| Hotline: 0983.970.780

Không để dịch lây lan

Thứ Ba 25/02/2020 , 09:06 (GMT+7)

Huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) tích cực tuyên truyền hộ chăn nuôi triển khai giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi, không để dịch bệnh xâm nhập và nguy cơ lây sang người.

Đàn vịt siêu trứng của anh Tấn phát triển tốt.

Trải qua đợt dịch tả lợn Châu Phi với thiệt hại không nhỏ, huyện Phong Điền đã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo hướng phát triển đàn gia cầm nhằm ổn định chăn nuôi và cân đối nguồn thực phẩm.

Hiện tại, tổng đàn gia cầm của toàn huyện đạt trên 432 nghìn con. Cùng với đó, công tác phòng chống dịch bệnh đàn gia cầm được huyện chú trọng thực hiện để hạn chế thấp nhất thiệt hại trong chăn nuôi.

Hộ anh Hoàng Công Tấn, xã Phong Hiền hiện nuôi hơn 1.500 con vịt đẻ trứng. Để đảm bảo cho đàn vịt an toàn trước nguy cơ dịch bệnh, anh rất chú trọng công tác vệ sinh và phòng dịch.

Anh Tấn cho biết: “Được sự giúp đỡ hướng dẫn của cán bộ trạm thú y, gia đình tôi triển khai các biện pháp tiêm phòng vacxin, tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại một tuần hai lần, tăng cường rải vôi bột xung quanh chuồng trại, tuân thủ nghiêm việc tiêm phòng cúm cho đàn gia cầm định kỳ”.

Huyện Phong Điền đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N1, H5N6 cho người dân hiểu rõ để chủ động phòng và đối phó như áp dụng tốt các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại trước khi tái đàn và sau mỗi lần xuất chuồng. Khuyến cáo không thả rông gia cầm, không mua bán gia cầm bị mắc bệnh, không giết mổ gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, không giấu dịch, không vứt xác gia cầm bừa bãi.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Điền Nguyễn Khoa Thắng cho biết: “Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, trung tâm đã cử cán bộ chuyên môn thường xuyên về cơ sở kiểm tra tại các hộ chăn nuôi, hướng dẫn các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại cho người dân thực hiện”.

Thời gian tới, dự báo nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra là rất cao do vẫn có sự lưu hành của các tác nhân gây bệnh đang tiềm ẩn trong môi trường, kể cả trên đàn vật nuôi, người chăn nuôi mua con giống không rõ nguồn gốc.

Các hoạt động mua bán, vận chuyển, nhập lậu gia súc, gia cầm trái phép vẫn chưa được kiểm soát, thời tiết chuyển mùa làm giảm sức đề kháng của vật nuôi làm bệnh phát sinh. Đặc biệt tổng đàn gia cầm tăng nhanh do người dân chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang nuôi gia cầm để ổn định thu nhập hay các hộ chăn nuôi lợn đang tái đàn phục hồi sản xuất nhưng không thực hiện tốt điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Ngay sau khi có chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi đã yêu cầu các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm ra vào địa bàn huyện; chuẩn bị đầy đủ vật tư hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch”.

“Tăng cường hướng dẫn người nuôi thực hiện tốt các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, tuyên truyền, vận động người dân không giết mổ, vận chuyển và sử dụng làm thực phẩm gia cầm bị bệnh, chết, các chủ chăn nuôi phải tự giác khai báo ngay khi có gia cầm bệnh, chết nghi vấn nhiễm bệnh với cơ quan chức năng để xử lý”, ông Thắng cho biết thêm.

UBND huyện Phong Điền đã chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Đồng thời yêu cầu, ngành chức năng, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng trong toàn huyện. Đây được xem là một trong những biện pháp rất quan trọng để tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm.

Phòng NN-PTNT huyện Phong Điền cũng đã tăng cường công tác phối hợp với các địa phương để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm hiệu quả.

Cán bộ được tăng cường về cơ sở, cùng với cán bộ thú y, BQL các chợ và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con nâng cao nhận thức về bệnh cúm gia cầm và thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt, giám sát tình hình dịch bệnh, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ theo quy định...

    Tags:
Xem thêm
Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.