễn ra hối hả, không có một thao tác của những tay lái máy là thừa. Tất cả đều diễn ra hoàn hảo bởi dường như họ đã quá quen với công việc này.

Không có bất kỳ sự cản trở hay cảnh báo nào mặc dù những chiếc máy xúc đang quần thảo ngay dưới lòng sông, cách phía cửa xả của thủy điện không quá xa.

Chúng tôi di chuyển gần hơn đến khu vực khai thác để ghi lại những hình ảnh được cho là khai thác vàng trái phép. Việc khai thác này không phải nhỏ lẻ mà được đầu tư bài bản từ máy móc, thiết bị, có ca kíp phụ thuộc thời điểm thủy điện xả, chặn nước.

Trong lúc, các tay lái máy điều khiển xúc gào rú, làm việc hết công suất, chốc chốc một gã dảo quanh dọc đoạn quốc lộ, đảo qua lại, kiểm tra khu vực xung quanh. Chúng tôi giật mình, thu máy quay, vội chạy lại về phía đỗ xe, tránh ánh đèn pin của họ.

Việc khai thác, đặt bẫy để đêm móc vàng diễn ra vào ban ngày, trước sự chứng kiến của người dân. Ảnh cắt clip

Việc khai thác, đặt bẫy để đêm móc vàng diễn ra vào ban ngày, trước sự chứng kiến của người dân. Ảnh cắt clip

Làm máy gấp hàng trăm nghìn lần đãi tay

Có lẽ người dân ở bản Nậm Cáy, xã Hoang Thèn của huyện miền núi Phong Thổ thuộc lòng giờ đóng, mở cửa xả của thủy điện Nậm Na 1. Cuộc sống của nhiều người đã gắn với đoạn sông này bởi nó mang lại ít nhiều thu nhập cho họ từ việc đào đãi vàng.

Khi thủy điện Nậm Na 1 đóng cửa xã cũng là lúc một số người dân tay quốc, tay xẻng ngâm mình dưới dòng nước lạnh để moi vàng lên từ lòng sông. Công việc không quá khó nhưng mất nhiều sức lực để lấy được một xẻng bùn lẫn đất đá rồi đổ vào bàn đãi có trải tấm nhựa xanh để loại bỏ tạp chất…

Sau đó, tất cả được đổ vào mâm đãi bằng gỗ hình chữ nhật, tiếp tục đãi đến khi nước trong và chỉ còn khoáng chất nặng còn sót lại. Chúng có màu đen trong đó lẫn cả những vẩy vàng. Tất cả được chút vào một lọ thủy tinh nhỏ.

Hai người đàn ông miệt mài đào đãi vàng sa khoáng cũng đã có 4 - 5 lọ thủy tinh đầy chặt. Công việc trong ngày của họ kết thúc và thành quả thu được kha khá đủ để có thể uống rượu cả tuần.

Một trong số họ cho hay, có thế này chưa lấy được vàng đâu, còn phải dùng thủy ngân, khò mới có thể tách được vàng ra. Toàn đi lấy sái của họ, bọn máy họ làm cả đêm cả ngày mà. Họ thì hay làm ở đằng trên này. Chỗ họ đang làm thì họ không mình cho làm. Làm như máy của họ thì sàng được nhiều vàng lắm. Gầu xúc của họ bằng cả trăm nghìn lần xúc xẻng của mình ấy chứ.

Công cụ đãi vàng của dân bản rất khó tìm mua được bên ngoài vì chúng thường được làm thủ công và thô sơ từ người có kinh nghiệm. Khi đãi sẽ giữ được phần lớn… công sức của họ. Ở đây cũng chỉ có một người có thể đóng được mâm đãi với giá khoảng 1 triệu đồng mặc dù nhìn bên ngoài chúng có kết cấu rất đơn giản.

Khu khai thác vàng trái phép nằm cạnh quốc lộ 12, lối đi cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu). Ảnh cắt clip

Khu khai thác vàng trái phép nằm cạnh quốc lộ 12, lối đi cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu). Ảnh cắt clip

Không thể đầu tư máy móc một phần vì tốn kém, một phần vì sợ bị chính quyền tịch thu khi phát hiện. Song những người dân ở đây không hiểu vì lý do gì vàng tặc làm quy mô như vậy lại có thể tồn tại ngay bên đường quốc lộ.

Lý Mạnh Quỳnh cùng ở Nậm Cáy tranh thủ nước cạn ra sông đào đãi vàng trong lúc chờ tới ngày gọi đi làm công nhân ở Hải Dương, với lương tháng 10 triệu đồng.

“Kinh nghiệm là phải múc nhiều đất mới được còn họ dùng máy xúc, sàng, họ làm lớn mới ăn lớn. Ở đây máy xúc xúc đất từ bãi rồi sàng ra vàng. Có khoảng mười mấy người, thay ca nhau làm liên tục. Họ cạo đất xong thì cho vào sàng. Kia kìa bãi đất người ta sàng", Quỳnh chỉ tay lên phía những chiếc máy xúc nằm bất động khi trời sáng.

“Ở đây có nhiều, một ngày chăm chỉ cũng làm được tầm 2 - 3 phân vàng (10 phân = 1 chỉ). Ở đây có người từ nơi khác đến thu mua, nhưng cũng là người tỉnh đây luôn (Lai Châu - PV). Khoảng 2 - 3 ngày, người ta gọi điện hỏi, nếu có bán thì mang ra”, Lý Mạnh Quỳnh kể.

Khu lán trại dựng ngay dưới lòng sông Nậm Na, phục vụ cho việc khai thác vàng trái phép. Ảnh cắt clip

Khu lán trại dựng ngay dưới lòng sông Nậm Na, phục vụ cho việc khai thác vàng trái phép. Ảnh cắt clip

Có hay không việc thanh thải lòng sông trá hình?

Công việc đào đãi chỉ diễn ra trong đêm cho đến lúc gần sáng, đoạn sông trở lại như cũ, như chưa hề bị móc ruột. Bất kỳ chiếc xe lạ nào đi qua khu vực này có biểu hiện dừng đỗ lâu, biển số lạ qua lại nhiều lần thì đều có những gã dừng xe lề đường quan sát, chụp ảnh.

Cũng theo quan sát, ngay cạnh khu khai thác, một lán trại rộng hàng chục mét vuông được lắp đặt tạm bợ, dựng bằng bạt để cho những người làm vàng ở. Xoong, nồi và một số vật dụng cơ bản… có đủ để cho những người làm việc ở đây duy trì sinh hoạt hằng ngày, phục vụ cho việc khai thác lâu dài.

Qua nhiều đêm, chúng tôi nhận thấy máy xúc chỉ gạt đá từ chỗ này sang nơi khác, đặt bẫy quặng thu cát, đất đá từ trên thượng nguồn trôi xuống qua mỗi lần thủy điện mở cửa xả.

Cũng theo người dân phản ánh việc khai thác vàng trái phép này đã diễn ra khoảng hơn 1 năm nay, dưới hình thức thanh thải dòng chảy.

Trong khi đó, khu khai thác trái phép nằm ngay gần ngã ba, lối rẽ từ quốc lộ 12 để đi vào UBND xã Hoang Thèn. Khu vực này tập trung hàng quán khá sầm uất so với những khu vực khác ở huyện Phong Thổ. Thế nhưng, không hiểu tại sao hoạt động khai thác vàng sa khoáng trái phép với quy mô như vậy vẫn tồn tại như một sự thách thức.

Cũng theo người dân, chỉ một động thái đưa máy móc xuống lòng sông của người dân cũng sẽ bị nhắc nhở, thậm chí bị ngăn cản do đó họ chỉ có thể đào đãi một cách thủ công, bằng cuốc, xẻng và xô chậu nhựa.

Dư luận đặt câu hỏi, vì sao việc khai thác trái phép với quy mô công nghiệp lại có thể tồn tại, liệu có phải họ có những tấm bùa hộ mệnh đặc biệt nào đó? Đó là chưa kể việc khai thác trái phép còn khiến lòng sông thì bị băm vằm, tận diệt môi sinh, làm xấu cảnh quan môi trường và gây nguy cơ sạt lở không chỉ là bờ sông mà còn là tuyến quốc lộ 12.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm