| Hotline: 0983.970.780

Không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh thủy sản

Thứ Năm 09/06/2022 , 14:42 (GMT+7)

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa tăng cường giám sát dịch bệnh tại các vùng nuôi trồng thủy sản, chủ động khuyến cáo, hướng dẫn người nuôi biện pháp phòng, chống.

Tại vùng nuôi Ninh Ích đã có nhiều người nuôi đành xả ao sớm do ảnh hưởng thời tiết bất lợi làm tôm nuôi thiệt hại. Ảnh: KS.

Tại vùng nuôi Ninh Ích đã có nhiều người nuôi đành xả ao sớm do ảnh hưởng thời tiết bất lợi làm tôm nuôi thiệt hại. Ảnh: KS.

Xuất hiện rải rác dịch bệnh trên thủy sản nuôi

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa, tính đến tháng 6/2022, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh khoảng 3.440ha (trong đó diện tích nuôi mặn lợ chiếm 2.902ha) và nuôi lồng bè trên 2,4 triệu m3 (tôm hùm, cá biển), tổng sản lượng thủy sản thu hoạch là 8.192 tấn.

Qua giám sát tình hình dịch bệnh thủy sản 5 tháng đầu năm 2022, Chi cục nhận định tình hình nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định, chỉ phát hiện hiện tượng tôm thẻ chết rải rác. Cụ thể, ngày 13/5 vừa qua vùng nuôi Ninh Ích (TX Ninh Hòa) đã ghi nhận tôm nuôi một vài hộ có hiện tượng đỏ thân, tỉ lệ chết 50-70%.

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu tôm âm tính với 3 bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi như WSSV (đốm trắng), AHPND (bệnh hoại tử gan tụy cấp) và EHP (bệnh vi bào tử trùng). Còn các chỉ tiêu xét nghiệm mẫu nước cũng không phát hiện bất thường.

Do đó, nguyên nhân tôm chết là do ảnh hưởng của các yếu tố môi trường (thời tiết bất thường, trời đang nắng gay gắt nhưng thường xuyên xuất hiện mưa dông) làm cho sức đề kháng của tôm nuôi kém.

Cũng tại xã Ninh Ích, ngày 24/5, Chi cục nhận được thông báo của Công ty TNHH TM Hải sản Yolo về tình hình hàu nuôi bị chết tại vùng nuôi thôn Tân Đảo. Theo đó, Công ty này thả 100.000 con giống có nguồn gốc tại Nam Định. Nhưng sau 3-4 tháng nuôi hàu có dấu hiệu teo dần cơ thịt rồi chết.

Kết quả hàu nuôi bị nhiễm khuẩn nặng. Ảnh: KS.

Kết quả hàu nuôi bị nhiễm khuẩn nặng. Ảnh: KS.

Chi cục đã cử cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y Ninh Hòa phối hợp với cán bộ Trạm Thủy sản tiến hành kiểm tra thực địa, thu tập thông tin dịch tễ và lấy mẫu hàu kèm mẫu nước tại vùng nuôi để kiểm tra. Kết quả cho thấy mẫu hàu nhiễm khuẩn nặng (Vibrio sp. 3,2x103 CFU/g), âm tính với ký sinh trùng Perkinsus sp. Riêng mẫu nước tại thời điểm thu có kết quả Vibrio sp. trong ngưỡng cho phép nuôi trồng thủy sản.

Trước tình hình trên, Chi cục không khuyến cáo việc điều trị bệnh cho đối tượng nhuyễn thể nói chung (không có các phác đồ được ban hành) mà thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp là rất cần thiết.

Các biện pháp phòng bệnh đối với nhuyễn thể nuôi gồm lựa chọn con giống khỏe mạnh, không nhiễm bệnh; đồng thời lựa chọn địa điểm nuôi phù hợp (nuôi ở hệ thống hở). Tuân thủ các biện pháp kỹ thuật nuôi; vệ sinh lồng hoặc rổ nuôi định kỳ 1-3 lần/tháng (tùy thuộc nắng hay mưa) để loại bỏ rác, sinh vật bám ở bề mặt rổ hoặc lồng nuôi.

Bên cạnh đó kiểm tra sự sinh trưởng của hàu 3 lần/tháng. Nếu phát hiện hàu chết cần giải phẫu tại chỗ để đánh giá dấu hiệu lâm sàng và loại bỏ cá thể chết nhằm tránh hiện tương lây lan sang các cá thể khác trong khu vực nuôi. Người nuôi cần theo dõi chặt chẽ biến động của thời tiết và môi trường nước để có những biện pháp khắc phục kịp thời.

Trong thời gian qua, Chi cục cũng nhận thông tin báo của người nuôi tôm hùm có tình trạng tôm chết rải rác có dấu hiệu bệnh sữa. Do đó, Chi cục đã khuyến cáo người nuôi tuân thủ phát đồ phòng trị bệnh theo Phụ lục V, Thông tư 04 ngày 10/5/2016 của Bộ NN-PTNT và giải pháp kỹ thuật điều trị bệnh sữa và đỏ thân trên tôm hùm nuôi lồng của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III.

Người nuôi tôm nước lợ cần thả giống với mật độ phù hợp với điều kiện và quy trình nuôi. Ảnh: KS.

Người nuôi tôm nước lợ cần thả giống với mật độ phù hợp với điều kiện và quy trình nuôi. Ảnh: KS.

Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra trên thủy sản

Theo dự báo, trong giai đoạn chuyển mùa (tháng 4 - 6/2022) sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của tôm nuôi nước lợ và tôm hùm nuôi lồng. Từ đó dẫn tới dịch bệnh dễ xảy ra trên tôm, nhất là bệnh sữa, bệnh đỏ thân trên tôm hùm nuôi và bệnh phân trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) trên tôm nuôi nước lợ.

Để phòng chống dịch bệnh trên nuôi trồng thủy sản, bà Trần Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa khuyến cáo người nuôi cần lựa chọn con giống khoẻ mạnh, đảm bảo chất lượng và được xét nghiệm các bệnh nguy hiểm như EHP, WSSV, AHPND, IHHNV trước khi thả nuôi.

Trong quá trình nuôi, người nuôi cần theo dõi chặt chẽ thời tiết, yếu tố môi trường nước trong ao nuôi như pH, độ mặn, DO, nhiệt độ, màu tảo... để có các biện pháp xử lý kịp thời. Người nuôi cần tuân thủ khung thời vụ thả tôm giống năm 2022, tuân thủ các kế hoạch và hướng dẫn sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản của cơ quan chức năng chuyên ngành tại địa phương.

Để nuôi tôm hạn chế dịch bệnh người nuôi phải tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng. Ảnh: KS.

Để nuôi tôm hạn chế dịch bệnh người nuôi phải tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó, lưu ý người nuôi cần thả giống với mật độ phù hợp với điều kiện và quy trình nuôi nhằm đảm bảo việc quản lý và chăm sóc tôm nuôi trong điều kiện tốt nhất. Khuyến cáo, định kỳ thu mẫu tôm và mẫu nước để kiểm tra Vibrio spp., EHP, WSSV, AHPND.

Khi phát hiện tôm nuôi có biểu hiện bất thường hay nghi nhiễm các loại bệnh trên, người nuôi cần báo với các cơ quan quản lý tại địa phương để được hướng dẫn xử lý theo quy định.

Theo bà Thúy, đối với nuôi tôm hùm lồng,  người nuôi cũng cần theo dõi chặt chẽ thời thiết, môi trường nước, đặc biệt màu nước xung quanh lồng bè nuôi để có các biện pháp xử lý kịp thời khi màu nước thay đổi bất thường như hạ lồng, san thưa tôm, cung cấp oxy kịp thời..., tránh ảnh hưởng đến tôm hùm nuôi.

Đồng thời thường xuyên lặn, theo dõi, kiểm tra sức khỏe tôm hùm nuôi cùng với việc thu gom thức ăn thừa, vỏ lột của tôm để đưa vào đất bời. Khi thả tôm, cần theo dõi thời tiết, tránh thả tôm lúc biển động và có mưa. Chú ý chọn con giống tốt nhất là tại địa phương, hay con giống có tỷ lệ dị hình <0,5%; không bị nhiễm bệnh sữa (Thông tư 14/2021/TT-BNNPTNT ngày 01/12/2021).

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.