| Hotline: 0983.970.780

Khởi động dự án bảo vệ hệ sinh thái ven biển ĐBSCL

Thứ Sáu 15/03/2024 , 18:24 (GMT+7)

Thông qua Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam bảo vệ hệ sinh thái ven biển vùng ĐBSCL.

Chọn Kiên Giang và Sóc Trăng triển khai

Ngày 15/3, tại TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), lãnh đạo Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) và các tỉnh ĐBSCL phối hợp cùng Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF Việt Nam) tổ chức lễ khởi động Dự án Bảo vệ hệ sinh thái ven biển vùng ĐBSCL. Kiên Giang và Sóc Trăng là 2 tỉnh ở vùng ĐBSCL được chọn triển khai và hưởng lợi từ dự án này.

Dự án Bảo vệ hệ sinh thái ven biển vùng ĐBSCL chú trọng tới chuyển đổi nghề, cải thiện sinh kế cho cộng đồng ven biển. Ảnh: Trung Chánh.

Dự án Bảo vệ hệ sinh thái ven biển vùng ĐBSCL chú trọng tới chuyển đổi nghề, cải thiện sinh kế cho cộng đồng ven biển. Ảnh: Trung Chánh.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật bảo vệ hệ sinh thái ven biển vùng ĐBSCL (MDC) sử dụng vốn ODA của Chính phủ Hoa Kỳ do USAID tài trợ cho Việt Nam thông qua IUCN.

Dự án có kinh phí 2,9 triệu USD, với mục tiêu tập trung hỗ trợ nhằm giảm thiểu các mối đe dọa đến đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản ven bờ, cũng như tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của vùng ven biển tại khu vực ĐBSCL.

Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID tại Việt Nam khẳng định: “Dự án là cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ vì một Việt Nam phát triển bền vững, thịnh vượng”. Bà Aler Grubbs cho rằng, ĐBSCL là khu vực có đóng góp rất lớn cho an ninh lương thực, nhất là về lúa gạo và thủy hải sản. Tuy nhiên, trước tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu, đã ảnh hưởng rất nhiều đến hệ sinh thái ven biển, phá hủy rừng ngập mặn, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân ven biển.

Dự án được thực hiện cùng các đối tác là các cơ quan trung ương của Việt Nam, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, ban quản lý các khu bảo tồn biển, các đối tác phát triển và cộng đồng ngư dân.

“Lễ khởi động dự án ngày hôm nay góp phần thúc đẩy ưu tiên chung của chúng tôi với Việt Nam nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại khu vực ĐBSCL - nơi đóng vai trò rất quan trọng nhưng ngày càng dễ bị tổn thương, đồng thời đóng góp vào quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ”, Giám đốc USAID Việt Nam Aler Grubbs phát biểu tại sự kiện.

Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID tại Việt Nam khẳng định: 'Dự án là cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ vì một Việt Nam phát triển bền vững, thịnh vượng'. Ảnh: Trung Chánh.

Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID tại Việt Nam khẳng định: “Dự án là cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ vì một Việt Nam phát triển bền vững, thịnh vượng”. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Trương Thanh Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, Kiên Giang là tỉnh có lợi thế về phát triển kinh tế biển và có đội tàu khai thác thủy sản lớn nhất cả nước. Hoạt động khai thác thủy sản đã góp phần rất lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm, sinh kế cho hàng chục ngàn lao động của tỉnh. Tuy nhiên, nghề khai thác thủy sản đang bộc lộ nhiều hạn chế, vẫn còn tàu cá hoạt động nghề cấm, sử dụng ngư cụ có tính hủy diệt, thiếu chọn lọc, làm cho môi trường biển bị xâm hại, khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm.

Dự án bảo vệ các hệ sinh thái ven biển vùng ĐBSCL tập trung vào một số khu vực trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng nhằm góp phần bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản, phát triển ngành thủy sản bền vững.

Việc triển khai dự án rất có ý nghĩa khi hướng đến các biện pháp, áp dụng các mô hình, phương thức quản lý với sự tham gia của nhiều thành phần để giải quyết những tồn tại, thách thức trong quản lý nguồn tài nguyên, giảm thiểu các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học, môi trường và nguồn lợi thủy sản ven biển, chống khai thác IUU.

Phía Kiên Giang đề xuất với USAID tại Việt Nam ngoài dự án bảo vệ các hệ sinh thái ven biển vùng ĐBSCL, cần quan tâm đến việc nghiên cứu, tài trợ các chương trình, dự án liên quan đến giảm phát thải carbon nhằm góp phần triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Quan tâm đầu tư hỡ trợ nâng cao năng lực hệ thống khuyến ngư cơ sở vùng ĐBSCL nhằm đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Dự án Bảo tồn hệ sinh thái ven biển ĐBSCL nhắm tới những khu vực bờ biển dễ bị tổn thương nhất, Khu Bảo tồn biển Phú Quốc và các đảo, quần đảo trên vùng biển Tây. Ảnh: Trung Chánh.

Dự án Bảo tồn hệ sinh thái ven biển ĐBSCL nhắm tới những khu vực bờ biển dễ bị tổn thương nhất, Khu Bảo tồn biển Phú Quốc và các đảo, quần đảo trên vùng biển Tây. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng cho biết, tỉnh có bờ biển dài 72km, là nơi cư trú đa dạng các loài thủy hải sản. Về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi tôm nước lợ hàng năm của tỉnh khoảng 50.000ha, với sản lượng bình quân 200.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản khoảng 1 tỷ USD.

Tuy nhiên hiện nay, biến đổi khí hậu càng gia tăng, tình trạng sạt lở xảy ra khá nghiệm trọng, nhất là tại các huyện ven biển như Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Hàng năm sóng biển đã làm mất hàng chục ha rừng. Chỉ riêng năm 2023, rừng ngập mặn bị sạt lở 42,6ha, chủ yếu trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu. Vì vậy, Sóc Trăng mong muốn dự án sẽ sớm được triển khai kịp thời, phát huy hiệu quả trên địa bàn Sóc Trăng cùng với tỉnh Kiên Giang, góp phần đạt mục tiêu chung của dự án.

Nhân rộng ra toàn vùng ĐBSCL

ĐBSCL và các hệ sinh thái ven bờ biển là nơi tập trung của 70% rừng ngập mặn và 90% diện tích thảm cỏ biển tại Việt Nam. Đây là môi trường thuận lợi để phát triển nguồn lợi thủy sản phong phú nhất tại Việt Nam, tạo sinh kế cho cộng đồng ven biển, đồng thời giảm tác động của thiên tai. Tuy nhiên, những khu vực sinh cảnh này và nhiều loài thủy sản có giá trị thương mại quan trọng đang phải đối mặt với các mối đe dọa do tình trạng khai thác quá mức và phát triển chưa theo quy hoạch, gây tác động lâu dài đến sinh kế và cuộc sống người dân.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản phát biểu tại lễ khởi động dự án. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản phát biểu tại lễ khởi động dự án. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nhấn mạnh: “Các hoạt động của dự án tập trung ở 2 tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng nhằm hỗ trợ địa phương giải quyết những tồn tại, thách thức trong quản lý, sử dụng và khai thác tài nguyên thủy sản, giảm thiểu các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học, môi trường và các hệ sinh thái thủy sinh. Dự án đồng thời chú trọng tới chuyển đổi nghề, cải thiện sinh kế cho cộng đồng ven biển. Các kết quả của dự án sẽ được nhân rộng sang các tỉnh ĐBSCL thông qua các hội thảo, diễn đàn, hội nghị, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lợi thủy sản, tăng cường sức chống chịu vùng ven biển cho sự phát triển bền vững ở ĐBSCL”.

TS Andrew Wyatt, Giám đốc Dự án MDC, Phó Giám đốc IUCN khu vực hạ lưu sông Mekong chia sẻ, sự suy giảm của rừng ngập mặn - vốn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa vi khí hậu càng làm trầm trọng thêm những vấn đề của biến đổi khí hậu, gây nguy hiểm cho nguồn giống tôm, cá tự nhiên và đẩy nhanh tình trạng sụt lún đất.

Để giải quyết những mối quan ngại cấp bách này, Dự án Bảo tồn hệ sinh thái ven biển ĐBSCL nhắm tới những khu vực bờ biển dễ bị tổn thương nhất của ĐBSCL, từ biển Đông đến biển Tây, Khu Bảo tồn biển Phú Quốc đến các quần đảo như Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du (tỉnh Kiên Giang) đến Vĩnh Châu và Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng). Dự án sẽ dành toàn bộ tâm huyết để bảo vệ và tăng cường khả năng phục hồi của các hệ sinh thái quan trọng này.

TS Andrew Wyatt, Giám đốc Dự án MDC cho biết, dự án sẽ thí điểm các biện pháp bảo tồn, khôi phục tài nguyên thiên nhiên tại ĐBSCL và có thể nhân rộng trên toàn quốc. Ảnh: Trung Chánh.

TS Andrew Wyatt, Giám đốc Dự án MDC cho biết, dự án sẽ thí điểm các biện pháp bảo tồn, khôi phục tài nguyên thiên nhiên tại ĐBSCL và có thể nhân rộng trên toàn quốc. Ảnh: Trung Chánh.

“Dự án sẽ thí điểm các biện pháp bảo tồn, khôi phục tài nguyên thiên nhiên tại ĐBSCL và có thể nhân rộng trên toàn quốc. Dự án cũng sẽ triển khai các hoạt động tập huấn và nâng cao năng lực, khảo sát, phân tích chính sách cũng như mô hình trình diễn. Chúng tôi hi vọng sẽ được hợp tác với chính quyền trung ương và địa phương để lồng ghép kết quả dự án vào các quyết định quy hoạch và đầu tư”, TS Andrew Wyatt chia sẻ.

Kế hoạch dự kiến thực hiện năm 2024 của Dự án Bảo tồn hệ sinh thái ven biển ĐBSCL gồm 3 hợp phần. Hợp phần 1 nhằm tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn biển của Vườn Quốc gia Phú Quốc, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và các bên liên quan vào công tác bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học biển.

Hợp phần 2 thúc đẩy quản lý và sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản tại các hệ sinh thái ven biển. Hợp phần 3 bảo vệ hệ sinh thái ven biển vùng ĐBSCL thông qua các giải pháp phục hồi rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, đảm bảo sinh kế của cộng đồng ngư dân.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm