| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương khắc phục tồn tại chống khai thác IUU tại Bến Tre và Tiền Giang

Thứ Tư 27/04/2022 , 16:58 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT đề nghị 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU.

Bộ NN-PTNT đề nghị 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang tập trung triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp chống khai thác IUU. Ảnh: TL.

Bộ NN-PTNT đề nghị 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang tập trung triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp chống khai thác IUU. Ảnh: TL.

Vẫn còn tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài

Ngày 27/4, Bộ NN-PTNT đã gửi công văn tới UBND 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang về việc tập trung triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).

Đánh giá tình hình triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU tại 2 địa phương sau gần 5 năm bị cảnh báo “thẻ vàng”, Bộ NN-PTNT nhận định tỉnh Bến Tre và Tiền Giang đã có sự tiến bộ so với lần kiểm tra vào tháng 10/2020.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bến Tre vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chưa có giải pháp hiệu quả trong việc theo dõi, quản lý tàu cá của tỉnh hoạt động thường xuyên dài ngày ở các tỉnh dẫn đến nguy cơ cao vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Chưa chấm dứt được tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Trong 3 tháng đầu năm 2022, tỉnh Bến Tre đã để xảy ra vụ việc 2 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

Việc cấp Giấy phép khai thác thủy sản theo quy định chỉ đạt 59,62%; đăng kiểm, đánh dấu tàu cá mới đạt 50,74%. Cập nhật dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase chưa kịp thời.

Xử phạt các hành vi khai thác IUU còn hạn chế; hành vi tàu cá hoạt động sai vùng, mất kết nối VMS, vi phạm quy định về ghi, nộp Nhật ký khai thác… vẫn còn nhiều nhưng kết quả điều tra, xác minh và xử lý các trường hợp vi phạm chưa đạt yêu cầu.

Việc sử dụng dữ liệu VMS cho công tác đấu tranh, điều tra, khoanh vùng các trường hợp có khả năng vi phạm vùng biển nước ngoài chưa hiệu quả.

Tỉ lệ sản lượng thủy sản từ khai thác được giám sát phục vụ truy xuất nguồn gốc còn hạn chế, chỉ đạt khoảng 20% tổng sản lượng khai thác của tỉnh.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, tỉnh Bến Tre đã để xảy ra vụ việc 2 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Ảnh minh họa: Hồng Đạt /TTXVN.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, tỉnh Bến Tre đã để xảy ra vụ việc 2 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Ảnh minh họa: Hồng Đạt /TTXVN.

Còn tại tỉnh Tiền Giang, tình trạng tàu cá lắp đặt VMS nhưng mất kết nối vẫn diễn ra phổ biến; cơ quan quản lý mới chỉ tổng hợp, theo dõi, liên hệ chủ tàu; hồ sơ xử lý đối với từng trường hợp cụ thể chưa thu thập, tổng hợp, lưu trữ một cách hệ thống, đầy đủ.

Tỉ lệ sản lượng thủy sản từ khai thác được giám sát phục vụ truy xuất nguồn gốc còn thấp, chưa đảm bảo theo quy định, chỉ đạt khoảng 50% tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh.

Hồ sơ kiểm soát hoạt động khai thác của một số tàu cá còn chưa phù hợp. Một số tàu cá làm thủ tục rời cảng đi khai thác nhưng trên thực tế vẫn neo đậu ở bờ một thời gian mới tham gia hoạt động khai thác dẫn đến thời gian chuyến biển và giấy tờ thủ tục ra, vào cảng chưa đảm bảo theo quy định.

Mặc dù, hồ sơ xác nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác được lưu trữ, phục vụ truy xuất nguồn gốc tốt; tuy nhiên các dữ liệu liên quan phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu đối với hồ sơ thực hiện xác nhận chưa được đầy đủ.

Cụ thể như theo quy định, tàu cá có chiều dài 24 mét trở lên phải được kiểm soát 100% tàu ra, vào cảng và có hồ sơ lưu trữ; tuy nhiên mới chỉ có hồ sơ đối với các trường hợp làm xác nhận nguyên liệu.

Theo Bộ NN-PTNT, tỉnh Tiền Giang chưa thực hiện công tác kết nối với các tỉnh có tàu khai thác chuyển tải trên biển cho tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản của Tiền Giang để kiểm tra xác minh không vi phạm khai thác IUU khi thực hiện chuyển tải và truy vết việc tuân thủ các quy định về IUU của tàu khai thác dẫn đến việc xác nhận, chứng nhận cho tàu cá của Bến Tre chuyển tải cho tàu hậu cần đánh bắt của Tiền Giang không có hồ sơ cập cảng Ba Tri, Bến Tre khi truy theo vết trên giám sát hành trình.

Việc quản lý trừ lùi của các giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác chưa thực sự khoa học, chưa truy vết nhanh được nguồn nguyên liệu còn dư từ các giấy chứng nhận gắn với từng giấy xác nhận nguyên liệu và nguyên liệu còn dư theo loài tại các doanh nghiệp xin làm hồ sơ chứng nhận.

Công khai trường hợp vi phạm để răn đe, tuyên truyền

Để không ảnh hưởng đến nỗ lực chống khai thác IUU của cả nước và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao sớm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” vào năm 2022; Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre và Tiền Giang chỉ đạo chính quyền các cấp, sở, ban, ngành và lực lượng chức năng liên quan tại địa phương khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU.

Đồng thời tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, có kết quả các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN-PTNT về triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của EC; tập trung triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Bên cạnh đó, xử lý dứt điểm các tàu cá còn lại chưa lắp đặt thiết bị VMS; theo dõi, quản lý chặt chẽ, đảm bảo tàu cá phải duy trì hoạt động của thiết bị VMS khi tham gia khai thác thủy sản trên biển.

Các tỉnh cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Ảnh: Minh Đảm.

Các tỉnh cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Ảnh: Minh Đảm.

Khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá, kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về VMS theo quy định. Lập danh sách, khoanh vùng đối tượng, nắm chắc địa bàn để theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU.

Tập trung hoàn thiện, đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, ưu tiên bố trí nguồn lực, kinh phí, trang thiết bị cho cơ quan quản lý thủy sản tại địa phương (ban quản lý cảng cá, văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá, chi cục thủy sản…) để đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tàu cá, cấp Giấy phép khai thác thủy sản, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng.

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU; tăng cường công tác xử phạt hành vi khai thác IUU theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để răn đe, tuyên truyền, giáo dục; đặc biệt kiên quyết ngăn chặn, không để tàu cá địa phương tiếp tục vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 245/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ.

Bộ NN-PTNT đề nghị 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở (xã/phường/thị trấn) trong công tác kiểm soát tàu cá, kiểm điểm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm trong công tác chống khai thác IUU; đặc biệt công tác tổ chức, quản lý nghề cá tại các cảng cá.

Thực hiện nghiêm túc báo cáo định kỳ theo quy định về kết quả triển khai nhiệm vụ chống khai thác IUU tại địa phương đã được Bộ NN-PTNT hướng dẫn tại văn bản số 1645/BNN-TCTS ngày 18/3/2022.

Siết chặt quản lý tàu cá 

Bộ NN-PTNT đề nghị tỉnh Bến Tre khẩn trương rà soát, thực hiện cấp Giấy phép khai thác thủy sản, Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá, đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá; thực hiện nhập dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia theo quy định để đáp ứng yêu cầu việc tra cứu thông tin, quản lý tàu cá ra vào cảng cá.

Các địa phương cần khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá, kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về VMS theo quy định. Ảnh: Minh Đảm.

Các địa phương cần khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá, kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về VMS theo quy định. Ảnh: Minh Đảm.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng của tỉnh và với các địa phương khác, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp để theo dõi, quản lý tàu cá của tỉnh thường xuyên hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi khai thác IUU.

Thực hiện đúng quy định về kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản từ khai thác bốc dỡ qua cảng. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn công tác ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác theo quy định đảm bảo chất lượng nội dung có sự kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu VMS. Tập trung rà soát, củng cố hồ sơ kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu trên phần mềm điện tử để dễ dàng lưu trữ, theo dõi, truy xuất, quản lý.

Tỉnh Tiền Giang cần tổ chức thực hiện nghiêm công tác xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc đảm bảo đúng quy định, có sự kiểm tra chéo, đối chiếu dữ liệu VMS với nhật ký khai thác thủy sản, đảm bảo đầy đủ dữ liệu của tàu khai thác thủy sản, đặc biệt là tàu khai thác thủy sản của tỉnh khác khi thực hiện chuyển tải trên biển cho tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản của tỉnh.

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về cấp chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác tại mỗi lần cấp để theo dõi, quản lý và truy xuất dễ dàng, kịp thời. Giám sát chặt chẽ nguyên liệu còn tồn tại các doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan của tỉnh kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tàu cá đăng ký tại tỉnh Bến Tre ra vào cảng trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật thủy sản (vi phạm về VMS; giấy phép khai thác thủy sản; ghi, nộp nhật ký khai thác IUU…), chống khai thác IUU.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.