| Hotline: 0983.970.780

Khống chế dịch viêm da nổi cục: [Bài 2] Người chăn nuôi hồ hởi

Chủ Nhật 09/06/2024 , 06:17 (GMT+7)

Dịch viêm da nổi cục xuất hiện đã khiến đàn trâu, bò ở Bình Định bị đe dọa, khi được hỗ trợ 100% vacxin tiêm phòng, người chăn nuôi ai nấy đều phấn khởi…

Ngành chức năng Bình Định lo lắng vì công tác tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục trên trâu, bò trong những năm trước đây đạt tỷ lệ chưa cao. Ảnh: V.Đ.T.

Ngành chức năng Bình Định lo lắng vì công tác tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục trên trâu, bò trong những năm trước đây đạt tỷ lệ chưa cao. Ảnh: V.Đ.T.

Dịch bệnh vẫn rình rập

Bài liên quan

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, báo cáo của Cục Chăn nuôi cho thấy, trong năm 2023, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra tại 31 tỉnh, thành trên cả nước. Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ các loại dịch bệnh gây hại cho đàn gia súc, gia cầm vẫn ở mức rất cao.

Tại Bình Định, được sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, ngành chức năng tỉnh này chủ động trong công tác tham mưu, phối hợp các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, tổ chức tốt các đợt tiêm phòng vacxin phòng bệnh gia súc, gia cầm và tăng cường giám sát, cảnh báo dịch bệnh.

“Nhờ đó, trong năm 2023, tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn Bình Định tiếp tục được kiểm soát. Các loại dịch bệnh nguy hiểm như: Viêm da nổi cục trên trâu bò, cúm gia cầm, lở mồm long móng trên gia súc, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được khống chế, tạo yên tâm cho người chăn nuôi phát triển đàn”, ông Huỳnh Ngọc Diệp cho hay.

Tuy nhiên, cũng theo ông Diệp, mầm bệnh của 1 số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi vẫn còn tồn tại trong môi trường. Lại đang lúc trên địa bàn Bình Định đang diễn ra nắng nóng khắc nghiệt, thỉnh thoảng xảy ra mưa rào, đây là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh đe dọa cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh này.

Đáng quan ngại là công tác tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục trên trâu, bò trong những năm trước đây đạt tỷ lệ chưa cao, do cơ chế chỉ hỗ trợ 50% chi phí tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục, 50% còn lại người chăn nuôi phải đối ứng. Tuy nhiên, với cơ chế hỗ trợ mới, vướng mắc trên đã được tháo gỡ.

“Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện Vân Canh cũng có vài ba trường hợp trâu bò mắc bệnh viêm da nổi cục, dù chỉ lẻ tẻ 1 vài con và người chăn nuôi tự điều trị, nhưng hiện tượng này cho thấy bệnh viêm da nổi cục vẫn rình rập đàn trâu, bò trên địa bàn”, ông Nguyễn Quang Ân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Canh (Bình Định) chia sẻ.

Từ năm 2024 trở đi, người chăn nuôi ở các huyện miền núi Bình Định ngoài được hỗ trợ 100% vacxin viêm da nổi cục còn được hỗ trợ 100% tiền công tiêm phòng. Ảnh: V.Đ.T.

Từ năm 2024 trở đi, người chăn nuôi ở các huyện miền núi Bình Định ngoài được hỗ trợ 100% vacxin viêm da nổi cục còn được hỗ trợ 100% tiền công tiêm phòng. Ảnh: V.Đ.T.

Cơ chế hỗ trợ hợp lòng dân

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, theo văn bản số 114 /UBND-KT của UBND tỉnh Bình Định ngày 5/1/2024 về cơ chế hỗ trợ vacxin và tiền công tiêm phòng vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh từ năm 2024 trở đi, bắt đầu từ năm nay, người chăn nuôi trâu, bò ở Bình Định sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí mua vacxin viêm da nổi cục để tiêm phòng cho vật nuôi.

Theo đó, đối với người chăn nuôi ở 3 huyện miền núi An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh sẽ được ngân sách tỉnh Bình Định hỗ trợ 100% kinh phí mua vacxin viêm da nổi cục. Còn với huyện trung du Hoài Ân sẽ được ngân sách tỉnh chi trả 75% kinh phí mua vacxin, ngân sách huyện chi trả 25% kinh phí còn lại. Đối với các huyện, thị xã còn lại, ngân sách tỉnh Bình Định chi trả 50% kinh phí mua vacxin viêm da nổi cục, 50% kinh phí còn lại do ngân sách các huyện, thị xã chi trả.

Riêng với thành phố Quy Nhơn, ngân sách thành phố đảm bảo chi trả 100% kinh phí mua vacxin viêm da nổi cục để hỗ trợ cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh Bình Định còn hỗ trợ 100% chi phí tỷ lệ hao hụt vacxin (3%) tiêm phòng trên toàn địa bàn. Về kinh phí tiền công tiêm phòng, ngân sách tỉnh Bình Định sẽ hỗ trợ 100% kinh phí cho người chăn nuôi trâu, bò ở 3 huyện miền núi An Lão, Vân Canh, và Vĩnh Thạnh.

Năm 2024, nhờ được hỗ trợ 100% chi phí tiêm vacxin viêm da nổi cục nên tỷ lệ tiêm phòng bệnh này ở Bình Định đạt cao. Ảnh: V.Đ.T.

Năm 2024, nhờ được hỗ trợ 100% chi phí tiêm vacxin viêm da nổi cục nên tỷ lệ tiêm phòng bệnh này ở Bình Định đạt cao. Ảnh: V.Đ.T.

Đầu năm 2024, ngành chức năng các địa phương trên địa bàn Bình Định tiến hành tiêm phòng các loại vacxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, trong đó có vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Chính sách hỗ trợ 100% chi phí vacxin viêm da nổi cục cho thấy ngay hiệu ứng tích cực, là người chăn nuôi ở Bình Định từ miền núi đến vùng xuôi đều hưởng ứng mạnh mẽ việc tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục cho trâu, bò của mình.

Theo ghi nhận từ các địa phương, trước đây, người chăn nuôi trâu bò ở Bình Định chỉ hưởng ứng mạnh việc tiêm phòng vacxin lở mồm long móng vì loại vacxin này được Nhà nước hỗ trợ 100%, còn khi ngành chức năng vận động tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục thì không ai đăng ký, vì phải đối ứng 17.500đ/liều vacxin. Trong tiêm phòng đợt 1 năm 2024, toàn bộ hộ chăn nuôi trâu, bò ở Bình Định đều đăng ký tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục vì không còn phải đối ứng như những năm trước đây.

“Trâu bò là tài sản lớn của người dân miền núi, đặc biệt là với đồng bào dân tộc thiểu số. Được hỗ trợ 100% chi phí tiêm phòng vacxin viêm da nổi cục, người chăn nuôi ở huyện An Lão rất hồ hởi, hưởng ứng mạnh mẽ việc tiêm phòng loại vacxin này để bảo toàn đàn trâu, bò của mình”, ông Nguyễn Thanh Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện An Lão cho hay.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.