| Hotline: 0983.970.780

Khi nông thôn mới làm điểm tựa

Thứ Năm 05/05/2022 , 18:58 (GMT+7)

Vượt lên khó khăn, cán đích nông thôn mới và đó cũng là điểm tựa cho xã bãi ngang Hải Ninh phát triển kinh tế…

Xã vùng biển bãi ngang Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã vượt lên gian khó để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM). Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã cho hay: "Là xã nghèo, chúng tôi đã cán đích NTM. Đó cũng là điểm tựa, đòn bẩy cho địa phương phát triển sâu, rộng chế biến thủy sản, nông sản… cho thu nhập cao và tạo việc làm cho lao động địa phương”.

Một khu dân cư của xã biển Hải Ninh hôm nay. Ảnh: T.P

Một khu dân cư của xã biển Hải Ninh hôm nay. Ảnh: T.P

Xã biển đổi thay như phố thị

Có ai đó về Hải Ninh cách đây vài năm và bây giờ có dịp quay trở lại sẽ ngỡ ngàng trước những đổi thay của vùng quê biển. Cảm nhận đầu tiên là những con đường nhỏ cát bụi ngày nào đã được thay thế bằng những trục đường giao thông bê tông hóa rộng, thẳng tắp. Bất cứ con đường liên thôn, liên xóm nào cũng là những tuyến đường bê tông rộng chạy dài. Hai bên đường là những căn nhà xây cao tầng kiên cố còn mới màu sơn. Trường mầm non, trường học, trạm y tế xã… được đầu tư khang trang trong khuôn viên rộng thoáng.

Chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã ước đạt gần 100 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách của trung ương và tỉnh hơn 10 tỷ đồng. Còn lại ngân sách xã và người dân tự nguyện đóng góp. Từ nguồn vốn này, xã Hải Ninh đã triển khai bê tông hóa thêm 5 km đường ngõ xóm. Đầu tư xây dựng 5 tuyến đường đấu nối đường 569 ra bờ biển. “Đường giao thông nông thôn cơ bản đã được đầu tư đúng chuẩn. Hiện, chúng tôi tiếp tục triển khai thực hiện hệ thống kè khe cát và mở một số tuyến đường phục vụ phát triển du lịch dịch vụ ở các thôn Xuân Hải, Hiển Trung, Tân Định”, ông Liệu cho biết thêm.

Thu mua và chế biến thủy sản tại HTX chế biến thủy sản Vương Đoàn. Ảnh: T.P

Thu mua và chế biến thủy sản tại HTX chế biến thủy sản Vương Đoàn. Ảnh: T.P

Để thực hiện đạt các tiêu chí xây dựng NTM, xã Hải Ninh đã áp dụng phương châm “dễ trước, khó sau, không trông chờ ỷ lại”. Ông Phạm Văn Liệu cho hay: “Chúng tôi đã ưu tiên những tiêu chí dễ làm trước, như các tiêu chí điện, y tế, thủy lợi, hình thức tổ chức sản xuất; đồng thời, lồng ghép với những tiêu chí khó thực hiện để tiến hành cùng lúc”. Nhờ linh hoạt, khéo léo trong cách triển khai, mà đầu năm 2020, xã đạt 16/19 tiêu chí NTM, tăng 10 tiêu chí so với thời điểm bắt đầu triển khai (năm 2011). Đến đầu năm nay, Hải Ninh đã đạt 19/19 tiêu chí NTM.

Trong quá trình vận động xây dựng NTM, trên vùng quê biển xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất. Qua đó, phát triển kinh tế để thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, góp công sức lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn... Nhiều hộ gia đình tiêu biểu, như gia đình ông Nguyễn Văn Thành (thôn Tân Hải), Nguyễn Văn Thắm (thôn Cừa Thôn), Trương Văn Nam (thôn Hiển Trung) và hàng chục hộ gia đình khác đã hiến hàng trăm mét vuông đất vườn và tường rào; góp công, hiến tài sản để xây kè chắn lũ, mở rộng, cứng hóa đường ngõ xóm theo tiêu chí NTM.

Con đường nhựa trục chính của xã cũng là nơi có nhiều dịch vụ nhà hàng, ăn uống, giải trí. Ông Mai Văn Năm, một người dân xã Hải Ninh tự hào cho rằng, bây giờ người dân vùng biển không còn lạ với nhà cao tầng, xe hơi đắt tiền nữa bởi con em của họ đã là chủ nhân của những thứ đó. “Có nhiều con đường mà ở đó nhà cao tầng cứ san sát nối nhau. Trong sân nhà là ô tô, xẻ tải làm ăn. Ở nông thôn miền biển mà cứ như ở một phố thị nào đó”, ông Năm chia sẻ thêm.

Chú trọng sản xuất hàng hóa

Nhiều mô hình kinh tế gắn với sản phẩm truyền thống đã tăng thu nhập đáng kể cho người dân xã Hải Ninh. Thương hiệu khoai deo Hải Ninh, nước mắm Hải Ninh, tôm mực xuất khẩu Hải Ninh… đã có uy tín trên thương trường và vươn ra xuất khẩu. Qua đó nâng bình quân thu nhập đầu người lên 52,3 triệu đồng/năm.

Bà Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Ninh cho hay, hiện toàn xã đã có 6 hợp tác xã (HTX) chế biến thủy sản do chị em phụ nữ làm chủ. “Các HTX này đều gắn chặt với lao động  địa phương và tiêu thụ sản phẩm của ngư dân trên địa bàn. Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, nhiều hợp tác xã đã đi đầu trong phong trào xây dựng NTM”, bà Nhâm nói thêm.

Chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất thủy sản xuất khẩu của HTX chế biến thủy sản Vương Đoàn. Chị Nguyễn Thị Đoàn, Giám đốc HTX cho hay, sản phẩm của đơn vị thu mua, chế biến chủ yếu là tôm, mực. Hàng chất lượng cao đã được xuất sang thị trường Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản... Đơn vị có trên 10 lao động nữ đang cần mẫn làm việc. “Hàng năm, chúng tôi thu mua, chế biến và cung ứng ra thị trường hơn 300 tấn thủy sản. Trong đó, hàng khô xuất khẩu khoảng 100 tấn. Doanh thu sau thuế khoảng 3 tỷ đồng. Đó cũng là động lực để cho ngư dân ra khơi bám biển, bám ngư trường”, bà Đoàn nói.

Phát triển nghề chế biến hải sản truyền thống nâng cao thu nhập cho người dân vùng biển. Ảnh: T.P

Phát triển nghề chế biến hải sản truyền thống nâng cao thu nhập cho người dân vùng biển. Ảnh: T.P

Tại HTX mua bán và chế biến thủy sản Xuân Hồng, nhiều loại sản phẩm nước mắm đã có uy tín trên thị trường. Bà Nguyễn Thị Duế, Giám đốc HTX đã kiểm tra xong mấy trăm vại chứa mắm để làm sản phẩm nước mắm cốt đậm. Bà bảo, năm nay được mùa ruốc biển nên HTX mua tăng hơn năm trước. “Mỗi năm, HTX chúng tôi cung ứng ra thị trường vài ngàn lít nước mắm. Sản phẩm của chúng tôi được đóng chai, có nhãn mác và địa chỉ cụ thể để người tiêu dùng tin tưởng khi sử dụng”, bà Duế cho biết.

Cùng với việc đầu tư hệ thống hạ tầng thiết yếu, xã Hải Ninh còn chú trọng phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, khuyến khích phát triển các cơ sở dịch vụ, tăng cường tạo điều kiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn. Cùng với đó, địa phương chú trọng đào tạo nghề, tổ chức đăng ký nhu cầu học nghề các lớp thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy, chế biến món ăn, cho người lao động với trên 500 người đăng ký tham gia. Với những nỗ lực này, xã Hải Ninh đã nâng tỷ lệ lao động có việc làm trên địa bàn lên 92%.

Từ một xã vùng biển bãi ngang nghèo khó, Hải Ninh đã vươn vai đứng dậy cùng chương trình xây dựng NTM.  “Hải Ninh xác định rõ lộ trình cụ thể gắn với từng phần việc phải hoàn thành trong kế hoạch thực hiện. Qua đó, chúng tôi giữ vững và phát huy các tiêu chí NTM đã đạt được để bước thêm một  bước tiến mới”, ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh chia sẻ thêm.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.