| Hotline: 0983.970.780

Khát vọng của đất

Thứ Ba 31/10/2017 , 14:30 (GMT+7)

Huyện Lục Yên (Yên Bái) là vùng đất đá đỏ lừng danh một thời, nay là đá trắng. Những dãy núi đá trắng ngút ngàn đang là nỗi khát khao của nhiều người, nhưng đối với Mai Thanh Tùng mặc dù sống dưới chân núi đá, nhưng anh lại không màng tới đá, điều anh quan tâm nhất bây giờ là cây là đất.

Mảnh đất nào cằn cỗi người ta bỏ hoang thì anh mua để trồng cây. Màu xanh của cây là khát vọng của đất, khát vọng của người…
 

Mỏ sẽ hết, cây mãi mãi còn

Cách đây mấy năm, tôi theo đoàn công tác của Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái kiểm tra con đường xây dựng bằng vốn vay của Ngân hàng châu Á, nối thị trấn Yên Thế huyện lỵ Lục Yên lên xã Khánh Thiện, tình cờ gặp Mai Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Sơn Tùng ở đây. Một người còn rất trẻ chẳng ra dáng giám đốc, bởi anh nói năng nhẹ nhàng giống trí thức hơn là ông giám đốc xây dựng ăn nói bặm trợn, văng mạng mà tôi thường gặp.

23-13-29_1
Mai Thanh Tùng trên đồi cam mới trồng

Xã Khánh Thiện giáp huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, từ đó sang Phố Cáo khoảng chục cây số, nhưng đường rất khó đi. Con đường mở ra thuận lợi cho người dân giáp ranh hai tỉnh, năm 2014, 2015 hàng trăm xe tải chở gạo xuất khẩu sang Trung Quốc né trạm cân đặt tại Km 14 huyện Yên Bình, ngược Tuyên Quang đi qua Phố Cáo sang thị trấn Yên Thế rồi vòng ra quốc lộ 70 lên Lào Cai.

Những chiếc xe tải nặng 80-100 tấn hằng đêm cày nát con đường nhỏ bé khiến người dân vô cùng bức xúc. Công ty Tùng Sơn tham gia xây dựng con đường này, tải trọng thiết kế 13 tấn, không thể chịu nổi từng đoàn xe trọng tải lớn ngày đêm qua đây, anh phải nhờ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng mới ngăn chặn được những đoàn xe khủng.

Ông Hoàng Văn Đại, thôn Hua Tông, xã Khánh Thiện thành thật: Con đường qua nhà tôi trước đây là đường đất, xe chạy nát bét, hễ trời mưa xuống thì lầy lội không muốn bước chân ra đường. Trước đây đường được rải đá, nhưng cũng chỉ đi được một hai năm thì hỏng. Nhân dân kiến nghị mãi Nhà nước mới xây dựng con đường này. Khi Công ty Sơn Tùng khởi công tháng 9/2013 hơn bốn chục gia đình bà con ở đây không ai đòi tiền đền bù. Vì xây dựng con đường cho bà con đi, mình mất tí đất có gì mà kêu ca… Mai Thanh Tùng bảo: Giải phóng đất đai là bước khó khăn nhất của mọi công trình xây dựng. Tôn trọng nguyện vọng của người dân, đáp ứng nhu cầu chính đáng của họ thì mọi khó khăn đều được giải quyết…

23-13-29_4
Đồi cam sẽ che khuất những mỏ đá trắng trong tương lai

Tôi chú ý tới Tùng từ câu nói đó, thật ngạc nhiên khi biết anh đã đổ ba, bốn chục tỷ để mua đất trồng cây ăn quả, chủ yếu là cam và bưởi. Lục Yên từ lâu nổi tiếng là vùng đất đá đỏ, nhưng nơi đây cũng là vùng cam sành lừng danh.
 

Sở hữu hơn 100 ha cam

Chiều muộn tôi theo anh lên trang trại cam nhìn xuống thị trấn Yên Thế. Kẹp giữa đồi cam rộng 8 ha là hai khu mỏ khai thác đá trắng, trong đó một mỏ của công ty Bảo Lai, xe máy đang chạy rầm rầm. Anh cho hay: Trước đây khu đất này chủ yếu là lau chít, đất cằn đến nỗi khi máy ủi đất san các đường lô chỉ thấy toàn sỏi đá. Có người bảo tôi mua khu đất này với giá cắt cổ, năm mươi triệu một héc-ta là tính chuyện làm mỏ chứ trồng cấy gì. Thấy tôi dẫn nước lên đồi trồng cam, bây giờ thì cam đã ra quả thì họ mới thật tin…

23-13-29_2
Một góc vườn cam Mai Thanh Tùng mua lại của người dân

Không chỉ thế, anh sang tận Hà Giang mua những đồi cam cằn cồi của nhiều hộ dân ngót sáu chục héc-ta, người ta lại được một mẻ cười vì sự khờ dại và liều lĩnh của anh. Người Hà Giang chẳng dại gì đem bán đồi cam nếu những đồi cam ấy không có khuyết tật gì đó. Anh mời chuyên gia và những người trồng cam có kinh nghiệm đánh giá vì sao những đồi cam kia cho thu nhập thấp. Câu trả lời thật đơn giản: Cam đói! Hàng trăm tấn phân bón được vận chuyển lên đồi, rừng cam được hồi sinh trở lại. Lại là giống cam chín muộn, tháng 4-5 khi mùa cam đã hết thì đồi cam của gia đình anh cho thu hoạch, thương lái lên tận đồi thuê người hái. Vụ cam năm nay anh dự kiến thu hơn 300 tấn, bán giá rẻ 15.000đ/kg, thì cũng thu trên 4 tỷ đồng.

Tôi hỏi Tùng: Bây giờ gia đình mình có bao nhiêu ha cam và bưởi? Anh lẩm nhẩm rồi đáp: Tại huyện Lục Yên có khoảng 58 ha, còn huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang 54 ha, ngoài ra một số diện tích nhỏ chưa tính… Với diện tích hơn 100 ha cam như vậy Mai Thanh Tùng đang trở thành đại gia cam lớn nhất tỉnh Yên Bái.

Anh dự kiến xây dựng thương hiệu cam sạch mang tên Sơn Tùng, nên quyết định đầu tư một trang trại trâu bò nhằm chủ động nguồn phân bón và giải quyết công ăn việc làm cho số công nhân của công ty khi công việc xây dựng mỗi ngày một ít.

Thì ra là vậy, trại trâu bò mà sáng nay Hoàng Duy Tiến - Phó giám đốc Công ty Sơn Tùng dẫn tôi xem được đầu tư hơn 10 tỷ đồng trên diện tích 20 ha tại xã Hồng Quang. Đây là trại chăn nuôi trâu bò quy mô 500 con hiện đại nhất tỉnh Yên Bái do một công ty xây dựng đầu tư cũng là sự lạ.

Sau những giờ trên công trường xây dựng Tùng lại lên những đồi cam, anh chỉ những cành cam úa vàng bảo: Đây là cây cam thiếu dinh dưỡng, còn đây là sâu vè bùa… Anh vạch gốc cam chỉ lớp vỏ lạc đang mục bảo: Đất quá cằn cỗi và chai cứng, chúng tôi phải mua hàng chục tấn vỏ lạc để tạo độ mùn. Vụ tới, ngoài việc bón các loại phân hữu cơ chúng tôi còn sử dụng nước đậu ngâm với cá để tưới cho cam, dùng tấm ni lon phủ quanh gốc để chống cỏ dại và bay hơi nước. Phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để tạo ra sản phẩm cam chất lượng cao. Chỉ có thế, cam Sơn Tùng mới bước vào được các siêu thị và đến được các thị trường lớn…

23-13-29_3
Trại trâu, bò nơi cung cấp nguồn phân hữu cơ cho rừng cam

Tôi nhìn theo tay anh chỉ, những đồi cam bát ngát đang lên xanh. Có lẽ chỉ vài năm nữa nơi đây sẽ là rừng cam trĩu quả. Đó là khát vọng của đất, khát vọng của một con người. Người ấy là Mai Thanh Tùng.

Tôi hỏi: Sao anh không đầu tư vào các mỏ đá trắng mà lại đầu tư vào cây? Tùng đáp: Tôi yêu đất và yêu cây. Mỏ khai thác một thời gian thì hết, trồng cây thì mãi mãi còn. Chính vì thế mà tôi thấy chỗ đất nào bà con bỏ hoang, không trồng nổi cây gì thì tôi mua…

 

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

1.000 người múa bát mở màn Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Kạn

Tối 27/4, tỉnh Bắc Kạn khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2024, điểm nhấn của chương trình là màn múa bát với sự tham gia của 1.000 diễn viên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm