| Hotline: 0983.970.780

Khởi sắc mía đường: [Bài 9] Cần cái bắt tay giữa nông dân và doanh nghiệp

Thứ Năm 06/03/2025 , 11:03 (GMT+7)

CAO BẰNG Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là việc phát triển chuỗi liên kết sản xuất mía đường và đảm bảo công bằng lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp.

Kho đường mía tinh luyện của Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng. Ảnh: Quang Linh.

Kho đường mía tinh luyện của Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng. Ảnh: Quang Linh.

Bài liên quan

Những năm gần đây, ngành mía đường trong nước đã và đang đối mặt với nhiều thách thức như diện tích mía nguyên liệu sụt giảm, thời tiết không thuận lợi, cùng với đó phải chịu sự cạnh tranh tranh của đường nhập lậu.

Tại vùng nguyên liệu mía thuộc huyện Quảng Hòa (Cao Bằng), những khó khăn còn tới từ tinh trạng đứt gãy chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân, nếu không được khắc phục và tìm ra hướng đi phù hợp sẽ ảnh hưởng rất lớn tới ngành mía đường của địa phương.

Vụ mía 2024 - 2025, Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng duy trì diện tích mía nguyên liệu đạt trên 2.500ha, khuyến khích đầu tư thâm canh, năng suất bình quân đạt trên 65 tấn/ha, sản lượng mía đạt 160.000 tấn. Vùng nguyên liệu của doanh nghiệp này chủ yếu thuộc huyện Quảng Hoà, một phần thuộc huyện Thạch An và Trùng Khánh (Cao Bằng) với khoảng 4.000 hộ dân trồng mía ký hợp đồng liên kết với nhà máy.

Bài liên quan

Nhà máy của Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng có công suất thiết kế 1.800 tấn/ngày, hiện nay đang vận hành với công suất thực tế khoảng 1.600 tấn/ngày.

Về giá thu mua mía nguyên liệu, loại A gồm các giống mía ROC 22, Quế Đường 42, Quế Đường 44, Quế Đường 46 và BM1 Công ty thu mua với giá từ 1.310 - 1.390 đồng/kg tại nhà máy (tuỳ chất lượng), tại ruộng sẽ thấp hơn 90 đồng/kg.

Loại B gồm các giống mía Quế Đường 94/119, BC66, Tân Đài 25, DL49, ROC27, ROC23 và các giống khác không thuộc loại A, loại C, Công ty thu mua với giá từ 1.240 - 1.320 đồng/kg (tuỳ chất lượng), tại ruộng sẽ thấp hơn 90 đồng/kg.

Loại C gồm các giống BM423 và KK3, Công ty thu mua với giá từ 1.040 - 1.120 đồng/kg (tuỳ chất lượng), tại ruộng sẽ thấp hơn.

Trong niên vụ sản xuất, nếu thị trường mía đường tích cực, Công ty cam kết điều chỉnh tăng giá thu mua mía để chia sẻ lợi ích cùng người trồng mía.

Vùng nguyên liệu "chảy máu"

Bài liên quan

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Quảng Hoà xuất hiện xu hướng nông dân bán mía cho thương lái để xuất khẩu sang Trung Quốc do chênh lệch giá. Theo tìm hiểu của phóng viên, mức giá thương lái thu mua không cao hơn 20 đồng/kg so với giá thu mua của Công ty cổ phẩn Mía đường Cao Bằng.

Về lý do bán cho thương lái, một số nông dân nơi đây cho hay, tuy giá thu mua của thương lái chỉ cao hơn nhà máy 10 đồng/kg nhưng lại được thu mua nhanh và sớm hơn. Nhiều bà con ở xa nhà máy lo ngại việc nhà máy thu mua chậm sẽ khiến mía mọc mầm, khó chặt, độ đường giảm. Ngoài ra, việc thu hoạch muộn khiến việc làm đất, bắt đầu vụ mới trễ hơn so với các hộ được bán sớm.

Theo anh Hoàng Văn Lập, nông dân trồng mía tại tổ dân phố Bó Pu (thị trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hòa) thì những lợi ích từ việc bán mía sớm không thấm tháp vào đâu so với những rủi ro của việc rớt giá nông sản.

"Từ khi có thương lái, nhiều hộ dân đã quay xe, không ký hợp đồng bán mía cho doanh nghiệp nữa. Thương lái thì có lợi thế là thu mua nhanh, còn bán cho công ty phải gắp thăm theo thứ tự mới được thu hoạch mía theo kế hoạch", anh Lập cho biết.

Bà Nông Thị Nậu (phải) - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng kiểm tra chất lượng mía nguyên liệu. Ảnh: Quang Linh.

Bà Nông Thị Nậu (phải) - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng kiểm tra chất lượng mía nguyên liệu. Ảnh: Quang Linh.

Bài liên quan

Bà Nông Thị Nậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng lo ngại: “Niên vụ 2023 - 2024, có trên 30.000 tấn mía (chiếm hơn 20% tổng sản lượng mía nguyên liệu toàn vùng) do tư thương và doanh nghiệp khác đóng trên địa bàn thu mua để xuất sang Trung Quốc. Đến vụ mía 2024 - 2025, con số này đã tăng lên trên 30%. Tình trạng này dự kiến sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian tới”.

Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng chỉ có duy nhất nhà máy của Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng có thể sản xuất đường quy mô công nghiệp. Ngoài ra, vùng nguyên liệu mía trên địa bàn của Công ty đã giảm từ 3.500ha xuống còn 2.500ha như hiện tại do thiếu nhân lực trẻ tham gia sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Theo tính toán của doanh nghiệp này, hiện có khoảng 1.000 hộ không hộ trồng mía không ký hợp đồng bán nguyên liệu cho Công ty để bán cho thương lái. Trong niên vụ 2023 - 2024 có 5 điểm cân của thương lái hoạt động rầm rộ, năm nay đã lên tới 7 điểm cân. Đặc biệt, một số người dân đã ký hợp đồng bán mía cho Công ty nhưng vẫn bán cho thương lái để lấy giá chênh lệch.

Ảnh hưởng cả đôi bên

Theo bà Nậu, người dân có quyền lựa chọn bán mía cho ai. Tuy nhiên, nếu người trồng mía không ký hợp đồng liên kết với Công ty ngay từ đầu vụ sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất chung của đơn vị, sau này nếu muốn đổi ý bán cho Công ty sẽ phải chờ sau những hộ dân đã ký hợp đồng.

“Điều đáng lo ngại là chuỗi liên kết sản xuất bị đứt gãy. Chúng tôi là doanh nghiệp, có nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ người dân trong quá trình canh tác. Bán mía cho Công ty, người dân sẽ an tâm về giá, khi có dịch hại phát sinh sẽ có cán bộ kỹ thuật hỗ trợ. Lịch sử đã có nhiều thời điểm giao thương biên mậu gặp khó khăn, giá mía thương lái thu mua xuống cực thấp, người dân lại tìm về bán mía cho nhà máy”, bà Nậu chia sẻ.

Hiện nay, Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng hoạt động ổn định đang giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho 300 lao động địa phương, cùng với đó tạo nhiều công việc liên quan tới các lĩnh vực phụ trợ như vận tải, bốc xếp, thu hoạch, vật tư nông nghiệp...

Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng đầu tư trang thiết bị hiện đại trong sản xuất. Ảnh: Quang Linh.

Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng đầu tư trang thiết bị hiện đại trong sản xuất. Ảnh: Quang Linh.

Việc thiếu nguyên liệu do không thể thu mua khiến kế hoạch sản xuất của Công ty khó khăn, bị động, khó ký kết hợp đồng với các đối tác, ảnh hưởng đến chi phí đầu tư và lợi nhuận của doanh nghiệp. Nói cách khác, đứt gãy chuỗi liên kết khiến cả nông dân và doanh nghiệp đều thiệt hại.

"Để xây dựng chuỗi liên kết, người dân phải thay đổi tư duy sản xuất, không nên nhìn về cái lợi trước mắt. Chúng ta có điều kiện để liên kết sản xuất, giá bán ổn định và đã được minh chứng qua lịch sử hàng chục năm hoạt động của nhà máy thì tại sao lại không làm?", bà Nậu trăn trở.

Xây dựng chuỗi liên kết hài hòa lợi ích

Thời gian tới, Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng sẽ tiếp tục cử cán bộ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các nông hộ trồng mía theo quy trình kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, thâm canh tăng năng suất và phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời. Đồng thời đầu tư, ký hợp đồng bao tiêu với từng hộ dân, áp dụng Nghị định 98/2018/NĐ-CP để xây dựng chuỗi liên kết. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư mía giống, phân bón bằng hình thức cho vay không tính lãi với các hộ trồng mía trong vùng nguyên liệu. Có chính sách hỗ trợ chi phí cho công tác làm đất đối với diện tích chuyển đổi cây trồng sang trồng mía.

Bà Nậu chia sẻ, mục tiêu của doanh nghiệp là tập trung củng cố, phát triển chuỗi liên kết sản xuất mía đường trên nguyên tắc bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước, hài hòa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cùng với đó, ổn định vùng nguyên liệu mía trong điều kiện biến đổi khí hậu, vận hành và tiết kiệm nguồn nước, áp dụng các giải pháp công nghệ và kỹ thuật để phối hợp với nông dân sử dụng tối ưu nguồn nước cho cây trồng.

Cuối cùng là triển khai chương trình tuyển chọn giống mía nhằm tối ưu hóa cơ cấu bộ giống mía, tạo ra bước đột phá trong việc tăng năng suất và chất lượng mía.

Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng mong muốn chính quyền địa phương, Hiệp hội Mía đường Việt Nam có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất mía đường bền vững.

Hiện nay, giá đường trong nước giảm và ở mức thấp so với các quốc gia trồng mía trong khu vực (Indonesia, Philippines và Trung Quốc).

Giá đường sản xuất từ mía trong nước tùy phẩm cấp đường (chất lượng và cỡ hạt) dao động ở mức như sau: Đường kính trắng từ 19.300 - 20.000 đồng/kg, đường tinh luyện 21.200 - 21.800 đồng/kg, đường vàng 20.300 đồng/kg.

Xem thêm
Để phát triển chăn nuôi lợn bền vững, cần chấn chỉnh công tác thú y tuyến huyện, xã

Theo ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, để phát triển chăn nuôi lợn bền vững, các địa phương cần chấn chỉnh công tác thú y tuyến huyện, xã.

Đắk Lắk bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ vacxin

ĐẮK LẮK UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các địa phương phải bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vacxin.

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Bảo tồn giống cây trồng bản địa của Bình Định

Để giữ gìn tri thức bản địa miền núi Bình Định, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ đã bảo tồn các giống lúa rẫy, ngô nếp, sắn ngọt…

TP Hạ Long thả 200.000 con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

QUẢNG NINH Lãnh đạo cùng nhân dân TP Hạ Long đã tiến hành thả 200.000 con giống thủy sản, bao gồm các loại tôm sú, cá vược, cá tráp về môi trường tự nhiên.

Công chiếu phim tài liệu ‘Dưới tán rừng Ngọc Linh’

Bộ phim tài liệu đã tái hiện sinh động về nguồn gốc, quá trình bảo tồn, phát triển loại sâm quý hiếm trên đỉnh núi Ngọc Linh.

Bình luận mới nhất