Hào hứng vào vụ thu hoạch
Sau chuỗi ngày dài giãn cách vì dịch Covid -19, chúng tôi tìm về huyện Thạnh Hóa, một trong những vùng “thủ phủ” khoai mỡ của tỉnh Long An. Thời điểm này, người nông dân địa phương đang tất bật vào mùa thu hoạch. So với những năm trước, vụ khoai năm nay không chỉ thu hoạch được mùa mà còn cao giá, giúp nông dân tăng thêm thu nhập.
Theo nông dân địa phương, khoai mỡ là một trong những loại cây trồng thể hiện ưu thế vượt trội về đặc tính thích nghi trên đất phèn ở vùng Đồng Tháp Mười. Khoai được trồng từ tháng 3 đến tháng 11 (Âm lịch) là cho thu hoạch.
Cách đây hơn 10 năm, nông dân địa phương này bắt đầu chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng khoai mỡ, với những đặc trưng nổi trội về hương vị thơm, ngon, dẻo, bùi, màu sắc đa dạng (tím than, tím bông lau và trắng)... được thị trường ưa chuộng. Cũng nhờ vào cây khoai mỡ đã giúp người nông dân nơi đây có cuộc sống ổn định.
Đến thăm vườn khoai mỡ của gia đình bà Nguyễn Thị Lan, ở xã Thủy Đông, một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi từ lúa sang trồng khoai mỡ. Xen kẽ những bờ kênh dẫn nước dài thẳng tắp là những ruộng khoai mỡ xanh mướt, mỗi một nhát cuốc bà con kéo lên được một bề khoai mỡ nặng trĩu.
Cầm trên tay củ khoai mỡ, bà Lan phấn khởi chia sẻ: “Trung bình mỗi công đất (1.000 m2) trồng được 3.000 gốc khoai, năm nay, thời tiết thuận lợi, đồng thời nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên cây khoai mỡ ít bị bệnh. Củ khoai mỡ to, tròn đều, năng suất đạt cao, bán được giá và tỉ lệ hàng khoai dạt rất ít, so với lúa thì khoai mỡ hiệu quả cao gấp nhiều lần”.
Theo bà Lan, gia đình bà trồng gần 3ha khoai mỡ, mỗi ha cho năng suất bình quân 15-20 tấn, đầu vụ bán với giá gần 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí qua các khâu làm đất, xuống giống, bón phân, khoảng 80 triệu đồng/ha, như vậy lợi nhuận thu được trên 150 triệu đồng/ha.
Tương tự, HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Kè với trên 50 xã viên và hàng trăm hộ liên kết, hiện tại mỗi ngày HTX cung cấp hàng chục tấn khoai mỡ vào các siêu thị trên địa bàn TP.HCM cũng như một số tỉnh, thành khác. Ông Phan Thành Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bến Kè cho biết, giá khoai mỡ trên thị trường đang tăng kỷ lục so với những năm gần đây. Hiện, giá khoai mỡ đang bán tại ruộng dao động từ 17.000 – 18.000 đồng/kg. Đây là mức giá kỷ lục so với vài ba năm gần đây. Hiện, HTX chỉ còn khoảng 40 tấn khoai mỡ đang chờ ngày giao hàng nốt là xong.
Đăng ký chỉ dẫn địa lý cho khoai mỡ Bến Kè
Theo Phòng NN-PTNT huyện Thạnh Hóa, địa phương đang có vùng chuyên canh trồng khoai mỡ của tỉnh Long An, với tổng diện tích khoảng 3.000 ha. Trước đây, mỗi năm, nông dân chỉ trồng 1 vụ khoai mỡ, nhưng đến nay có thể trồng 2 vụ/năm nhờ hệ thống đê bao do Nhà nước đầu tư. Bên cạnh đó, nông dân được ngành nông nghiệp hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật, trồng theo hướng VietGAP nên năng suất, chất lượng khoai tăng.
Hiện nay, khoai mỡ được sản xuất, thu mua theo hướng liên kết đầu ra, được tiêu thụ trong nước thông qua các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Ngoài ra, khoai mỡ còn được các doanh nghiệp thu mua, sơ chế và chế biến xuất khẩu. Đặc biệt, UBND tỉnh Long An vừa có quyết định giao quyền đăng ký, quản lý chỉ dẫn địa lý “Bến Kè” và cho phép sử dụng địa danh “Bến Kè” để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho củ khoai mỡ của huyện Thạnh Hóa. Đây cũng là thời cơ để sản phẩm khoai mỡ địa phương xây dựng thương hiệu trên thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, góp phần tăng vị thế của cây khoai mỡ trên vùng Đồng Tháp Mười.
Theo đó, sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, UBND huyện Thạnh Hóa được sử dụng dấu hiệu địa danh “Bến Kè” và bản đồ khu vực địa lý tương ứng với địa danh để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho logo của chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, UBND huyện Thạnh Hóa có trách nhiệm phối hợp quản lý, kiểm soát, bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ gắn với chỉ dẫn địa lý “Bến Kè” cho củ khoai mỡ.
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Kinh Kha, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thạnh Hóa cho biết: Cây khoai mỡ là một trong những cây trồng chủ lực của huyện. Thời gian qua, huyện tạo mọi điều kiện để phát triển và giữ ổn định diện tích khoai mỡ. Từ chỗ là cây trồng phụ, khoai mỡ đã trở thành cây trồng chủ lực, cây đặc sản của địa phương gắn liền với tên gọi khoai mỡ “Bến Kè” của huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
"Khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sẽ giúp khoai mỡ có chỗ đứng ổn định trên thị trường, nông dân có thu nhập cao, ổn định đầu ra và giữ vững nghề trồng khoai. Phát huy tiềm năng và thế mạnh đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp địa phương sẽ tiếp tục tăng cường khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng mô hình thâm canh hiệu quả cao", ông Nguyễn Kinh Kha nói.