| Hotline: 0983.970.780

Không để đất hoang

Thứ Tư 22/04/2020 , 09:18 (GMT+7)

Giữa một vùng sình lầy hoang hóa tự bao đời bỗng hiện diện một cơ ngơi nông trang ngay ngắn với bờ đầm thẳng tắp, cây xanh nối dài mát mắt.

Hạ tầng mới của HTX Nông sản an toàn Hùng Sơn khẳng định tính hiệu quả từ quyết tâm cải tạo tư liệu hoang hóa của người nông dân.

Hạ tầng mới của HTX Nông sản an toàn Hùng Sơn khẳng định tính hiệu quả từ quyết tâm cải tạo tư liệu hoang hóa của người nông dân.

Hợp tác

Đó là bãi Hồng Vân (thôn Vân Trai, xóm Hồng Vân, xã Tân Phú, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên). Giáp với sông Cầu, bãi là cách gọi của người dân địa phương nhưng thực chất cả vùng rộng lớn là những thùng đào, thùng đấu từ thuở dòng sông chưa được ngăn cách bởi quai đê nên tạo hố những hố nông sâu nham nhở.

Người bản địa dù được giao đất, mỗi hộ một phần nhưng diện tích tổng thể thì cơ bản vẫn được bỏ hoang. Chỗ có roi đất nhô cao, cỏ hoang mọc lút đầu người. Phần lớn dưới nước của sình lầy là bèo tây lớp lớp.

Không ai ngờ rằng khi mà phần lớn nhân lực của xã nghèo ven sông đã được hút về khu tổ hợp Samsung của thị xã công nghiệp Phổ Yên thì những người còn lại lại táo bạo với ý định hợp tác cải tạo bãi Hồng Vân.

Để thuyết phục các hộ có đất, ông Phạm Quang Hiếu (Giám đốc HTX) đã lần lượt đến từng hộ dân, trình bày ý tưởng. Một ngày giữa năm 2018, 10 thành viên của HTX tụ họp, nhất trí góp công, góp của xây dựng nông trang hợp tác. Lễ ra mắt HTX được tổ chức vào đầu tháng 06/2018 với tên gọi là HTX Nông sản an toàn Hùng Sơn.

Đàn vịt nuôi theo quy trình VietGAHP.

Đàn vịt nuôi theo quy trình VietGAHP.

Cải tạo

Chưa đầy 2 năm kể từ khi thành lập, nổi lên giữa vùng sình lầy hoang hóa là một cơ ngơi trang trại với đường ra lối vào tăm tắp.

Trên chuồng, dưới ao. Bờ ao là những hàng cây ăn quả các loại tỏa bóng. Đất thịt chắt chiu được thì trồng lúa và hoa màu. Một phần diện tích soi bãi được tận dụng trồng cỏ, bầu bí...

Đón chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ dùng làm trụ sở tạm giữa bát ngát hồ ao, Giám đốc Phạm Quang Hiếu mồ hôi nhễ nhại nói, đầm Hồng Vân trước đây đến bản thân người dân sở tại còn chẳng ai ngó ngàng đến chứ nói gì có khách nơi khác đến chơi.

Anh kể, bắt tay vào xây dựng, các thành viên góp tư liệu, góp công sức và tiền. Ngặt nỗi, mỗi gia đình thành viên giờ chỉ có 2 vợ chồng ở nhà, các con hoặc còn bé đang học, hoặc trưởng thành thì đi làm, đi làm cho Samsung chứ chẳng chịu ra đồng như bố mẹ nên thiếu nhân lực.

HTX phải thuê máy cơ giới tiến hành nạo vét đầm lầy, xây bờ bao. Khi những hố sâu đã thiết kế thành hình ao hồ thì diện tích còn lại được quy hoạch khu chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Ông Ngô Văn Hùng (thành viên HTX Nông sản an toàn Hùng Sơn) cho biết, cải tạo lớn thì dựa vào nguồn lực tài chính đầu tư, nhưng việc hoạt động hàng ngày như trồng cấy, chăn nuôi, chăm sóc cây trồng vật nuôi thì không ai khác mà chính các thành viên phải làm. Quy chế hoạt động được xây dựng. Trên cơ sở nguồn vốn góp, Ban kiểm sát HTX sẽ chấm công cho các thành viên lao động mỗi ngày.

Theo đó, ngày công được trả cho mỗi công việc từ 180 ngàn đến 250 ngàn đồng/công. Nước mới, cá giống của HTX được Chi cục Thủy sản hỗ trợ lớn nhanh như đẩy. Đất mới, cây cối, hoa màu mặc sức đua cao.

Nuôi bò ổn định, tiêu thụ rất tốt.

Nuôi bò ổn định, tiêu thụ rất tốt.

Ông Ngô Văn Dũng (kiểm soát viên HTX) cho biết, tổng diện tích đất của HTX là 4 ha. Trong đó, có 2,8 ha là chăn nuôi thủy sản; 0,3 ha cấy lúa để chăn nuôi gia cầm. Diện tích còn lại chủ yếu là tận dụng làm chuồng trại, trồng cỏ và hoa màu. Vừa qua, HTX đã bán 18 con bò, hiện còn 7 con bò BBB, gần 1.000 gà, vịt.

Ông Dũng hạch toán, mỗi con bò nuôi sau một năm cho lãi 25 triệu đồng. Cùng với gà vịt, hoa màu là nguồn thu trước mắt để trả công cho xã viên lao động. Nguồn thu lớn từ chăn thả cá trong năm vừa qua được sử dụng để đầu tư tiếp tục xây dựng hạ tầng HTX.

Về định hướng, ông Phạm Quang Hiếu (Giám đốc HTX) cho biết, những thành quả mới chỉ là bước đầu.

Để HTX phát triển, các thành viên đều mong muốn mở rộng diện tích để có quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, những diện tích kế cận dù người dân bỏ hoang nhưng lại không thể mua được. Vậy nên, trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì để đảm bảo nâng cao hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Ngọc (Phó Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên) đánh giá, mô hình hoạt động của HTX nông sản an toàn Hùng Sơn khẳng định quyết tâm dám nghĩ, dám làm của bà con.

Thị xã rất cần những mô hình kinh tế nông nghiệp như HTX Hùng Sơn để đáp ứng đòi hỏi rất lớn nguồn cung cầu lương thực thực phẩm trên địa bàn.

Từ góc nhìn đó, thị xã sẽ quan tâm và kêu gọi và chỉ đạo các cơ quan chức năng có các chính sách hỗ trợ tích cực cho đơn vị phát huy hiệu quả hoạt động.

Xem thêm
Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Hà Nội có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với 794 ha

Mã số vùng trồng được cho là phương pháp quản lý tận gốc chất lượng nông sản, tuy nhiên câu chuyện thực hiện và giám sát nó hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.