| Hotline: 0983.970.780

Khoai mỡ Đồng Tháp Mười - [Bài 2] Chuyện làm giàu của nông dân Tân Phước

Thứ Tư 17/11/2021 , 14:41 (GMT+7)

HTX Tân Phước xây dựng hệ thống quản lý, liên kết các doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi cho xã viên làm giàu từ cây khoai mỡ.

Làm giàu trên vùng "rốn lũ"

Tân Phước là địa bàn của tỉnh Tiền Giang trồng khoai mỡ chuyên canh, với diện tích rộng hàng ngàn ha nằm trên các xã Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông, Hưng Thạnh, Phú Mỹ... Khoai mỡ Tân Phước từ lâu nổi tiếng về chất lượng. Các giống khoai tím than, tím bông lau, phục linh luôn khẳng định được thương hiệu và uy tín, thị trường rất ưa chuộng.

Tân Phước là địa bàn trồng khoai mỡ chuyên canh, với diện tích rộng hàng ngàn ha. Ảnh: Trần Trung.

Tân Phước là địa bàn trồng khoai mỡ chuyên canh, với diện tích rộng hàng ngàn ha. Ảnh: Trần Trung.

Theo người dân nơi đây, ngoài phèn chua, nhiễm mặn, Tân Phước còn được xem là “rốn lũ” của vùng Đồng Tháp Mười. Nếu như trước đây, sau tháng 10, 11 khi nước lũ rút đi mới có thể xuống giống khoai mỡ và đến tháng 4, 5 năm sau mới bắt đầu cho thu hoạch. Thế nhưng đến nay nhờ có hệ thống đê bao hoàn thiện, nhiều nông dân chủ động trồng rải vụ để khoai mỡ thu hoạch vào mọi thời điểm trong năm nên giá bán rất ổn định.

Đến thăm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phước, một trong những HTX tiên phong liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, chúng tôi cảm nhận được niềm vui và sự khá giả của bà con nơi đây. Trên khuôn viên nhà xưởng gần 2.000 m2, hàng chục tấn khoai mỡ đã được sơ chế xếp nằm ngay ngắn từng dãy, bên ngoài nhà xưởng là những chiếc xe tải đang chờ “ăn hàng” để vận chuyển khoai vào các chuỗi siêu thị tại TP.HCM.

Ông Trần Tuấn Khải, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phước cho biết: Trước đây, đời sống của người dân trong xã gặp nhiều khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ, không chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật và khó khăn về đầu ra, kinh tế hộ cũng như địa phương kém phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Ban Giám đốc HTX và các thành viên đã xây dựng hệ thống quản lý, liên doanh, liên kết với các công ty, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX ngày càng phát triển.

Hàng chục tấn khoai mỡ của HTX Tân Phước đã được sơ chế xếp ngay ngắn từng dãy để chờ các đơn vị đến thu mua. Ảnh: Minh Sáng.

Hàng chục tấn khoai mỡ của HTX Tân Phước đã được sơ chế xếp ngay ngắn từng dãy để chờ các đơn vị đến thu mua. Ảnh: Minh Sáng.

“Với vai trò cầu nối trong chuỗi sản xuất, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp thu mua khoai mỡ từ thành viên và người dân địa phương. Sau 2 năm, HTX chúng tôi đang là một trong 20 nhà cung cấp chủ lực khoai mỡ cho chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh với trên 10 tấn khoai/ngày, giá ổn định trên 15.000 đồng/kg. Hiện, 100% xã viên của HTX đều có thu nhập khá, trong đó không ít hộ còn có thu nhập cả tỷ đồng/năm cũng nhờ vào khoai mỡ”, ông Khải hào hứng chia sẻ.

Tạo cơ nghiệp bền vững

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tân Phước, xác định khoai mỡ là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Tân Phước trên vùng Đồng Tháp Mười, trong những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ nông dân về nhiều mặt như: phân vùng quy hoạch, khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, nhân rộng những mô hình thâm canh khoai mỡ hiệu quả để bà con học tập áp dụng, nhằm tăng thu nhập cho kinh tế hộ.

Nhờ khoai mỡ, nông dân miền đất Tân Phước có thu nhập ổn định, nhiều hộ trở nên khá giả. Ảnh: Minh Sáng.

Nhờ khoai mỡ, nông dân miền đất Tân Phước có thu nhập ổn định, nhiều hộ trở nên khá giả. Ảnh: Minh Sáng.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tân Phước Huỳnh Văn Bườn cho biết, trước đây, trồng khoai mỡ thường lệ thuộc vào thiên nhiên, canh tác theo tập quán và kinh nghiệm, năng suất bấp bênh. Tuy nhiên, những năm gần đây tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh cuộc cách mạng trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến được áp dụng trong quá trình trồng và canh tác khoai mỡ nên đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhất là hệ thống đê bao ngăn lũ được hoàn thiện, quy trình chăm sóc theo khoa học, phòng chống sâu bệnh cập nhật kịp thời giúp nông dân chủ động từ mùa vụ sản xuất đến chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch khoai mỡ.

“Khoai mỡ trồng sau khoảng 4 tháng đến 4 tháng rưỡi là cho thu hoạch, năng suất trung bình từ 12 - 15 tấn/ha. Vụ khoai mỡ năm 2021 được xem là thắng lợi lớn của địa phương. Trong vụ này, nông dân Tân Phước xuống giống 520 ha, với giá dao động từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg tùy thời điểm, mỗi ha khoai mỡ cho nông dân thu lợi nhuận cả trăm triệu đồng”, ông Bườn chia sẻ.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Phước Võ Văn Bằng cũng cho biết thêm, khoai mỡ là cây trồng đặc hữu ở vùng Đồng Tháp Mười. Nhờ khoai mỡ, nông dân miền đất mới sớm có thu nhập ổn định, hưởng cuộc sống an cư lạc nghiệp. Địa phương khuyến khích phát huy tiềm năng và thế mạnh của giống cây này nhằm giúp bà con tạo cơ nghiệp bền vững.

Vụ khoai mỡ năm 2021 được xem là thắng lợi lớn của địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Vụ khoai mỡ năm 2021 được xem là thắng lợi lớn của địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Hiện nay, nhiều mô hình mới trên lĩnh vực thâm canh khoai mỡ mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Tân Phước. Đó là các mô hình: khoai mỡ + khóm (dứa), khoai mỡ kết hợp luân canh cây lạc, chuyên canh khoai mỡ trong đê bao.... Đến nay, cây khoai mỡ trên vùng Đồng Tháp Mười đang phát huy vai trò cây trồng chủ lực, sớm giúp nông dân an cư lạc nghiệp và diện mạo nông thôn mới mỗi ngày thêm phồn thịnh, tươi vui. 

"Trước đây, mỗi năm cây khoai mỡ chỉ trồng một vụ, thời gian kéo dài đến 6 tháng mới thu hoạch, nhưng hiện nay khi bà con nông dân chủ động áp dụng kỹ thuật trồng rải vụ gần như quanh năm; đặc biệt là thời vụ thu hoạch trước Tết Nguyên đán đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó, giá trị của cây khoai mỡ vùng Đồng Tháp Mười được nâng cao, giúp nông dân càng có thêm động lực gắn bó với miền đất mới giàu tiềm năng này”, ông Bằng nhấn mạnh.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.