| Hotline: 0983.970.780

Lai Châu: Có nhà máy chế biến, nông dân yên tâm gắn bó với cây chè

Thứ Sáu 31/03/2023 , 16:57 (GMT+7)

Nông dân trồng chè được nhà máy hỗ trợ đầu tư phân bón, bao tiêu đầu ra, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định, tăng thu nhập cho bà con...

Tam Đường là một trong những huyện có diện tích trồng chè lớn của tỉnh Lai Châu. Cây chè hiện đang là cây trồng chủ lực, giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, giảm tỷ lệ hộ nghèo… 

Chỉ tính riêng xã Bản Giang của huyện này đã có diện tích chè lên tới 300ha. Với chính sách hỗ trợ của địa phương phát triển cây chè làm kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới, bà con nông dân trên địa bàn đã tự nguyện hiến đất làm đường nội đồng. Qua đó, bà con thuận lợi hơn trong việc chăm sóc, vận chuyển phân bón, cây giống và thu hái sản phẩm…

Bà con nông dân huyện Tam Đường cung cấp chè búp tươi cho nhà máy chế biên chè. Ảnh: Hải Đăng.

Bà con nông dân huyện Tam Đường cung cấp chè búp tươi cho nhà máy chế biên chè. Ảnh: Hải Đăng.

Ông Nguyễn Đình Xuyển ở bản Đoàn Kết, xã Bản Giang (huyện Tam Đường, Lai Châu) cho biết, gia đình trồng chè từ năm 1993 và hiện đang có khoảng 1,5ha. Giá chè búp tươi hiện được bán ra cho các nhà máy khoảng 5.000 đồng/kg, giao tại xưởng nhà máy. Giá chè tuy chưa cao nhưng năng suất ổn định, giúp cho gia đình ông thu về khoảng 170 - 180 triệu đồng mỗi năm (chưa trừ chi phí). 

Cũng theo ông Xuyển, hiện toàn bộ diện tích chè do 2 vợ chồng ông chăm sóc nên làm túc tắc mà có thu nhập như vậy cũng tương đối ổn định. 

Tương tự, bà Nguyễn Thị Anh, thôn Đoàn Kết, xã Bản Giang (huyện Tam Đường, Lai Châu) cho biết, từ khi có nhà máy chè đi vào sản xuất, giá thu mua cao hơn trước kia. 

“Càng nhiều nhà máy bà con càng phấn khởi, như nhà tôi đang bán cho xưởng này giá 5.000 đồng/kg, tăng hơn năm ngoái. Mỗi một lứa, gia đình tôi thu được khoảng 3 tấn chè, nói chung thu nhập cũng ổn. Ở đây bà con sống bằng chè thôi chứ trồng ngô cũng ít, chỉ để nuôi con lợn, con gà. Trừ phân tro đi rồi ăn chắc cũng được khoảng 50 triệu đồng mỗi năm. Từ hồi có nhà máy chè, cuộc sống của bà con nhân dân ở đây khá hơn nhiều, việc tiêu thụ chè tương đối thuận tiện”, bà Anh nói.

Lai Châu đã thu hút được những đơn vị đầu tư vào sản xuất chè quy mô công nghiệp. Ảnh: Hải Đăng.

Lai Châu đã thu hút được những đơn vị đầu tư vào sản xuất chè quy mô công nghiệp. Ảnh: Hải Đăng.

Hiện nay, giữa nông dân và doanh nghiệp cũng đã hình thành mô hình liên kết sản xuất. Chè của bà con nông dân có đầu ra và thu nhập ổn định, còn nhà máy chế biến chè nâng cao được hiệu quả sản xuất vì có vùng nguyên liệu bền vững, đôi bên cùng có lợi. 

Ông Đỗ Viết Trung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc cho biết, qua nắm bắt thị trường cũng như chương trình xúc tiến đầu tư của Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Lai Châu, Công ty đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với mặt hàng chè.

Hàng năm, nguồn vốn của Công ty đầu tư cho bà con nông dân trồng chè khoảng 20 tỷ đồng về phân bón, trung bình mỗi hộ dân trồng chè ít nhất được cho vay mua 1 tấn phân bón trả chậm, sau đó thu mua sản phẩm… Đặc biệt, những năm Covid-19, bà con nông dân khó khăn, Công ty vẫn thu mua chè để đối ứng, tạo điều kiện cho bà con nông dân phát triển sản xuất.

Vùng chè shan tuyết ở xã Bản Giang (huyện Tam Đường, Lai Châu). Ảnh: Hải Đăng.

Vùng chè shan tuyết ở xã Bản Giang (huyện Tam Đường, Lai Châu). Ảnh: Hải Đăng.

“Năm 2022, Công ty đã mạnh dạn đầu tư và phát triển nhà máy chế biến chè để ổn định việc thu mua chè của bà con. Từ tháng 1/2023, có nhiều hộ tham gia liên kết, mở rộng diện tích nên chúng tôi tiếp tục đầu tư phân bón lên tới 2 tấn/hộ cho một số xã như Bản Bo, Bản Giang, Bình Lư…”, ông Đỗ Viết Trung nói. 

Cây chè trên địa bàn xã Bản Giang được trồng từ lâu, có nhiều cây 10 - 20 năm tuổi. Với diện tích thâm canh cây chè hiện có, đang mở ra cơ hội cho người dân thoát nghèo, có thu nhập ổn định. 

“Cây chè nhiều năm nay đã mang lại cuộc sống ổn định cho bà con nông dân và là nguồn thu nhập chính cuả họ. Việc đặt một số nhà máy chè trên địa bàn là tín hiệu khẳng định sự ổn định của cây chè trên địa bàn.

Các nhà máy này giúp cho bà con nông dân thuận lợi hơn trong tiêu thụ chè ngay trên địa bàn xã, giảm chi phí vận chuyển, tăng thu nhập. Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới, cây chè sẽ phát triển bền vững, tiếp tục là cây chủ lực ổn định cuộc sống cho bà con”, ông Đoàn Văn Nhưỡng, Chủ tịch UBND xã Bản Giang (huyện Tam Đường, Lai Châu) cho biết.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.