| Hotline: 0983.970.780

Khô khát Krông pa

Thứ Tư 20/04/2016 , 15:40 (GMT+7)

"Chưa năm nào nắng nóng như năm nay. Tình hình này mà kéo dài, chắc là dân chết khát mất thôi, đến trâu bò cũng không còn nước để uống!...". Đó là nhận xét của nhiều cán bộ xã, cán bộ huyện, và cũng là ca thán...

"Chưa năm nào nắng nóng như năm nay. Tình hình này mà kéo dài, chắc là dân chết khát mất thôi, đến trâu bò cũng không còn nước để uống!...". Đó là nhận xét của nhiều cán bộ xã, cán bộ huyện, và cũng là ca thán của hầu hết nhân dân vùng "chảo lửa" huyện Krông Pa (Gia Lai).

Nơi nào cũng khô khát

Dưới cái nắng như thiêu như đốt của cao điểm mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi xuôi quốc lộ 25, về huyện Krông Pa - huyện cuối cùng của tỉnh Gia Lai, giáp ranh với tỉnh Phú Yên. Hai bên đường, cây cỏ héo rũ, đồng ruộng khô cháy vắt không ra giọt nước. Những cánh rừng khộp ở đèo Chư Sê giờ chỉ còn là những quả đồi trơ trụi với đá và... đá.

Đèo Tô Na - phân giới giữa thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa- một thời được nhắc đến với những mỹ danh như Thung Lũng Hồng, Thung Lũng Chân Trời Tím... giờ cũng chỉ là những quả đồi trọc lốc, tỏa ra hơi nóng hầm hập. Nhiệt kế trên xe chỉ nhiệt độ ngoài trời 40,5 độ.

Xuôi đèo Tô Na về huyện Krông Pa, quốc lộ 25 chạy men theo dòng sông Ba. Con sông được mệnh danh là lớn nhất, kỳ vỹ nhất vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ, bây giờ thi thoảng mới gặp được vài đoạn còn chút nước. Mấy chú mục đồng đen nhẻm, mấy chị phụ nữ J'rai nào tắm, nào giặt, nào uống nước cùng với lũ bò ốm đến trơ xương vì thiếu cỏ ăn, thiếu nước uống.

Lòng sông toàn cát là cát. Cát duềnh lên trắng xóa, lóa mắt dưới cái nắng đổ lửa xuống lòng sông cạn kiệt. Nhiều cư dân sống ven sông Ba ra sông, bới những cái giếng đường kính khoảng bốn mươi, năm mươi phân giữa lòng sông, với hy vọng mong manh rằng... dưới cát là nước.

Chúng tôi đến xã Đất Bằng gặp Chủ tịch UBND xã - ông Phan Vũ Hưng, ông Hưng than thở: "Đợt hạn năm nay là trầm trọng nhất từ trước đến nay mà tôi biết". Xã Đất Bằng có 9 thôn buôn với 957 hộ, 4.302 nhân khẩu. Theo Chủ tịch Hưng thì toàn xã đều bị ảnh hưởng trong đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài này, đặc biệt trong đó có 6/9 thôn buôn với trên 300 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

09-37-46_20160413_091514
Giữa lòng sông Ba

Buôn Ma Giai thuộc xã Đất Bằng của huyện Krông Pa, buôn này giáp ranh với xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên). Buôn có 142 hộ với 629 nhân khẩu, là buôn thiếu nước nghiêm trọng nhất của xã. Hôm nay dân làng hầu như ở nhà vì "không có việc gì để làm. Không có nước, không làm ruộng được. Rẫy thì nắng nóng thiêu cháy hết rồi", chị La O Thị Mai nói như mếu.

Phụ nữ, trẻ con túm tụm tránh nắng dưới những bóng cây ít ỏi trong làng. K'păh Hon (24 tuổi, dân tộc Chăm) ngồi ngậm điếu thuốc to bằng... ngón tay cái dưới chân nhà sàn. Hon nói: "Cả tháng nay không làm rẫy, làm ruộng được nữa, bọn cháu ở nhà chơi. Hôm nào có người gọi thì đi bốc mỳ lên xe thuê cho người ta, mỗi ngày một trăm ngàn đồng". 

Hon nói thêm: Bình thường dân làng ra suối Ma Sam dưới chân núi La Ông tắm giặt, sau đó gùi nước về làng để ăn uống, bây giờ suối không còn giọt nước.

Chia tay với cơn khát của bà con dân tộc Chăm ở buôn Ma Giai, chúng tôi vòng sang đường Trường Sơn Đông để đến với một "cơn khát" khác mang tên buôn Tối. Buôn Tối (xã Krông Năng, huyện Krông Pa) cách trung tâm huyện hàng chục cây số, là buôn đặc biệt khó khăn với 100% người đồng bào dân tộc thiểu số.

Đường vào buôn Tối cực kỳ khó đi nên gửi xe ô tô ở ngoài, tôi phải thuê một thanh niên J'rai chở vào buôn. Cũng chính vì đường khó đi, thường xuyên bị chia cắt nên buôn Tối bị cô lập như một ốc đảo. Ở cái nơi "ốc đảo" ấy, bà con có vô vàn nỗi lo như kiếm hạt gạo, củ khoai... Giờ 46 hộ dân trong buôn lại cõng thêm nỗi lo nữa là quay quắt với cơn khát.

Cũng như bao buôn làng khác ở Tây Nguyên, khi lập làng, người buôn Tối đã bám vào bờ sông Ba với niềm tin dòng nước mát này sẽ mang lại sự đủ đầy, phồn thịnh cho buôn làng. Vậy mà từ khi con đập thủy điện sừng sững chặn ngang dòng sông Ba phía hạ du (mang tên Thủy điện Sông Ba Hạ), dòng nước cuồn cuộn mát lành, nặng trĩu phù sa ấy đã trở thành một vũng nước đọng. Nước tù ngả màu xanh nhờn nhợt; cây cối, chất thải dồn ứ với nồng nặc mùi xú uế.

Trai làng Alê Phom (buôn Tối) cau có: “Trước kia nước trong vắt, nhà nào cũng ra sông tắm rồi cõng nước về làng uống. Từ khi sông ngừng chảy, tắm giặt xong xà phòng đứng luôn tại chỗ không trôi đi đâu cả, nước thì có mùi hôi tanh, tắm xong nhiều người bị ngứa". Biết vậy, nhưng người dân buôn Tối vẫn phải tắm ở đấy bởi, muốn tắm rửa ở nơi sạch hơn phải đi cả chục cây số...

Nỗ lực giải khát

Trước cơn khát lịch sử của nhân dân trong huyện, chính quyền các cấp huyện Krông Pa đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giải cơn khát cho bà con.

Phó Chủ tịch UBND xã Krông Năng - ông Nông Đức Công, cho biết: Chính quyền địa phương đã đầu tư đào giếng nước cho bà con theo Chương trình 135 nhưng cũng chỉ có nước trong mùa mưa, còn mùa khô thì giếng cũng trơ đáy. Bà con chủ yếu đi múc nước ở các khe lạch, sông suối ở xa làng. Huyện cũng đã đầu tư một số giếng khoan, nhưng không khoan được vì gặp đá bàn.

09-37-46_20160414_094637
Niềm vui khi nước về buôn Ma Giai

Còn Chủ tịch UBND xã Đất Bằng, ông Phan Vũ Hưng, cho biết: Trước tình hình nắng nóng gay gắt và thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng như hiện nay, xã đã đề nghị và được huyện cho tiến hành múc 22 hố nước lấy nước uống cho gia súc (đàn bò của xã có trên 6.000 con); đầu tư 3 giếng nước ở những lòng suối cạn để phục vụ sinh hoạt cho bà con ở những buôn làng thiếu nước nghiêm trọng.

Ngoài ra, huyện cũng đã cấp cho xã 3 bồn chứa nước (mỗi bồn 2.000 lít), đầu tư cho 3 buôn làng trọng điểm, mỗi ngày, Công ty Đô thị huyện cho xe chở một bồn nước (6.000 lít), đổ vào 3 bồn ở các làng để bà con lấy nước uống. Bên cạnh đó, xã cũng đã tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ nguồn nước tại chỗ, sử dụng nước tiết kiệm, biết chia sẻ với nhau trong lúc khó khăn...

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa- ông Tạ Chí Khanh, cho biết: "Toàn huyện đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Chúng tôi đang nỗ lực tìm mọi nguồn nước để kịp thời cung cấp đến bà con".

Cũng heo ông Khanh thì huyện đã kịp thời hỗ trợ cho nhân dân bằng nhiều hình thức như xây bể, cấp bồn chứa, lu lằng lọc... Vận động bà con tiết kiệm nước, san sẻ nguồn nước cho nhau...

Khi chúng tôi có mặt ở buôn Ma Giai (xã Đất Bằng), cũng là lúc chiếc xe chở nước của Công ty Đô thị huyện đưa niềm vui đến với dân làng. Mỗi ngày một chuyến, cứ khoảng gần cuối giờ sáng, chiếc xe lại chở nước đến đổ vào chiếc bồn 2.000 lít ở đầu làng. Cả làng từ cụ già, phụ nữ tranh thủ mang can ra lấy nước.

Anh lái xe nói: "Lúc nãy bọn em cấp nước cho trường tiểu học ở làng bên cạnh, khi thấy xe đến, học trò đang học trong lớp chạy túa ra dành nhau lấy nước uống". Mới biết, những nỗ lực của chính quyền địa phươngphần nào đã giải được cơn khát cho bà con trong lúc này.

Với người Tây Nguyên, nước là yếu tố không thể thiếu (bên cạnh lửa). Chả vậy mà khi lập làng, nhất thiết ngôi làng ấy phải ở bên cạnh một nguồn nước mát; chả vậy mà con gái lớn lên, muốn "bắt" được chồng, phải biết cõng nước từ suối về không rơi một giọt; chả vậy mà tên đất, tên làng ở Tây Nguyên, hầu hết đều bắt nguồn từ chữ "Nước": Ia (dân tộc J'rai), Đăk (dân tộc Barnah), Ea...

Còn bây giờ, nước là những gì quá đỗi xa xỉ với người dân buôn Tối, buôn Ma Giai, và với rất nhiều buôn làng khác đang trong cơn khát ở Tây Nguyên...

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm