| Hotline: 0983.970.780

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

Thứ Năm 18/04/2024 , 16:24 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Tuyến mương cứng được xây từ năm 2.000 ở xã Hồng Phong, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Tuyến mương cứng được xây từ năm 2.000 ở xã Hồng Phong, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Nếu như nguồn nước là yếu tố hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp thì các công trình thủy lợi được xem là “huyết mạch” trong phát triển nông nghiệp. Ở thành phố Hải Phòng, ngoài những tuyến kênh mương do các doanh nghiệp quản lý đang hoạt động khá ổn định thì nhiều công trình cấp xã quản lý đã bị hư hỏng, xuống cấp, công năng hạn chế, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Thôn Hỗ Đông có hơn 50 ha trồng lúa, là nơi có diện tích sản xuất nông nghiệp tập trung lớn nhất xã Hồng Phong, huyện An Dương. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do các tuyến mương tiêu, thoát nước đã xuống cấp trầm trọng.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng thôn Hỗ Đông cho biết, cả thôn có 1.300 mét kênh mương được xây dựng kiên cố từ năm 2000. Đến nay hầu hết đều bị đổ, địa phương đã khắc phục theo hình thức chắp vá nhưng cũng không đáp ứng yêu cầu dẫn nước, làm được một thời gian lại đổ.

Bên cạnh đó, trước khi xây dựng, lòng kênh mương cao hơn mặt ruộng, do vậy, việc tiêu thoát nước khi mưa lũ gặp nhiều khó khăn. “Có khi đang thời điểm đổ ải, nước không thoát được, chúng tôi phải bố trí người canh”, ông Dũng trao đổi trong quá trình dẫn PV đi khắp các cánh đồng còn lại trên địa bàn xã Hồng Phong. Nhiều đoạn kênh mương được xây chắp vá loang lổ, gạch đá nằm chỏng chơ dưới lòng mương.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng thôn Hỗ Đông chia sẻ với PV về những khó khăn trong việc sửa chữa hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng thôn Hỗ Đông chia sẻ với PV về những khó khăn trong việc sửa chữa hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất. Ảnh: Đinh Mười.

Với các tuyến kênh đất, dù được nạo vét thường xuyên khi vào vụ sản xuất mới nhưng đến nay cỏ đã mọc um tùm, một số tuyến không thể phục vụ được chức năng tiêu thoát nước.

Dừng chân tại đoạn kênh tiêu um tùm cỏ dại, ông Dũng chỉ về phía xa rồi nói: “Trước đây cánh đồng lúc nào cũng có nước bởi ngoài chức năng thoát nước ra, khi chúng tôi đóng cánh phai lại thì đoạn kênh này như con đập chứa nước. Hiện nay, cánh phai hỏng đã lâu, chưa thấy ai sửa, đoạn kênh này như bị bỏ hoang, cỏ mọc cao quá đầu người, việc tiêu nước cũng kém hẳn”.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch UBND xã Hồng Phong, hiện tại địa phương vận hành, quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi vừa và nhỏ gồm: 26 tuyến kênh cấp 2, cấp 3, cấp 4 với tổng chiều dài 11 km.

Hàng năm, các công trình thường xuyên được địa phương cải tạo, nâng cấp, duy tu, sửa chữa để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống lụt bão. Tuy vậy, nhiều tuyến kênh được làm từ lâu, nay đã xuống cấp, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị cấp trên bố trí nguồn kinh phí để tu sửa, nhưng đến nay vẫn chưa được như kỳ vọng của người dân.

Cũng là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn của huyện An Dương với gần 600ha, xã An Hòa, huyện An Dương là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn được đầu tư nhiều, nhưng hiện tại vẫn có những cánh đồng chưa đáp ứng được như cầu về tưới, tiêu.

Tuyến kênh tiêu um tùm cỏ dại. Ảnh: Đinh Mười.

Tuyến kênh tiêu um tùm cỏ dại. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết, địa phương hiện đang quản lý 41km kênh cứng và 60km kênh đất. Dù vẫn đảm bảo tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp nhưng nhiều tuyến kênh mương kiên cố do đã xây dựng từ năm 2000 đến nay đã có một số đoạn xuống cấp, hư hỏng nặng.

Việc nạo vét, tu bổ kênh mương được thực hiện thường xuyên hàng năm từ nguồn kinh phí của Nhà nước và nguồn kinh phí vận động nhân dân đóng góp và xã hội hóa nên rất hạn chế, chưa được như kỳ vọng.

Cũng như các xã An Hòa, Hồng Phong, hiện tại nhiều địa phương khác trên địa thành phố Hải Phòng cũng đang gặp tình trạng tương tự. Tại xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, địa phương này có tới 200ha diện tích đất trồng lúa nhưng hệ thống thủy lợi nhiều năm chưa được đầu tư, đặc biệt là hệ thống mương cứng sau trạm bơm.

Ông Phạm Văn Tài - Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên chia sẻ, hệ thống mương cứng của xã dài khoảng 6km, được xây dựng từ năm 2005, đến nay nhiều đoạn đã vỡ lở, xuống cấp trầm trọng. Tại các cuộc họp HĐND, cử tri nhiều lần có ý kiến, cấp trên nhiều lần về kiểm tra, sau đó đã có kế hoạch nhưng hiện tại vẫn chưa được đầu tư tu sửa hay làm mới.

“Thuận Thiên nhiều lắm, kênh mương cứng do xã quản lý xây đã lâu, nay vỡ lở hết rồi, chúng tôi đề xuất nhiều rồi, HĐND thành phố đã về nhưng chưa thấy bố trí nguồn để nâng cấp, cải tạo”, ông Tài thông tin thêm.

Người dân xã Thuận Thiên thu hoạch lúa bị úng ngập do kênh mương thoát nước kém. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân xã Thuận Thiên thu hoạch lúa bị úng ngập do kênh mương thoát nước kém. Ảnh: Đinh Mười.

Trong các hạng mục thủy lợi thì kênh mương là công trình cần được quan tâm đầu tư để nâng cao hiệu quả tưới tiêu. Thực tế hiện nay, mạng lưới kênh mương của Hải Phòng, nhất là các tuyến do địa phương quản lý đã xuống cấp, bộc lộ hạn chế, làm giảm khả năng dẫn nước.

Những năm qua, Hải Phòng đã tập trung nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực thủy lợi như nạo vét lòng sông, nâng cấp, xây mới nhiều công trình thủy lợi, để đối phó với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, hệ thống công trình thủy lợi tại các địa phương, nhất là cấp xã chưa hoàn thiện, nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp, công năng hạn chế, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Thực trạng kênh mương do cấp xã quản lý xuống cấp, chưa được tu sửa kịp thời không chỉ xảy ra ở một vài địa phương mà ở hầu khắp các xã đang có hoạt động sản xuất nông nghiệp. Kênh mương lâu ngày không được tu bổ xuống cấp nghiêm trọng, lòng kênh bồi lắng nên chức năng tưới, tiêu không đảm bảo.

Việc các địa phương huy động người dân đóng góp để tu bổ cũng nhiều bất cập. Mặt khác khi có kinh phí thì triển khai thực hiện cũng không dễ dàng bởi vướng mắc về mặt bằng. Do đó, cần phải có giải pháp lâu dài, tránh việc làm chắp vá, sẽ tốn kém mà không hiệu quả.

Huyện An Dương, thành phố Hải Phòng hiện có 69 trạm bơm và 1.915 tuyến kênh tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó kênh cấp 1 có 177 tuyến với chiều dài 211km, hệ thống kênh cấp 2, 3, 4 có 1.738 tuyến với tổng chiều dài là 476km.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...