| Hotline: 0983.970.780

Khổ vì 2 chữ “liên thông”

Thứ Hai 22/11/2010 , 07:15 (GMT+7)

Mới đây, Bộ GD- ĐT và Bộ LDD, TB- XH ký kết Thông tư liên tịch Hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp (TC) nghề, cao đẳng (CĐ) nghề lên trình độ CĐ và đại học (ĐH). Tuy nhiên, khi tiếp xúc một số sinh viên đào tạo theo hình thức này, PV đã ghi lại được sự thất vọng của họ.

Học liên thông để nhằm sinh viên có tay nghề vững. Đó cũng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp

Mới đây, Bộ GD- ĐT và Bộ LDD, TB- XH ký kết Thông tư liên tịch Hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp (TC) nghề, cao đẳng (CĐ) nghề lên trình độ CĐ và đại học (ĐH). Tuy nhiên, khi tiếp xúc một số sinh viên đào tạo theo hình thức này, PV đã ghi lại được sự thất vọng của họ.

“Thất nghiệp” vì “liên thông”

Theo phản ánh của các bạn nguyên là sinh viên khóa đầu tiên của Trường trung cấp Công nghiệp Việt - Hung (nay là trường Cao đẳng Việt Hung, Hà Nội) học liên thông tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã bị Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình từ chối chỉ vì hai chữ “liên thông”.

Anh N.T.Linh nói rằng, suốt 5 năm liên tục (2002-2007) anh và gần 60 bạn sinh viên khóa đầu tiên học liên thông phải học tập như các bạn khác thi chính quy ngay từ đầu, thậm chí lớp anh còn phải học nhiều hơn bởi muốn bổ sung trình độ sư phạm của mình. Ra trường anh mong muốn có thể xin được một công việc để có thể cống hiến ngay tại địa phương. Thế nhưng mọi ước muốn của anh đã sụp đổ khi lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình ngay khi nhìn thấy bảng điểm kết quả học tập đã trả lại hồ sơ chỉ vì bảng điểm có chữ “đào tạo liên thông".

Thế nhưng điều an ủi là Linh lại dễ dàng tìm được việc làm ổn định ngay tại Hà Nội. “Trong khi thành phố “thoáng” về bằng cấp thì tỉnh lại “khép” cơ hội chỉ vì hai chữ “liên thông” đó. Ai cũng mong muốn người có trình độ tay nghề giỏi thật sự về làm việc. Nếu như ngành giáo dục mà cứ nghĩ như tỉnh Thái Bình thì chúng tôi, những sinh viên học liên thông đâu có cơ hội để làm việc ở địa phương nữa” - anh L thắc mắc.

Còn với Thu Hà thì tìm một công việc ở tỉnh khó hơn thành phố. Sau hai năm học Trường ĐH Phương Đông, với khả năng học xuất sắc, Hà tiếp tục theo học liên thông ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Ba năm ngồi trên ghế giảng đường ĐH, cô cố gắng có được nhiều kiến thức để khi ra trường, dễ dàng kiếm việc ngay tại tỉnh nhà cho gần bố, gần mẹ. Thế nhưng ước mong đó đã bị vụt tắt khi chính lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình thẳng thừng: “Bằng tốt nghiệp liên thông hả, cầm ngay hồ sơ về nhà”.

Hà tâm sự: Nghe mấy câu đó mà em ngỡ ngàng quá chị à và không biết tại sao. Bằng Kỹ sư Công nghệ thông tin đạt loại khá lại có hai năm kinh nghiệm giảng dạy tại một trường cấp ba, chẳng nhẽ không đủ tiêu chuẩn hay sao?". Chị Hà cho biết, hiện nay do không được thi tuyển vào công chức, cô phải đi dạy hợp đồng cho trường trên tỉnh. Nhưng lương hợp đồng thấp lắm, mỗi tiết được trả 20.000 đồng. “Không biết ngành giáo dục mở ra hình thức đào tạo đó để làm gì khi chính cơ quan trong ngành giáo dục lại từ chối thẳng bằng cấp của chúng tôi” - Hà bức xúc.

Từ chối vì thừa nguồn tuyển

Ông Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội: Lo lắng đối với hình thức đào tạo này là làm thế nào kiểm soát chất lượng. Chất lượng đầu vào của hai hệ thống vênh nhau, đã vậy còn chuyện đào tạo một mạch và đào tạo một phần nhưng kết quả ra lại như nhau. Những nhà quản lý giáo dục phải có cách trả lời thế nào cho công bằng. Ngành giáo dục “trăm năm trồng người” không thể giả dối, nếu không cẩn thận thì chúng ta sẽ tạo ra những sinh viên “giả”, kiến thức không tương xứng.
Giải thích về việc tỉnh không tiếp nhận hồ sơ có chữ “liên thông”, ông Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình cho biết, hiện nay đội ngũ giáo viên đang dư thừa, nguồn tuyển cũng dư thừa nên chỉ biết hạn chế bằng cách lựa chọn hình thức đào tạo. Nói cách khác chỉ tuyển giáo sinh được đào tạo chính quy, chứ không tuyển chọn hình thức liên thông. Sở cũng biết, ngành giáo dục luôn khuyến khích sinh viên ra trường trở về địa phương làm việc nhưng Thái Bình bây giờ đã chật cứng biên chế rồi.

Có nguồn tuyển rất phong phú, trong khi chỉ tiêu công việc lại có hạn nên để “chắt lọc” được sinh viên chính quy, từ chối sinh viên có hai chữ “liên thông” là giải pháp hàng đầu hiện nay của tỉnh Thái Bình. Vì vậy, giáo viên muốn tuyển giảng dạy tại trường THCS Thái Bình bắt buộc phải có bằng chính quy. Nếu sau này, tỉnh cần thêm người thì sẽ có văn bản thông báo. Ông Bắc “nhắn nhủ”: Thái Bình đã hết chỉ tiêu rồi nên các bạn sinh viên đừng quá kỳ vọng tìm được việc làm ở đây.

Còn với TS Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề (Bộ LĐ-TB-XH), năm 2010, chỉ tiêu đào tạo tại các trường CĐ, TC nghề là 360.000 nhưng xem ra, các trường còn lâu mới tuyển đủ dù chỉ tiêu không nhiều. Nguyên nhân thì có nhiều, song cơ bản nhất là nhận thức của người dân và xã hội với dạy nghề còn hạn chế, còn tâm lý coi trọng việc học ĐH-CĐ chứ không chú trọng việc học nghề. Công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông còn nhiều bất cập, hướng học sinh học làm thầy nhiều hơn trở thành thợ giỏi.

Bên cạnh đó, chế độ tiền lương dành cho nghề nặng nhọc độc hại chưa có, rồi chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Việc phân luồng HS sau THCS, THPT cũng chưa hiệu quả.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.