Nguồn sống của mỏ
Ở Vàng San (huyện Mường Tè, Lai Châu), dân bản không lạ lẫm khi nhắc đến những câu chuyện đào đãi vàng dưới dòng suối Nậm Nhọ. Từng có nhiều người tứ xứ đổ về đây tìm kiếm vận may từ khai thác vàng trái phép và để lại nhiều hệ lụy cho mảnh đất này. Cần mẫn đào bới từng mạch đá với hy vọng đổi đời nhờ tìm được kim loại quý này.
Có người bỏ mạng, có người không lành lặn khi trở về, nghiện hút, ma túy… đó là những câu chuyện người dân kể lại. Không có câu chuyện nào kết thúc có hậu của những kẻ móc lấy mạt vàng từ lòng đất mẹ.
Tưởng đó chỉ là câu chuyện xưa cũ nhưng ở Vàng Sang cho đến nay vẫn chưa yên với nạn vàng tặc. Có điều, chúng - vàng tặc - làm một cách kín đáo hơn, ở nơi xa hơn, sâu hơn trong rừng thẳm.
Có lẽ dịch bệnh, giá vàng tăng phi mã cũng là một trong những nguyên nhân khiến vàng tặc tiếp tục trụ lại ở Vàng San bất chấp nơi rừng thiêng, nước độc.
Cách trung tâm Vàng San khoảng 10km là bản Nậm Suổng. Sinh sống ở đây chủ yếu là người dân tộc Mảng với những căn nhà lúp xúp. Sát con đường bê tông ngoằn ngoèo, xù xì chỉ đủ 2 cho người đi bộ tránh nhau là tiệm tạp hóa của cặp vợ chồng già dưới xuôi lên. Tiệm tạp hóa không khá hơn những căn nhà gỗ xung quanh, được che chắn tạm bợ bằng liếp, gỗ, với những khe hở tứ tung.
Sau chén nước bắt chuyện, ông chủ tiệm tạp hóa kể, gia đình mới lên đây được 6 - 7 năm, từ khi đất ở quê bị thu hồi để làm khu công nghiệp. Sống quen với việc đồng áng, nên cả gia đình quyết định chuyển tìm kế sinh nhai. Các cháu sống dưới thành phố còn 2 vợ chồng tôi buôn bán lặt vặt.
Ở trước cửa tiệm tạp hóa là những can dầu đầy ắp, chờ dân bản gùi lên bãi. Sở dĩ phải gùi dầu vì đường lên bãi khai thác phải đi ngược lên phía thượng nguồn, hiểm trở, chỉ có thể đi leo bộ.
Ông Chìn A Chanh ở bản Nậm Suổng cho hay, “giờ chưa đến mùa làm ruộng, mỗi năm một vụ thôi nên gùi dầu lên cho chủ mỏ. Họ trả 3.000 đồng một cân. Ở đây có nhiều người gùi dầu lắm. Cứ lên đó người ta trả tiền. Ngày nào cũng có việc”.
Có lẽ hầu hết dân bản, ai cũng tường tận về khu mỏ này bởi trong số họ có nhiều người hằng ngày vẫn gùi vác những can dầu nặng hàng chục kí trên lưng mang lên mỏ.
Dầu được mua ở ngoài thị trấn rồi được chở trên thùng của những chiếc xe bán tải và nó là “nguồn sống” cho mọi hoạt động chính của mỏ vàng trái phép ở đây. Không khó nhận ra những chiếc xe bán tải này với biển số quen thuộc. Bản đã có đường bê tông nhưng không phải ai cũng biết cách đi vì có đoạn ô tô phải vòng đường dưới suối.
Ô nhiễm cả dòng suối
Ở trên đó đông lắm, người ta làm 2 ca ngày đêm nhưng họ không cho dân bản làm vì họ nói dân hay đi về, lên làm không kịp, một dân bản chỉ tay lên phía thượng nguồn nơi vàng tặc đang hoành hành ở Nậm Suổng nói.
Từ chân suối, những vệt nước có màu khác lạ chảy xuống đen nhờ nhờ. Có nghĩa, trên thượng nguồn vàng tặc vẫn đang hoạt động. Từ cuối bản Nậm Suổng lên bãi cách chừng 4km nhưng phải leo bộ nhiều giờ đồng hồ dọc theo lòng suối, đá lởm chởm. Không có đường mòn, mọi bước chân đều phải dò dẫm, thận trọng vì rêu bám đá rất trơn.
Thế nhưng, với dân bản dường như đó không phải là khó khăn. Mệt thì nghỉ vì thứ họ cần là số tiền mà bưởng vàng sẽ trả khi mang dầu lên tới đỉnh.
Càng lên cao, nước suối càng đen đậm rõ rệt hơn. Có lẽ khu vực này không còn một con cá, con tôm có thể sống được dưới nguồn nước như vậy. Và dường như toàn bộ con suối đều đã ngấm thứ nước độc hại này từ lâu. Suối bốc lên có mùi rất khó chịu, khó diễn tả. Còn theo dân bản ở hạ lưu, họ rỉ tai nhau không bao giờ ăn cá từ bản trên này mang xuống.
Kinh nghiệm của dân đào vàng lâu năm, với kiểu nước thải như vậy thì ở đây là khai thác vàng gốc, không phải khai thác vàng xa khoáng. Sau khi đất đá móc từ vỉa ra, chúng được nghiền nát rồi dùng tấm thủy ngân bắt vàng. Chủ bãi nếu chịu đầu tư tấm thủy ngân loại tốt tỷ lệ bắt có thể được tới 50-60%. Còn sái, trông như cát đen sẽ sử dụng Cyanua và một số thành phần chất hóa học độc hại khác ủ trong khoảng 15 ngày để vàng tan ra thành nước. Sau đó, thủy ngân lại được sử dụng trong công đoạn này để bắt kiệt vàng và dùng máy khò cô đặc vàng.
“Nước đen đen là trong quá trình nghiền quặng sử dụng bột chua, xà phòng và một số hóa chất khác. Nước này rất độc hại, có mùi khai khai khó chịu, nhìn giống dầu nhưng không phải. Uống phải nước ngày, ngụm nhỏ cũng khiến con trâu, con bò đi vài bước là ngã lăn ra chết”, người này khẳng định.
Theo người dân, một trong những bưởng vàng ở đây còn rất trẻ nhưng ai cũng e dè khi được hỏi đến. Chỉ biết ông chủ mỏ vàng trái phép này thường ăn vận áo sơ mi trắng và lái xe bán tải cùng tông màu.
Để xác thực rõ hơn hoạt động khai thác vàng trái phép tại khu vực rừng ở Nậm Suổng, chúng tôi tiếp tục leo bộ về phía đầu nguồn. Bất chợt một tốp 5 - 6 phụ nữ người Mảng với gùi rỗng trên lưng đi ngược lại. Một trong số họ cho biết, từ sáng giờ mới gùi được một lượt được chủ trả cho 70 nghìn đồng.
Một phụ nữ khác chìa cho chúng tôi xem số tiền vừa được trả công. 82 nghìn đồng, có lẽ vì người phụ nữ này đã luống tuổi nên được ưu ái hơn những người còn lại.
Ngang nhiên khai thác vàng trái phép
Lần theo dấu nước thải, chúng tôi đã đến được khu vực của vàng tặc đang hoạt động. Lán trại ở đây được dựng tạm bằng bạt nhưng khá chắc chắn, có thể chống đỡ được các cơn mưa, gió rừng. Bên trong trại, các tấm gỗ được ghép tạm bợ và rải chiếu làm chỗ ăn ngủ cho các phu vàng ngay tại chỗ để thay phiên nhau làm việc.
Có khoảng gần 20 người tại đây. Trong đó, một số là dân bản chờ bưởng vàng trả tiền công cho những can dầu mới được gùi lên. Khi chúng tôi xuất hiện, tất cả đều đổ dồn với ánh mắt dò xét vì có người lạ.
Cách đó không xa là khu khai thác, tiếng máy nổ, máy nghiền hoạt động hết công suất ầm ĩ. Công việc của các phu vàng hối hả, số thì khoét núi đánh theo vỉa để lấy quặng đưa ra ngoài khu nghiền ngay trước cửa hang. Đất đá được nghiền nát và đẩy vào máng đãi lớn. Chốc chốc, một phu vàng cẩn trọng giữ tấm thảm nhựa màu đỏ nhúng vào xô nước thu vàng cám.
Gã được cho là quản lý cho hay, trông làm thế này thôi nhưng có khi còn lỗ vì mỗi ngày phải chi hàng chục triệu đồng tiền công, tiền dầu, tiền ăn uống… nuôi quân.
Trong khi thực tế, theo người dân địa phương khu mỏ vàng này đã tồn tại từ lâu và không thấy bóng dáng lực lượng chức năng xuất hiện tại đây. Và ai cũng hiểu một điều, lỗ thì không ai dại gì đổ tiền để đi ăn cắp tài nguyên cả.
Số quặng sau khi được nghiền nát, bắt vàng trên mỏ, phần bã được đẩy xuống dưới hẻm núi bằng ống dẫn nước to như cổ tay, dài hàng trăm mét. Tại đầu ra, nước đen kịt chảy xối xả vào bể lắng, được be bờ tạm bợ bằng các bao cát.
Tại đây, một phu vàng trẻ tuổi đang cặm cụi xúc sái cho đầy chiếc xe rùa. Bã sái được gom lại từ nhiều ngày, chất thành một đống cao lớn.
“Ở trên người ta bảo mình xuống làm thì xuống làm thôi. Mỗi ngày được hơn 200 nghìn đồng, khoảng 7 triệu một tháng. Khi nào mệt có người khác thay thì mình lại về trên”, Má A Lóng cho hay.
Số sái này thực chất là bã quặng, chúng giống như cát đen. Sau đó, tất cả được ngâm ủ hóa chất một lần nữa để có thể lấy kiệt vàng hoặc cũng có thể được đóng thành bao và đem bán. Khu vực này cũng chính là nguồn thải ra khiến dòng suối Nậm Nhọ đen kịt. Độc hại là vậy, nhưng những phu vàng dường như bất chấp tất cả để lấy được mạt vàng cho ông chủ.
Sự tồn tại của mỏ vàng trái phép này cũng khiến dư luận đặt câu hỏi có hay không sự bảo kê của một nhóm lợi ích khiến vàng tặc hoành hành ở Nậm Suổng?