| Hotline: 0983.970.780

Khổ vì 'giấy thông hành'

Thứ Năm 08/07/2021 , 15:00 (GMT+7)

Nhiều cơ sở y tế tại TP.HCM lâm vào tình trạng quá tải do lượng người đến xét nghiệm lấy giấy xác nhận âm tính SARS-CoV-2 quá đông, tạo nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đổ xô đi làm “giấy thông hành”

Trong những ngày qua, sau khi TP. HCM liên tục ghi nhận các ca nhiễm Covid-19, nhiều tỉnh giáp ranh đã thiết lập thêm nhiều chốt kiểm soát dịch bệnh.

Đặc biệt, nếu không xuất trình được giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, người dân từ TP.HCM sẽ không được phép vào các địa phương này. Vì thế, rất nhiều người lao động đã tìm đến các cơ sở y tế làm xét nghiệm để lấy "giấy thông hành".

Sáng sớm ngày 7/7 đã có rất đông người dân tập trung trước cổng Trung tâm y tế TP Thủ Đức để làm 'giấy thông hành'. Ảnh: Trần Trung.

Sáng sớm ngày 7/7 đã có rất đông người dân tập trung trước cổng Trung tâm y tế TP Thủ Đức để làm "giấy thông hành". Ảnh: Trần Trung.

Ghi nhận tại Trung tâm y tế TP Thủ Đức, lúc 7h sáng ngày 7/7, rất đông người dân đã đến điểm xét nghiệm, tới 9h sáng tại điểm này đã có cả trăm người xếp hàng để chờ đến lượt.

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, các nhân viên y tế khá vất vả khi vừa tiếp nhận làm thủ tục, vừa sắp xếp bố trí chỗ ngồi cho người dân và liên tục nhắc mọi người giữ khoảng cách an toàn. Thế nhưng, lượng người từ các nơi đổ về đây mỗi lúc một đông, có thời điểm trung tâm y tế phát thông báo tạm dừng hoạt động.

Cán bộ y tế vất vả phục vụ người dân đến làm xét nghiệm.

Cán bộ y tế vất vả phục vụ người dân đến làm xét nghiệm.

Tại Nhà thiếu nhi TP Thủ Đức cơ sở 1 (phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức) và Nhà thiếu nhi TP Thủ Đức cơ sở 2 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) cũng gặp tình trạng tương tự. Lãnh đạo phường phải cắt cử một bảo vệ để gác cổng, vừa hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định “5 K” của Bộ Y tế, vừa chốt cổng khi số lượng người vào khu vực lấy mẫu xét nghiệm vượt quá quy định.

Nhiều người dân đội nắng đứng chờ hàng giờ đồng hồ để được làm xét nghiệm và nhận kết quả. Ảnh: Trần Trung.

Nhiều người dân đội nắng đứng chờ hàng giờ đồng hồ để được làm xét nghiệm và nhận kết quả. Ảnh: Trần Trung.

Chị Lê Thị Thu Thảo, một công nhân làm việc tại khu công nghiệp sóng thần (Dĩ An, Bình Dương) cho biết, để có giấy này, chị phải xin nghỉ việc một buổi để xếp hàng chờ đợi. Trong khi tờ giấy chỉ sử dụng được có 3 ngày mà mất phí hết 300.000 đồng. "Không biết một tháng sẽ phải tốn bao nhiều tiền để ra vào Dĩ An, Bình Dương", chị Thảo nói.

Còn tại Bệnh viện Quân dân y Miền Đông, lượng người tới xét nghiệm nhanh Covid-19 trong ngày 7/7 cũng khá đông. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ hôm qua, bệnh viện đã chuẩn bị nhân sự đảm bảo xếp hàng trật tự nên không còn xảy ra tình trạng người dân chen lấn.

Bác sĩ Trương Hoàng Việt, Giám đốc bệnh viện Quân dân y Miền Đông, cho biết tình trạng người dân đến test nhanh Covid-19 đang là áp lực đối với bệnh viện.

Mỗi nơi 1 kiểu

Về chi phí xét nghiệm, văn bản số 5378/BYT-KHTC của Bộ Y tế nêu rõ, mức giá xét nghiệm test nhanh kháng nguyên Covid-19 đối với người tham gia bảo hiểm y tế thực hiện theo mức giá 238.000 đồng; người không thanh toán bảo hiểm y tế thực hiện theo mức giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt tối đa là 238.000 đồng. Giá xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR là 734.000 đồng/mẫu.

Người có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 mới được vào một số tỉnh lân cận TP.HCM. Ảnh: Trần Trung.

Người có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 mới được vào một số tỉnh lân cận TP.HCM. Ảnh: Trần Trung.

Tuy nhiên, tại hầu hết các cơ sở y tế công lập trên địa bàn TP.HCM đều thu với mức phí 300.000 đồng/ lượt. trong khi đó các điểm xét nghiệm ở Bình Dương từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/lượt.

Bác sỹ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết: "Hiện mỗi ngày bệnh viện đang tiếp nhận, thực hiện test nhanh cho khoảng 1.500 đến 2.000 người có nhu cầu xác nhận âm tính để đi làm việc hoặc cần đến các tỉnh thành khác. Chi phí dịch vụ của mỗi người là 350.000 đồng bao gồm phí thực hiện test nhanh 238.000 đồng theo quy định và các khoản phụ thu công khám, vật tư tiêu hao như găng tay, khẩu trang y tế, dụng cụ lấy mẫu".

Tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc 2 tọa lạc tại phường Bình Chuẩn, TP. Thuận An (Bình Dường) giá mỗi lần xét nghiệm nhanh là 350.000 đồng. Bệnh viện Đa khoa Medic Bình Dương từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng/lượt tùy theo mục đích xét nghiệm.

Nhiều người dân không khỏi bức xúc vì 'giấy thông hành'. Ảnh: Trần Trung.

Nhiều người dân không khỏi bức xúc vì "giấy thông hành". Ảnh: Trần Trung.

Anh Đỗ Văn Trình ngụ phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức bày tỏ: "Tôi làm nghề tự do, công việc mỗi ngày đều phải tới tỉnh Bình Dương. Hiện nay, mẫu test nhanh Covid-19 chỉ được công nhận trong thời gian 3 ngày, sau đó tôi phải làm lại mẫu khác để có xác nhận âm tính mới đủ điều kiện đi làm. Tính ra mỗi ngày tôi phải tốn hơn 100.000 đồng cho việc xét nghiệm, chưa kể phải tốn ít nhất một buổi nghỉ làm để đi lấy mẫu xét nghiệm. Nghỉ làm thì gia đình sẽ rơi vào khó khăn vì tôi là lao động chính nhưng tình hình này nếu kéo dài cũng sẽ phát sinh nhiều chi phí, tác động không nhỏ đến thu nhập".

Có giấy xác nhận chưa chắc an toàn

Biết rằng quy định xét nghiệm Covid-19 để lấy “giấy thông hành” trên là nhằm mục đích kiểm soát, hạn chế thấp nhất lây lan dịch bệnh. Thế nhưng, quy định này vô hình chung lại tạo áp lực và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho các bệnh viện và người dân. Chưa kể, mỗi địa phương lại quy định mỗi kiểu đang gây tốn kém, phiền hà cho mọi người. 

Nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các điểm xét nghiệm khi người dân tập trung quá đông. Ảnh: Trần Trung.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các điểm xét nghiệm khi người dân tập trung quá đông. Ảnh: Trần Trung.

Theo phân tích của BS Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, nếu một người đang trong thời gian ủ bệnh thì "giấy thông hành âm tính" không có giá trị bởi vì có thể vài ngày sau họ sẽ chuyển sang dương tính. Việc định nghĩa sự an toàn căn cứ trên kết quả test nhanh cũng không chắc chắn nếu kéo thời gian càng dài thì nguy cơ nhiễm bệnh càng cao, nhưng nếu rút ngắn thời gian thì sẽ tốn rất nhiều chi phí của người dân.

“Mặt khác, test nhanh Covid-19 nguy cơ trở thành con dao hai lưỡi bởi người test nhanh có kết quả âm tính và những người tiếp xúc có thể ngộ nhận rằng họ đã an toàn dẫn tới chủ quan không tuân thủ thông điệp 5K”, BS Khanh chia sẻ.

Các điểm xét nghiệm cần phải có phương án hiệu quả để giữ khoảng cách, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cho người dân. Ảnh: CTV.

Các điểm xét nghiệm cần phải có phương án hiệu quả để giữ khoảng cách, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cho người dân. Ảnh: CTV.

Từ thực tế trên, BS Khanh cho rằng, hiện nay TP.HCM đang thực hiện giãn cách và tuyên truyền sâu rộng thông điệp 5K, xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tập thể tổ chức tập trung đông người tại nơi công cộng, nhưng việc xét nghiệm lại tập trung khá đông người là mâu thuẫn trong công tác phòng chống dịch.

Ngoài cộng đồng đang có nhiều F0 lang thang nên các điểm xét nghiệm cần phải có phương án hiệu quả hơn để giữ khoảng cách, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cho người dân.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.