| Hotline: 0983.970.780

Khấm khá nhờ giống lúa nếp ngon nhất Lai Châu

Thứ Ba 11/04/2023 , 08:49 (GMT+7)

LAI CHÂU Giống nếp tan Co Giàng được đánh giá ngon nhất Lai Châu. Hiện bà con vùng cao ở xã Pắc Tan (huyện Tân Uyên) đã hợp tác sản xuất, khấm khá nhờ giống nếp này.

Ở Pắc Ta vào những mùa lễ hội, Tết... trên mâm cỗ của người Thái không thể thiếu nếp tan Co Giàng. Loại gạo nếp dẻo thơm này có mùi vị không thể lẫn với các loại gạo khác. Khai thác thế mạnh, xã Pắc Ta đã dần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, có lợi thế cạnh tranh và áp dụng triệt để cơ giới hóa.

Trong đó, xã chuyển đổi 150ha đất trồng giống lúa địa phương sang lúa hàng hóa chất lượng cao, đặc biệt là nếp tan Co Giàng, Séng Cù. Qua đó, hình thành vùng sản xuất hàng hóa với 365ha, tập trung tại các bản: Pắc Lý, Phiêng Ban, Thanh Sơn, Hoàng Hà, Mít Thái và Bó Lun...

neptancogiang

Bà con ở Pắc Ta (huyện Tân Uyên, Lai Châu) phấn khởi vì những bao thóc nếp tan Co Giàng mang lại thu nhập khấm khá hơn. Ảnh: Hải Đăng.

Đặc biệt, sau khi giống lúa nếp tan Co Giàng được phục tráng, cho năng suất và hiệu quả kinh tế, người dân địa phương đã chủ động mở rộng diện tích. Đồng thời, huyện Tân Uyên cũng chú trọng phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng để bà con thuận lợi trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Với ưu điểm ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng 140 - 148 ngày, thích hợp với điều kiện tự nhiên ở Tân Uyên nên năng suất của nếp Co Giàng đạt khá (48tạ/ha).

Tại bản Bó Lun (xã Pắc Tan), năm 2022, phụ nữ trong bản đã thành lập Tổ hợp tác phát triển sản phẩm nếp tan Co Giàng gồm 5 hội viên với mong muốn đưa loại gạo nếp này tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng. Các chị em trong Tổ hợp tác đã mạnh dạn vay 25 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo huyện Tân Uyên để làm vốn đầu tư, gieo hơn 4ha giống lúa nếp tan Co Giàng. Qua đó, đã giúp những thành viên trong Tổ có cơ hội nâng cao thu nhập.

Cùng với học hỏi kinh nghiệm và khoa học kỹ thuật, vụ đầu tiên sản xuất, sản lượng lúa nếp tan Co Giàng của Tổ hợp tác đã đạt khoảng 190tạ, với giá bán ra khoảng 30 nghìn đồng/kg, các thành viên có thu nhập đáng kể. 

Việc phát triển giống nếp tan Co Giàng cũng được triển khai ở những bản khác trên địa bàn xã Pắc Tan. Trong đó, năm 2022, Tổ hợp tác bản Nà Ún được vay vốn 117 triệu đồng để mở rộng diện tích gieo cấy. Kết quả, sản lượng thu hoạch của tổ hợp tác này lên tới gần 500 tạ lúa nếp tan Co Giàng.

IMG_8561

Cuộc sống của bà con ở Tân Uyên (Lai Châu) đổi thay từng ngày sau mỗi mùa gặt. Ảnh: Hải Đăng.

Bà Hoàng Thị Hoan, bản Nà Ún cho hay, được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và tỉnh giúp vay vốn, gia đình bà được vay 25 triệu đồng. Từ số vốn này, gia đình bà có điều kiện mua giống, chăm sóc cây lúa tốt, cho năng suất cao.

Theo bà Lương Thị Oanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Pắc Ta cho hay, từ nguồn vốn cho vay của Hội cấp trên, hội viên phụ nữ của 2 tổ hợp tác trong xã đã nỗ lực phấn đấu để phát triển kinh tế, đặc biệt là đã phối hợp với UBND xã tổ chức các hội nghị trao đổi, học tập kinh nghiệp cho các hộ thực hiện mô hình. Từ việc sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích trong phát triển giống lúa nếp tan Co Giàng ở 2 tổ hợp tác, nhiều hộ gia đình trong các tổ hợp tác đã vươn lên thoát nghèo. 

Hiện toàn xã Pắc Ta có 9 mô hình tổ tín dụng tiết kiệm, vay vốn, tương trợ với trên 800 thành viên. Trong đó, có nhiều hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo từ mô hình tổ phụ nữ liên kết tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, khơi dậy ý thức, tin thần tương thân tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở huyện miền núi Tân Uyên.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.