| Hotline: 0983.970.780

Thẻ vàng IUU khó đến đâu gỡ đến đó

Thứ Năm 07/04/2022 , 15:52 (GMT+7)

Tổng cục Thủy sản đề nghị, các địa phương quan tâm đúng mức đến việc phát triển cơ sở hạ tầng cảng cá, tiền đề quan trọng để gỡ thẻ vàng IUU.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân (phải) trao đổi cùng ông Nguyễn Thành Chung, Q. GIám đốc Ban Quản lý Cảng cá Nam Định (giữa). Ảnh: Bảo Thắng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân (phải) trao đổi cùng ông Nguyễn Thành Chung, Q. GIám đốc Ban Quản lý Cảng cá Nam Định (giữa). Ảnh: Bảo Thắng.

Dễ quy hoạch

Trong chuyến kiểm tra tình hình phòng chống khai thác IUU tại Cảng cá Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định ngày 6/4, Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản Trần Đình Luân nhận xét, sự quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cá đã tạo động lực cho việc phát triển khai thác hải sản, đặc biệt là khai thác xa bờ, giúp giảm tổn thất sau khai thác.

Bên cạnh hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân lưu ý Ban quản lý Cảng cá Nam Định cũng như Chi cục Thủy sản Nam Định triển khai đồng bộ, hiệu quả, kịp thời các biện pháp phòng chống IUU. "Làm thế nào chúng ta vừa phát triển nghề cá, vừa bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực ven biển", ông nói. 

Một trong những điểm của Cảng cá Ninh Cơ được ông Luân đánh giá cao, là cảng hiện không bị lẫn với dịch vụ sửa chữa, nên dễ quy hoạch các hạng mục trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ, tiến tới hình thành cảng cá hiện đại, làm tiền đề để thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ theo quy hoạch của Thủ tướng.

Hiện Cảng cá Ninh Cơ có tổng diện tích mặt bằng là 95.686m2 với các hạng mục công trình như cầu cảng dài 192m, 2 âu neo đậu sức chứa 200 tàu (công suất từ 20 - 90CV), trạm cung cấp nước sạch công suất 300m3/ngày đêm… Đây cũng là nơi cung cấp nhu yếu phẩm tại chỗ cho tàu, thuyền khai thác hải sản; nơi tránh trú bão an toàn cho tàu thuyền khi có gió bão.

Theo Ban Quản lý, Cảng cá Ninh Cơ có chiều dài cầu cảng 192m. Trong cùng một thời điểm, cảng có thể tiếp nhận 10 lượt tàu dài từ 12-24m. Nếu mỗi lượt bốc dỡ khoảng 2 tiếng, số lượt tàu cá cập cảng trong ngày đạt tới 120 lượt, đảm bảo sản lượng thủy sản qua cảng đạt gần 29 nghìn tấn/năm.

Ghi nhận tiềm năng khai thác hải sản của Cảng cá Ninh Cơ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đề nghị địa phương tăng cường hơn nữa trong công tác tuyên truyền ngư dân về chống khai thác IUU. Chẳng hạn, mang đầy đủ hồ sơ tàu, thuyền; thực hiện nghiêm việc khai báo trước 1 tiếng khi tàu cập và rời cảng; ghi nhật ký hành trình khai thác, đánh bắt đúng các ngư trường được phép, tạo thuận lợi cho truy xuất nguồn gốc.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Hải Hậu, số phương tiện khai thác hải sản gần bờ của huyện giảm từ 773 chiếc năm 2015 xuống còn 430 chiếc tàu; số tàu khai thác xa bờ tăng từ 147 chiếc năm 2015 lên 199 chiếc năm 2020, với tổng công suất máy trên 100 nghìn CV, gấp 1,67 lần năm 2015. 

Trong khai thác hải sản, huyện đã tập trung phát triển các đội tàu có công suất lớn (trên 300CV), khai thác xa bờ gắn với phát triển mạng lưới thu gom, dịch vụ hậu cần thủy sản và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá đánh bắt xa bờ.

Song song với công tác khai thác, huyện cũng quan tâm những biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển mùa mưa bão. Phòng NN-PTNT Hải Hậu thường xuyên phối hợp với Chi cục Thủy sản, các Trạm Biên phòng, Ban Quản lý cảng cá Nam Định tổ chức tập huấn, tuyên truyền Luật Thủy sản 2017 và các quy định về chống khai thác IUU tới ngư dân, các chủ tàu, thuyền trưởng và các chủ phương tiện khai thác hải sản trên địa bàn.

Một ngư dân tại Cảng cá Ninh Cơ. Ảnh: Bảo Thắng.

Một ngư dân tại Cảng cá Ninh Cơ. Ảnh: Bảo Thắng.

Khó đến đâu gỡ đến đó

Nam Định có 72 km đường bờ biển, gồm 4 sông trong đó có 3 cửa sông lớn là sông Hồng, sông Ninh Cơ và sông Đáy. Hiện tỉnh có Cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu), Cảng cá Thành Vui, Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp với bến cá cửa Hà Lạn (Giao Thủy), Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa Ninh Cơ và bến cá Quần Vinh (Nghĩa Hưng).

Những năm gần đây, số lượng tàu, thuyền của tỉnh liên tục tăng, nhất là số tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn. Nhu cầu cảng neo đậu, bốc dỡ, bán thủy sản; sửa chữa, tiếp nhiên liệu, lương thực thực phẩm, tránh trú bão tăng theo. Tại các cửa sông Ba Lạt, Ninh Cơ mỗi ngày có từ 300-500 tàu, thuyền và các phương tiện nghề cá hoạt động.

Ngoài nhiệm vụ tiêu thoát nước lũ cho lưu vực sông Ninh Cơ, nơi đây còn giữ vị trí quan trọng trong giao thông đường thủy nội địa của hai huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng.

Năm 2015, Cảng cá Ninh Cơ được chọn quy hoạch là cảng cá loại 1. Nhờ có trang thiết bị đồng bộ nên việc bốc dỡ hàng hóa của cảng được cơ giới hóa tới 90%, quá trình bốc xếp hàng hóa, giải phóng phương tiện nhanh chóng, góp phần khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại cảng cá; giảm sức lao động nặng nhọc, thủ công và nâng cao năng suất khai thác hàng hóa, giảm chi phí và giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động.

Có những chuyển biến tích cực, nhưng hiện hệ thống hạ tầng cảng cá và khu neo đậu tàu, thuyền của Nam Định nhìn chung chưa theo kịp sự phát triển của nghề cá. Chẳng hạn, cảng cá Thành Vui được đưa vào quy hoạch đầu tư mở rộng nhưng nguồn vốn hạn hẹp nên bến bãi, cầu cảng còn chật hẹp, chưa tiếp nhận được các tàu lớn, luồng lạch dẫn vào cảng còn bị bồi lấp, gây khó khăn cho việc ra vào.

Ngoài ra, khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão kết hợp với bến cá cửa Hà Lạn mới được đưa vào khai thác sử dụng nên công tác quản lý, vận hành cũng còn một số hạn chế, đặc biệt là việc tiếp nhận các tàu lớn có chiều dài từ 24m trở lên.

Những vấn đề của Nam Định cũng là tình hình chung của 125 cảng cá trên 28 tỉnh, thành phố cả nước. Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định, việc gỡ thẻ vàng IUU phải trải qua từng bước, theo tinh thần "khó đến đâu gỡ đến đó".

Cảng cá Ninh Cơ được quy hoạch cảng cá loại 1 từ năm 2015.

Cảng cá Ninh Cơ được quy hoạch cảng cá loại 1 từ năm 2015.

"Quản lý hơn 91.700 tàu, thuyền cả nước là thách thức không đơn giản, nhất là khi chi phí sản xuất, giá xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào ngày một tăng. Trên cơ sở hệ thống pháp luật đã được xây dựng tương đối đầy đủ, chúng tôi sẽ hỗ trợ địa phương công tác đào tạo cán bộ quản lý, thúc đẩy triển khai khoa học, công nghệ để gỡ bằng được thẻ vàng IUU trong giai đoạn 2022-2023 như chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN-PTNT", ông Luân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thành Chung, Q. Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Nam Định cam kết phối hợp tích cực với các đơn vị, lực lượng chức năng thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng cá để kịp thời phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, phòng chống IUU, cũng như nhắc nhở ngư dân ghi nhật ký hành trình khai thác hàng ngày. 

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Cảng cá Nam Định sẽ liên hệ lực lượng biên phòng để kiểm tra, lập biên bản và xử lý tàu cá khai thác vượt khỏi ranh giới cho phép, tàu cá các tỉnh ngoài vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; đồng thời kịp thời nhắc nhở ngư dân mang đầy đủ hồ sơ tàu, thuyền và thực hiện nghiêm việc khai báo khi tàu cập và rời cảng.

Trước mắt, Ban Quản lý Cảng cá Nam Định tập trung nạo vét luồng lạch, đảm bảo khơi thông dòng chảy, tạo nơi neo đậu, tránh bão an toàn cho tàu thuyền trên địa bàn.

"Từ 2014, khi được Nhà nước đầu tư, tàu bè ra vào cảng Ninh Cơ thuận lợi hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, hàng năm chúng tôi cần kinh phí nạo vét, tu sửa luồng lạnh, nhất là khu vực từ cảng vào trong âu, hoặc các vùng nước trước cầu cảng. Đây là khu vực tàu neo đậu, khiến phù sa bồi lắng rất nhiều", ông Chung chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng được kiểm soát

TÂY NINH Sau chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh, tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng cơ bản được kiểm soát.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.