| Hotline: 0983.970.780

Cần Thơ ra quân diệt chuột bảo vệ cây trồng

Thứ Ba 31/05/2022 , 08:05 (GMT+7)

Những năm gần đây, nước lũ ĐBSCL không còn nhiều như trước nên chuột ngày càng cắn phá dữ dội. Tại Cần Thơ, đã có nhiều chính sách hỗ trợ, phát động phòng trừ chuột.

Chi cục Trồng trọt – BVTV TP Cần Thơ phát động phong trào diệt chuột trong cộng đồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chi cục Trồng trọt – BVTV TP Cần Thơ phát động phong trào diệt chuột trong cộng đồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhằm diệt chuột, bảo vệ sản xuất, TP Cần Thơ đã có kế hoạch phòng chống chuột giai đoạn 2021 - 2025. Để phối hợp với các đơn vị thực hiện kế hoạch này, Chi cục Trồng trọt – BVTV TP Cần Thơ sẽ tổ chức tập huấn cho nông dân và hỗ trợ phòng trừ chuột. Đối với cây lúa, nông dân được tập huấn 1.500 cuộc/5 năm, thời gian tập huấn 1 ngày/cuộc, mỗi cuộc có 30 nông dân tham dự; đối với cây ăn trái sẽ có 85 cuộc/5 năm. Riêng diện tích cây trồng có nguy cơ bị chuột gây hại, nông dân sẽ được hỗ trợ bẫy chuột với số lượng 22.500 chiếc bẫy chuột mỗi năm.

Ngoài bẫy chuột, Cần Thơ cũng sẽ hỗ trợ thuốc diệt chuột cho với mức 1.125 kg/năm, tổng số hỗ trợ 5 năm là 5.625kg thuốc sinh học cho toàn Thành phố.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp TP Cần Thơ, tính riêng cây lúa từ năm 2016 - 2020 đã có 19.415ha bị chuột phá hại, chiếm 2 - 3% diện tích đất sản xuất. 

Trong năm 2022, Chi cục Trồng trọt – BVTV TP Cần Thơ đã phát động phong trào diệt chuột cộng đồng ở các địa phương nhằm giúp nông dân quản lý tốt và hạn chế thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra trên các loại cây trồng. Chuột là đối tượng gây hại cần phải áp dụng biện pháp quản lý ngay từ đầu vụ; tổ chức chiến dịch diệt chuột trên quy mô cộng đồng, liên tục; diệt chuột bằng nhiều biện pháp. Đồng thời chú ý phát quang, vệ sinh khu vực xung quanh đồng ruộng và đặc biệt tuyệt đối không sử dụng xung điện trong phòng chống chuột.

Ông Trần Hoàng Sơn (trái) ở khu vực Thới Hòa C, phường Long Hưng, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) sử dụng bẫy chuột nên ruộng lúa vụ hè thu 2022 không bị cắn phá. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Hoàng Sơn (trái) ở khu vực Thới Hòa C, phường Long Hưng, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) sử dụng bẫy chuột nên ruộng lúa vụ hè thu 2022 không bị cắn phá. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt – BVTV TP Cần Thơ đã triển khai tập huấn nông dân trồng lúa và cây ăn trái về quy trình phòng trừ chuột và hướng dẫn cách đặt bẫy chuột. Hỗ trợ thuốc trừ chuột sinh học cho nông dân tại các quận/huyện (0,2 kg/ha x 600 ha cho 7 quận, huyện) với tổng số lượng 120kg thuốc. Hỗ trợ bẫy diệt chuột cho nông dân tại các quận/huyện (10 bẫy/ha x 200ha cho 7 quận, huyện) với tổng số lượng 2.000 bẫy. Thực hiện 7 bẫy cây trồng tại các quận/huyện có chuột gây hại nhiều. Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền trên poster và tài liệu bướm để nông dân hiểu rõ, làm theo hướng dẫn phòng trừ chuột để đạt hiệu quả.

Hiện nay, diện tích lúa hè thu tại Cần Thơ bị chuột gây hại trên diện rộng, với mức độ thiệt hại trung bình từ 1 - 3%. Những năm gần đây, do không có lũ lớn nên chuột sinh sản mạnh, đến giai đoạn lúa làm đòng, chuột bắt đầu cắn phá, gây hại nhiều nhất ở vụ hè thu và thu đông.

Ông Trần Hoàng Sơn ở khu vực Thới Hòa C, phường Long Hưng, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) canh tác 2ha lúa cho biết: Bình quân mỗi vụ lúa trước đây bị chuột cắn phá với tỷ lệ thiệt hại từ 1 - 3%. Từ vụ lúa hè thu 2022 đến nay, ông đã được Chi cục Trồng trọt – BVTV Cần Thơ hỗ trợ và tập huấn các biện pháp để tiêu diệt chuột, như dùng bạt ni-lon rào xung quanh ruộng, đánh bả thuốc sinh học, dùng gập bẫy chuột hay đào hang bắt chuột… rất hiệu quả. Hiện nay, lúa hè thu của gia đình ông Sơn được trên 50 ngày tuổi, rất ít chuột đến cắn phá nên hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Chi cục Trồng trọt – BVTV TP Cần Thơ đã phát động phong trào diệt chuột cộng đồng ở các địa phương, giúp nông dân quản lý tốt và hạn chế thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra trên các loại cây trồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chi cục Trồng trọt – BVTV TP Cần Thơ đã phát động phong trào diệt chuột cộng đồng ở các địa phương, giúp nông dân quản lý tốt và hạn chế thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra trên các loại cây trồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

“Rất mừng nông dân chúng tôi được ngành nông nghiệp đứng mở lớp tập huấn và còn hỗ trợ các thiết bị và bả để diệt chuột an toàn theo hướng sinh học. Bên cạnh đó, còn giúp nâng cao nhận thức trong phòng trừ chuột bằng việc phối hợp nhiều biện pháp phòng trừ chuột, tuyệt đối không sử dụng điện để diệt chuột, không sử dụng thuốc trừ sâu kết hợp với nhớt để trừ chuột” ông Sơn nói.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV TP Cần Thơ cho biết: Loài chuột sinh sản theo cấp số nhân, nếu không có biện pháp quản lý tốt thì chắc chắn thiệt hại lớn. Vì vậy ngành nông nghiệp TP Cần Thơ là một trong những tỉnh ở ĐBSCL xem chuột là đối tượng gây hại nguy hiểm cho cây trồng, có thể làm giảm năng suất, đặc biệt ở cây lúa.

Việc diệt chuột hay bất cứ loài gây hại nào, cũng dùng biện pháp tổng hợp. Ngoài phương pháp thủ công như dùng bẫy, bả diệt chuột thì biện pháp hữu hiệu nhất là làm bẫy cộng đồng, có thể diệt chuột trong vòng 100ha.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.